Tòa soạnThư đi – tin lại

Dân tay trắng, trường tan hoang

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cao su tiểu điền của bà con nông dân ở Quảng Trị bị bão số 10 làm gãy đổ la liệt
Cơn bão số 10 quét qua các tỉnh nghèo miền Trung đã gây thiệt hại rất nặng nề, ước tính lên đến cả ngàn tỷ đồng. Nhiều người nông dân suốt mấy chục năm quần quật nơi mảnh vườn bỗng chốc lâm vào cảnh trắng tay. Đường đến trường của con trẻ vì thế cũng chênh vênh hơn bao giờ hết…
Con đường dẫn về các đường thôn ngõ xóm thuộc các xã ven biển bãi ngang huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) những ngày này xác xơ, hoang tàn. Những ánh mắt thẫn thờ, lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt. Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất của ngành giáo dục cũng bị tổn thất không nhỏ.
Hàng chục ngôi trường tốc mái nặng
Chúng tôi có mặt ở xã Vĩnh Tú vào tầm 8 giờ sáng, khi lực lượng công an, dân quân tự vệ đang nỗ lực giúp các trường khắc phục hậu quả do cơn bão số 10 gây ra, kịp thời đưa các em trở lại trường để theo kịp thời gian, chương trình. Đó cũng là cách để chạy đua cùng bão lũ của thầy trò ở miền quê này. Tất bật cùng các thầy cô dọn dẹp sân trường, cô Trần Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tú buồn buồn nói: “Cơn bão quét qua khủng khiếp quá. Hất ngược hai cây xà cừ làm đổ nát mái ngói bếp ăn của nhà bán trú. Cả loạt tôn trên ngôi trường hai tầng cũng bay hết, mưa dội xuống lênh láng cả tầng hai. Suốt hai ngày qua lực lượng công an, bộ đội khẩn trương giúp trường lợp lại mái tôn đã bay nhưng hiện các HS được nhà trường sắp xếp học ở tầng 1 còn tầng 2 mưa lớn nước vẫn dột vào tận phòng học do tôn đã quá cũ, được lợp từ năm 1999”. Cũng theo cô Loan, riêng về bếp ăn bán trú hiện vẫn chưa khắc phục được nên phụ huynh phải đưa đón HS sau mỗi buổi học. Để ổn định tình hình học như cũ cần đến hàng trăm triệu đồng để thay lớp tôn và mái ngói mới. Nhưng nhà trường vẫn chưa biết xoay xở vào đâu khi ngân sách chưa có và phụ huynh ở vùng quê này đều nghèo.
Còn tại Trường Tiểu học Vĩnh Thái, cô Trần Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường nằm ven biển bãi ngang – một trong những nơi thường xuyên đối mặt với thiên tai khắc nghiệt của tỉnh Quảng Trị hiện đã bị tốc mái, cây đổ tan tác. Đến ngày 2-10, các thầy cô và lực lượng chính quyền địa phương khẩn trương dọn dẹp, chỉnh trang trường lớp để đưa HS trở lại trường sớm nhất. “Khó khăn chồng chất khó khăn”, cô Thu buồn bã.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Quảng Trị, toàn tỉnh có 30 trường học với trên 200 phòng học bị hư hỏng sau bão. Nặng nhất là các vùng ven biển huyện Vĩnh Linh.
Dân tay trắng
Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân ở miền quê nghèo Quảng Trị đã đổi đời, con cái được học hành đến nơi đến chốn nhờ vào việc tìm ra hướng phát triển kinh tế đúng đắn: Trồng cây cao su tiểu điền. Thế nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ cơn bão số 10 quét qua, sản nghiệp một đời vất vả của người nông dân bỗng chốc trở thành tay trắng. Điểm thiệt hại nặng nhất ước tính là hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh – nơi có số lượng dân trồng cao su nhiều trong tỉnh. Ngồi bệt vô hồn bên những gốc cây cao su bị bão làm gãy đổ, anh Trần Mai Tuấn ở thôn Tây 2, xã Vĩnh Tú nói không nên lời: “Cả gia sản nằm trong vườn cao su. Tương lai các con cũng ở đấy…”. Nhìn quang cảnh rừng cây hơn 2ha xanh tốt bạt ngàn, đã cho mủ từ 3 năm qua, nay bị gãy đổ la liệt mà thật xót xa. Theo thống kê, Vĩnh Tú có 41ha cây cao su tiểu điền thì nay hầu hết đều đã bị gãy đổ hoàn toàn do bão số 10 gây ra.
Xã Vĩnh Thủy – nơi được xem là vùng đất màu mỡ nhất của huyện Vĩnh Linh để trồng cây cao su, tại đây có hàng chục hộ nông dân trở thành tỷ phú mỗi năm, sau cơn bão này cũng lâm vào tình cảnh trắng tay. Những thửa cây cao su xanh tốt bạt ngàn, từ 5 đến 7 năm tuổi đều đã bị gãy đổ la liệt, thân, gốc cây bật ngược lên trời. Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, trong số hơn 6.000ha cây cao su tiểu điền của bà con nông dân, đến nay đã mất trắng hơn 2/3 do bão. Đây là thiệt hại nghiêm trọng nhất của huyện, bởi nhà cửa tốc mái, xiêu vẹo, thậm chí bị sập đổ đều có thể được nhanh chóng sửa sang lại, còn cây cao su là vốn liếng lớn nhất qua một quá trình dài tích cóp, đầu tư, chăm bón của người nông dân thì không thể khắc phục trong ngày một ngày hai mà phải tính đến đoạn đường dài 5, 10 năm và thậm chí để bắt đầu lại một quá trình ấy, người dân nghèo thêm một lần lâm vào cảnh trắng tay, dày nợ.
Không riêng Vĩnh Linh, các rừng cây cao su tiểu điền của bà con nông dân ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ cũng bị gãy đổ chỏng chơ, mất trắng hơn 2/3 diện tích. Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, bão số 10 đã làm gãy đổ, bật gốc không thể khắc phục được hàng ngàn hécta cây cao su đang cho mủ. Trong đó, cao su tiểu điền của bà con nông dân bị thiệt hại tới hơn 7.000ha.
Ông Nguyễn Văn Bài, Phó trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, huyện đảo Cồn Cỏ và các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Chấp, Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (giáp với huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nơi tâm bão đi qua) đã bị thiệt hại rất nặng nề. Đến nay, đã có trên 30 người bị thương do bão; 40 nhà bị sập đổ; 5.200 nhà, trường học, bệnh viện, trạm y tế, trụ sở công cộng bị tốc mái, hư hại nặng. Riêng huyện đảo Cồn Cỏ, 100% nhà dân, quán xá, trụ sở công cộng bị tốc mái hoàn toàn.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
 
