Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dân thành phố lo “đắp đê, tát nước”

Tạp Chí Giáo Dục

Đợt triều cường vừa qua chưa phải là đỉnh và mùa ngập năm nay vẫn còn 6 đợt, kéo dài đến đầu năm sau. Trong đó có ít nhất 3 đợt thủy triều cao mà người dân TP.HCM phải đối mặt.

Nhiều năm qua, cứ vào dịp cuối năm, TP.HCM lại bị ngập do triều cường. Dù người dân ở nhiều vùng trũng thấp đã tập làm quen cũng như học cách “sống chung với triều cường” nhưng mỗi lần nước dâng lại một lần khổ sở. Nhiều người than thở vào đợt triều cường, họ suốt ngày lo “đắp đê, tát nước”.

Cuộc sống đảo lộn

Nhiều khu vực trũng thấp dọc sông Sài Gòn thuộc TP.Thủ Đức, Q.7, Q.Bình Thạnh, H.Nhà Bè… trong suốt tuần qua thường xuyên “chìm trong biển nước”. Đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch bắt đầu từ ngày 29.9 (âm lịch) tức ngày 24.10 dương lịch, đỉnh rơi vào ngày 27.10, tại trạm Nhà Bè trên kênh Đông Điền đạt mức 1,67 m, cao hơn báo động (BĐ) 3 là 7 cm và tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,64 m, cao hơn BĐ 3 là 4 cm. Trong ngày triều cường cao lại gặp mưa lớn kết hợp là nhiều vùng ven sông Sài Gòn chìm trong mênh mông biển nước. Một trong những tuyến đường ngập nặng nhất phải kể đến như đường Trần Xuân Soạn ở Q.7; nước ngập quá nửa bánh xe, có đoạn ngập cả bánh xe. Tình trạng xe chết máy phải dẫn bộ rất nhiều.

Dân thành phố lo đắp đê, tát nước - ảnh 1

Nhiều hàng quán buôn bán ế ẩm vì ngập nặng do triều cường. DƯƠNG LAN

Anh Nguyễn Văn Tài, ngụ Q.7, than thở: “Mấy hôm nay nước ngập, đi lại vất vả rồi nhưng cứ như thói quen ra khỏi công ty thì lại “đâm đầu” vào đây. Không ngờ hôm nay nước cao quá, lại gặp xe ô tô chạy ngược chiều tạo sóng làm chao đảo tay lái, xe tôi nghiêng sang một bên rồi tắt máy. Đành dắt bộ qua đoạn ngập sâu rồi tìm cách cứu để đi tiếp vì nhà còn khá xa”.

“Mùa này cứ sáng ra đường đi làm cũng ngập, chiều về cũng ngập. Nhiều lần tìm đường khác đi thì lại phải vòng rất xa. Vì nhiều người cùng tránh ngập nên các tuyến đường khác lại kẹt xe nghiêm trọng. Sống chung với ngập riết cũng thành quen, nhưng có điều tình trạng ngập ngày càng trầm trọng, cứ năm sau lại ngập nặng hơn năm trước. Thật sự rất vất vả để sống chung với ngập”, anh nói thêm.

Tại nhiều tỉnh thành ở miền Tây, triều cường cũng gây ngập nặng. Để đảm bảo an toàn, địa phương đã cho phép các trường điều chỉnh chương trình dạy và học để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, tại TP.HCM, nhiều học sinh vùng ngập vẫn phải đến trường nên việc đưa đón con là nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh.

Anh Lê Văn Thanh, ở khu vực bán đảo Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh), kể: “Mấy ngày nước ngập ít còn ráng chạy xe được. Những ngày gần cuối tuần nước ngập sâu quá, để an toàn tôi phải cõng con đến trường. Nhà trường không có dạy online như ở các tỉnh miền Tây, cũng không dám cho con nghỉ học vì sợ mất bài. Nhiều ngày ngập nặng, đưa con đi học xong thì mình lại trễ giờ làm. Ngập triều cường đã làm đảo lộn cuộc sống không chỉ của gia đình tôi mà rất nhiều người dân TP”.

Nước không chỉ bật nắp ống cống gây ngập đường mà còn tràn vào nhà dân, quán xá, thậm chí là một số trường học. Chị Hà Thị Hiền, ở P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) cho biết: “Tình trạng ngập do mưa lớn hay triều cường ở đây đã kéo dài nhiều năm nay. Đồ đạc gì cũng phải làm kệ cao 2 – 3 tấc kê lên để chống ngập, nhất là đồ điện tử. Riêng đợt này, từ chiều tối ngày 24.10 đã bắt đầu ngập, tính ra cũng cả tuần. Mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Cứ ăn rồi lo “đắp đê, tát nước” chống ngập nhưng cũng không ăn thua. Sau mùa ngập năm nay, có thể phải để dành tiền nâng nền nhà vì ngập đã quá nặng rồi. Thật sự thì cũng chán lắm rồi, nâng đường thì ngập nhà mà nâng nhà thì lại ngập đường vào nhà”.

