Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dán tem chống sách lậu: Tại sao ít người ủng hộ?

Tạp Chí Giáo Dục

Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) đang lấy ý kiến về đề xuất xây dựng dự thảo thông tư dán tem phòng chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm.

Dán tem chống sách lậu: Tại sao ít người ủng hộ?
NXB Giáo Dục đã có tem chống giả riêng và lo ngại việc dán tem chung sẽ làm tăng chi phí sách giáo khoa – Ảnh: Quang Định

Để giải quyết các vấn đề sách lậu thì cần các giải pháp khác như phạt thật nặng và xử lý hình sự những đối tượng làm sách giả, sách lậu

Ông TRỊNH MINH TUẤN (giám đốc Công ty sách Quảng Văn)

Nếu thông tư được ban hành thì các nhà xuất bản phải thống nhất sử dụng tem chung cho các xuất bản phẩm, trừ ấn phẩm điện tử.

Trên tem phải có bốn thông tin: mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN); số xác nhận đăng ký xuất bản của Cục Xuất bản, in và phát hành; số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản; số thứ tự theo số lượng bản xuất bản phẩm được in. Kinh phí sản xuất tem sẽ theo phương thức xã hội hóa.

“Giải pháp tình thế”

Ông Chu Văn Hòa – cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành – cho biết việc thống nhất dán mẫu tem chung cho tất cả sách của các nhà xuất bản là “giải pháp tình thế” chứ không hoàn toàn là giải pháp lâu dài. Hiện trên các sách phát hành chỉ ghi quyết định xuất bản, số đăng ký, số lượng in, giấy phép xuất bản…

“Những thông tin đó ai cũng có thể in được. Vì vậy không có cơ sở phân biệt sách hợp pháp và không hợp pháp. Tem chung được liên kết với trung tâm dữ liệu của cục để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của các địa phương và thuận tiện cho người đọc có thể dùng điện thoại thông minh (smartphone) tra cứu thông tin, nguồn gốc cuốn sách. Mỗi cuốn sách có một tem được mã hóa như giấy khai sinh. Muốn làm giả một cuốn sách thì phải làm giả tem. Mà tem đã mã hóa rất khó làm giả” – ông Hòa cho biết.

Về giá thành để dán tem, ông Hòa nói nếu làm với số lượng nhiều, giá thành không cao, không ảnh hưởng đến giá sách.

“Nếu thông tư này được ban hành, các NXB sẽ cùng làm một mẫu tem chung chứ cục không đứng ra để làm và in tem bán” – ông Hòa giải đáp băn khoăn về đơn vị đứng ra làm tem chung.

Tăng chi phí

Ông Nguyễn Văn Tùng – phó tổng biên tập NXB Giáo Dục Việt Nam – cho rằng khi các NXB cùng sử dụng cùng một loại tem mà công tác quản lý không đồng bộ sẽ dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát số lượng.

Ông cũng cho biết NXB Giáo Dục Việt Nam đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tem chống giả nên chủ động trong việc sản xuất đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng nhu cầu về tem trong giai đoạn cao điểm (3 tháng) phục vụ khai giảng năm học mới.

Trong giai đoạn này, trung bình NXB cần dán tem cho 150-200 triệu bản sách. Nếu phải phụ thuộc vào đối tác cung ứng tem từ bên ngoài, có thể xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa trước ngày khai giảng. “Đây thực sự là điều chúng tôi rất lo ngại” – ông Tùng băn khoăn.

Điều ông Tùng lo lắng nữa là việc dán tem chung chắc chắn chi phí sẽ cao hơn khi sử dụng tem của NXB và sẽ làm tăng chi phí sách giáo khoa.

Đồng quan điểm đó, ông Trịnh Minh Tuấn – giám đốc Công ty sách Quảng Văn – cho rằng ở khía cạnh thực tế, thông tư này không giải quyết được các vấn đề như sách lậu, thất thu thuế nhà nước và thu thập dữ liệu mà chỉ tăng thêm chi phí, thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp làm sách. “Trên thế giới chẳng ai làm như vậy cả” – ông Tuấn chỉ rõ.