12 tỷ đồng cứu trợ bà con vùng bão lụt
Ngày 3-10, hai đoàn cứu trợ của TP.HCM đã ra miền Trung trực tiếp thăm hỏi, tặng quà cho bà con vùng bão lụt. Trước đó, chiều 2-10, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức phát động đợt vận động cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 10 gây ra. Tại đây đã nhận được sự ủng hộ của các đơn vị, cá nhân với số tiền khoảng 5 tỷ đồng. Đợt vận động kéo dài từ nay đến ngày 31-10. Theo đó, vận động các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ ít nhất một ngày lương; các hộ tiểu thương, kinh doanh trích lợi nhuận để ủng hộ; nhân dân tự nguyện ủng hộ bằng khả năng của mỗi hộ gia đình… Riêng ngành GD-ĐT, tuyên truyền vận động giáo viên, học sinh – sinh viên ủng hộ thông qua UBMTTQ Việt Nam các quận, huyện.
Cùng ngày, UBMTTQ TP.Hà Nội cho biết, thành phố vừa quyết định trích từ Quỹ cứu trợ với số tiền 7 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhân dân 6 tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 2 tỷ đồng; các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thanh Hóa và Thừa Thiên – Huế mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.
K.Anh-B.T
 
Chung tay giúp các em học sinh tiếp tục đến trường
Kính gửi: – Các doanh nghiệp, các mạnh thường quân
            – Hiệu trưởng các trường, các phòng giáo dục quận huyện
Ngày 1-10-2013, siêu bão số 10 – cơn bão lớn nhất trong vòng 6 năm nay – đã quét qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh…, khúc ruột miền Trung tơi tả, hoang tàn mà trong đó tỉnh Quảng Bình là thiệt hại nặng nề nhất, có 5 người chết, 140 người bị thương, 2 người mất tích, 345 ngôi nhà bị sập, 156.000 căn nhà bị tốc mái, mất trắng gần 2.500ha hoa màu thiệt hại gần 4.600 tỉ đồng. Mất mát này là quá lớn.
Đứng trước hoàn cảnh đau thương này, Báo Giáo Dục TP.HCM kêu gọi các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, hiệu trưởng các trường và các phòng giáo dục quận, huyện TP.HCM với tấm lòng nhân ái, hãy chung tay giúp đỡ bà con ở vùng tâm bão có hoàn cảnh vô vàn khó khăn, đặc biệt là tạo cơ hội cho các em học sinh tiếp tục đến trường. Hiệu trưởng các trường, phòng giáo dục các quận, huyện vận động các em học sinh ủng hộ mỗi em một cuốn tập cho các bạn học sinh vùng bão lũ (hoặc tiền: 3.000 đồng/cuốn tập).
Với tấm lòng tương thân tương trợ, Báo Giáo Dục TP.HCM kính mong các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các trường và các em học sinh tích cực hưởng ứng đợt vận động này. Báo Giáo Dục TP.HCM sẽ chuyển giao toàn bộ quà tặng đến tận nơi cần giúp đỡ.
Mọi thông tin xin liên hệ: Ông Lương Đình Mai – Trưởng ban Công tác xã hội Báo Giáo Dục TP.HCM, số 300 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM. ĐT: (08) 3932 5323 – 0989697133.
Trân trọng cảm ơn.
Ban CTXH
 
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)