Việc mưu sinh của những người buôn bán còn vất vả hơn bội phần. Một trong những điểm buôn bán bị ngập nặng phải kể đến như khu vực chợ Phú Thuận (Q.7). Nhiều tiểu thương nơi đây cho biết số lượng hàng bán ra và doanh thu giảm đến 60 – 70% vì ngập không ai đi chợ. “Ác cái là ngập toàn vào giờ họp chợ”, một tiểu thương chán nản. Bà Trần Thị Gái, bán cơm trên đường Trần Xuân Soạn, cho biết: “Mùa này tháng nào cũng ngập 2 lần, mỗi lần ngập nặng khoảng 3 – 4 ngày. Mấy ngày đó coi như lỗ vốn vì ai cũng lo về nhà cho lẹ chứ còn tâm trí đâu mà ăn uống gì. Chỉ còn một số ít khách mua mang về. Nhưng mình cũng phải mở quán bán để giữ những khách quen đó, chứ nước ngập buôn bán ế ẩm lắm”.

Dân thành phố lo đắp đê, tát nước - ảnh 2

Cuộc sống người dân TP.HCM đảo lộn do triều cường. CAO AN BIÊN

Vẫn còn 6 đợt triều cường

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, mùa triều cường năm nay kéo dài đến hết tháng 1.2023. Mỗi tháng 2 đợt, tương đương còn tất cả 6 đợt triều cường.

Trong 6 đợt triều cường này thì riêng 3 đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 11 và 12.2022 và tháng 1.2023, độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức cao trên 4 m (ngập nặng hơn 3 đợt giữa tháng – PV). Trường hợp triều cường trùng với thời kỳ gió mùa đông bắc có cường độ mạnh sẽ làm gia tăng ngập lụt tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển và cửa sông khu vực ven biển Nam bộ.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, phân tích: Đỉnh triều lịch sử ở trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,71 m, cao hơn đỉnh triều đợt vừa rồi mới có 1,67 m. “Theo kinh nghiệm của tôi thì đỉnh triều của năm thường rơi vào tháng 11 dương lịch, chiếm tỷ lệ khoảng 50%, thỉnh thoảng cũng có xuất hiện vào tháng 12. Với xác suất lớn là tháng 11 thì có thể đợt triều cường sắp tới mới là đỉnh triều của năm. Trong tháng 11, mùa mưa vẫn còn và triều cường thường đi kèm với mưa nên khả năng ngập trên diện rộng càng lớn. Sang tháng 12 là giai đoạn cuối mùa mưa nên xác suất triều cường trùng với mưa lớn ít hơn nên khả năng ngập trên diện rộng giảm đáng kể. Đến tháng 1.2023 thông thường mưa rất ít và mực nước triều cường cũng giảm”, bà Lan thông tin.

Cũng theo chuyên gia này, tại TP.HCM, triều cường đạt mức BĐ 2 đã gây ngập cục bộ nhiều nơi trũng thấp với mức ngập 10 – 30 cm. Khi mực nước vượt BĐ 3 sẽ xảy ra ngập diện rộng và nhiều nơi ngập sâu. Triều cường liên quan nhiều đến âm lịch, từ ngày 14 nước bắt đầu lên và đạt đỉnh vào ngày 17; đợt sau nước lên từ ngày cuối tháng 29 hoặc 30 và đạt đỉnh vào ngày mùng 2 – 3 của tháng liền kề.

Nhiều chuyên gia môi trường và quy hoạch đô thị nhận định: Vấn đề ngập và chống ngập ở TP.HCM là sự tích hợp của nhiều nguyên nhân. Trong đó có tình trạng sụt lún mặt đất và nước biển dâng. Việc triều cường gây ngập nặng nhiều năm gần đây rõ ràng là có yếu tố của tình trạng sụt lún mặt đất trên diện rộng. Chính vì vậy, nếu chỉ áp dụng các biện pháp cục bộ sẽ không mang lại hiệu quả mà chỉ chuyển ngập từ nơi này sang nơi khác. Việc chống ngập cho khu vực ven sông cần được xem xét trong tổng thể chống ngập của thành phố.

6 đợt triều cường sắp tới:

Đợt 1 từ ngày 6 – 12.11

Đợt 2 từ ngày 23 – 29.11

Đợt 3 từ ngày 7 – 11.12

Đợt 4 từ ngày 21 – 29.12

Đợt 5 từ ngày 6 – 10.1.2023

Đợt 6 từ ngày 21 – 26.1.2023

TP.HCM sụt lún nghiêm trọng

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) gần đây có báo cáo kết quả khảo sát liên quan đến tình trạng sụt lún và các giải pháp ứng phó sụt lún tại TP.HCM. Theo kết quả đo đạc, trung bình mỗi năm TP.HCM sụt lún 2 cm. Lũy kế từ 1990 đến nay, TP đã bị sụt lún khoảng 1 m. Trong đó, các địa phương có mức độ sụt lún đáng kể là TP.Thủ Đức và các quận 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân. Sụt lún mặt đất là một trong những nguyên nhân gây ngập ngày càng nghiêm trọng cho nhiều vùng ở TP.HCM.

Theo Chí Nhân/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)