Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Dân số Việt Nam: Chưa giàu đã già

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hội nghị quốc tế "Mất cân bằng giới tính khi sinh” mới đây, Bộ Y tế cảnh báo, người dân Việt Nam đang trong tình trạng chưa giàu đã già. Việt Nam chỉ mất 15 – 20 năm để chuyển từ cơ cấu dân số vàng sang cơ cấu dân số già với tốc độ nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Điều này đã và đang đặt ra nhiều thách thức như công tác chăm sóc sức khoẻ, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của người già, lao động của người già…
Việt Nam chỉ mất 15 – 20 năm để chuyển từ cơ cấu dân số vàng sang cơ cấu dân số già với tốc độ nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới ảnh: SH
Già-nghèo-bệnh tật
Hiện nay hầu hết người cao tuổi (NCT) (trên 8 triệu người) ở Việt Nam đều "già trước khi giàu”. Kết quả nghiên cứu của Vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, 60% các cụ khi được hỏi cho là đời sống vật chất quá nhiều khó khăn. Ông Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, người ta từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hoá dân số mất nhiều chục năm, thậm chí mất hàng trăm năm, thì đất nước ta chỉ mất có 3 năm đã chuyển từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hoá dân số. Điều tra tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa -Vũng Tàu cho thấy, 50-83% NCT không được bác sĩ và nhân viên y tế tới nhà khám. 80% người cao tuổi phải sống ở nông thôn. Rất ít trong số đó có lương hưu, trợ cấp. Còn đa số sống bằng lao động, bằng nguồn hỗ trợ của con cháu và gia đình. Trong khi đó ở nông thôn, ruộng đất ít, năng suất thu nhập thấp, ít khi có tiết kiệm phòng khi bất trắc tuổi già. Tình trạng đói nghèo đang làm tăng độ nhạy của bệnh tật ở NCT, tai nạn thương tích… Thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, tuổi thọ bình quân của Việt Nam năm 2005 đạt 72,2 tuổi, là mức khá cao so với điều kiện của nền kinh tế. Tuy nhiên, tuổi thọ bình quân khoẻ mạnh chỉ đạt 58,2% tuổi, xếp thứ 16/174 nước trên thế giới. Bình quân mỗi người dân có tới 14 tuổi là ốm đau, bệnh tật… Những năm gần đây, Việt Nam một mặt tiếp tục giải quyết các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng… mặt khác phải đương đầu với sự tăng nhanh của các bệnh không lây (tim mạch, ung thư, trầm cảm, đái tháo đường) trong điều kiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ thiếu đủ bề. Bệnh không lây đang gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế, xã hội. Bệnh không chỉ có tỉ lệ tử vong cao mà còn gây tàn tật lớn.
Thực tế NCT có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn gấp 6 – 8 lần trẻ em. Hiện nay tổng chi cho y tế ở nước ta khoảng 45 đôla/người/năm, một tỉ lệ cực thấp so với các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới. TS Đỗ Khánh Hỷ – Phó Viện trưởng Viện Lão khoa quốc gia phàn nàn rằng, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh phải có khoa lão, phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho NCT dựa vào cộng đồng, thực hiện tốt các chương trình phòng ngừa, phát hiện và điều trị các bệnh liên quan đến người già. Tuy nhiên trên thực tế mới có 27% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa lão, với 139 bác sĩ, nghiên cứu viên và 237 điều dưỡng viên. Cả nước chỉ có 5 cơ sở chuyên chăm sóc y tế lâu dài cho NCT. Hơn một nửa số tỉnh thành có cơ sở lưu trú cho đối tượng chính sách, NCT neo đơn không nơi nương tựa. Cả nước mới chỉ có 2 cơ sở đào tạo có bộ môn lão khoa, số lượng các hình thức đào tạo chuyên đề ngắn hạn, công trình nghiên cứu cũng như các ấn phẩm chuyên ngành cực ít. Có một thực tế buồn là ai cũng biết, chăm sóc sức khoẻ NCT là lĩnh vực liên ngành, nhưng hiểu biết của nhân viên y tế về các khía cạnh chính sách, chương trình và sự phối hợp giữa các cơ cấu tổ chức y tế xã hội còn quá hạn chế. Hậu quả là, người bệnh vì thế không được theo dõi và điều trị có hệ thống. Các bệnh mạn tính cũng vì thế đang "hoành hành” những NCT, khiến cho cuộc sống của họ thêm khó. Nhiều NCT, đặc biệt từ 80 tuổi trở lên lâm vào tình trạng tàn phế nặng, thậm chí tâm thần cũng bị sa sút nghiêm trọng. Những tàn phế mà NCT thường gặp là mất thị lực và thính lực. PGS-TS Phạm Thắng – Viện Trưởng Viện Lão khoa Quốc gia nhiều lần tâm sự, hiện Việt Nam chưa có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng gia tăng số người mới bị tàn tật, khuyết tật do tai nạn và cũng chưa có cách phát hiện và điều trị sớm dị tật bẩm sinh. Khi về già, những người bị tàn phế sẽ có thêm nhiều trở ngại nữa liên quan đến quá trình lão hoá. Chẳng hạn, rối loạn vận động do bệnh bại liệt từ bé có thể càng trầm trọng hơn ở tuổi già. Hiện có nhiều người trẻ bị tàn phế về trí tuệ vẫn sống đến già, sống sót cả sau khi bố mẹ họ đã qua đời…
Cải thiện chất lượng sống cho người già cách nào?
Hiện nay, việc duy trì và phát huy một dân số khoẻ mạnh đang trở thành thách thức với các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách trong khi Việt Nam đang thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ y tế. Để "già hóa dân số” không còn là gánh nặng cho xã hội thì việc chuẩn bị tốt về chính sách, chiến lược của nhà nước, ngành Y tế và các tổ chức xã hội là cấp thiết, cấp bách và có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Theo PGS-TS Phạm Thắng, giải pháp có tính khả thi trong công tác chăm sóc sức khoẻ NCT thời điểm hiện nay là ưu tiên đầu tư phát triển Viện lão khoa Quốc gia chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật cho toàn bộ hệ thống lão khoa trên cả nước. Đưa nhiệm vụ kiểm soát bệnh không lây, mạn tính vào nội dung chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại tuyến cơ sở, gắn với các nhiệm vụ của công tác y tế dự phòng, DS-KHHGĐ. Xây dựng các mô hình chuẩn "Chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng”, từng bước phát triển mạng lưới và nâng cao năng lực chăm sóc NCT tại nhà… Tiến tới xây dựng và quản lý thống nhất mạng lưới Trung tâm điều dưỡng NCT trên cơ sở nhu cầu thực tế và điều kiện cơ sở hạ tầng từng địa phương…
Theo Kim Ngân
(daidoanket)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)