Trong văn bản trả lời Bộ TT-TT về việc xây dựng thông tư trên, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã chỉ ra nhiều điểm bất cập của ý tưởng dán tem chung cho xuất bản phẩm. VCCI cho rằng ngoài hiệu quả “phân biệt thật giả”, giải pháp này không tạo ra bất kỳ hiệu quả nào khác và sẽ gây ra nhiều tác động bất lợi như: làm gia tăng chi phí xuất bản, lãng phí nguồn lực hiện tại, nguy cơ phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn trong hoạt động của các đơn vị làm sách…

Lãnh đạo một công ty sách tại Hà Nội:

Coi chừng giấy phép con

Dùng tem để chống in lậu là không khả thi, vì đã in lậu được sách thì cũng có thể in lậu cả tem. Và lâu nay, nhiều đơn vị làm sách đã tự tìm kiếm các biện pháp chống in lậu hữu hiệu: như sử dụng kỹ thuật màu, tăng cường thông tin nhận diện cho bạn đọc, thiết kế khổ giấy, đầu tư chất lượng sách thật khác biệt…

Thế nên, việc lấy lý do chống in lậu để quy định cả ngành xuất bản phải dán tem trên sách, không khéo như một loại giấy phép con: phải xin, phải đăng ký, mua, mất thời gian vừa tăng chi phí.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy 
(giám đốc NXB Tổng Hợp TP.HCM):

Thêm thủ tục

Ngoài chi phí kết trong giá thành cuốn sách chắc chắn sẽ đội lên, mục đích giảm giá, khuyến đọc chắc chắn bị ảnh hưởng; về mặt thủ tục hành chính, việc đăng ký để nhận về một mẫu tem chắc chắn làm chậm lại khâu nộp lưu chiểu và phát hành. L.Điền ghi

* Luật sư Phan Vũ Tuấn (Công ty luật Phan Law, phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM):

Có thể gây rắc rối

Trước hết, chúng ta cần xem xét việc dán tem có ảnh hưởng gì đến người đọc không? Người tiêu dùng có khả năng nhận ra đâu là tem thật, đâu là tem giả không? Theo tôi, độc giả khó có khả năng nhận ra những nội dung trên tem, họ nhìn con tem và nhiều phần là không hiểu gì hết.

Và chỉ có những cơ quan thực thi việc quản lý nhà nước như thanh tra, công an mới có khả năng phân biệt được tem thật và tem giả. Và nếu đã là cơ quan thực thi thì họ không cần đến con tem để phân biệt sách thật, sách giả vì còn rất nhiều cách khác hữu dụng hơn mà họ vẫn làm lâu nay. Như vậy, con tem không đáp ứng được kỳ vọng thứ nhất: giúp nhận diện hàng giả.

Tiếp theo, việc dán tem này có chống lại được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (tức làm sách lậu, sách giả, sao chép trái phép) không? Ví dụ như hành vi sao chép trái phép, một khi người ta sao chép được sách thì việc sao chép con tem là chuyện bình thường. Và con tem như đề cập trong dự thảo thông tư này là không có tính công nghệ để chống sao chép. Như vậy, con tem cũng không đáp ứng được kỳ vọng thứ hai: chống sao chép.

Trong khi đó, việc dán tem trên sách còn gây khó khăn cho việc xử lý xâm phạm bản quyền sau này. Với trường hợp sách liên kết xuất bản, con tem còn phản lại ý nghĩa của hợp đồng liên kết, vì theo hợp đồng thì sách của công ty B, còn theo tem thì sách của NXB A.

Qua phân tích trên cho thấy việc dán tem vừa không bảo đảm việc chống in lậu in giả sao chép và in nối bản, lại còn có khả năng gây rắc rối trong tố tụng về sở hữu trí tuệ.

LAM ĐIỀN ghi

V.V.TUÂN/TTO

 

Bình luận (0)