Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Dân Trung Quốc ngày càng chán ghét công nghệ AI, nhận dạng khuôn mặt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nỗ lực đẩy mạnh phát triển, sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc dần vấp phải sự phản đối khá lớn.
Màn hình mô tả công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại khuôn viên Bantian của Huawei ở Thâm Quyến /// Ảnh: Getty Images
Màn hình mô tả công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại khuôn viên Bantian của Huawei ở Thâm Quyến. Ảnh: Getty Images
Theo CNBC, hồi tuần trước, ứng dụng hoán đổi khuôn mặt Zao làm mưa làm gió, song không bao lâu sau thì gây phản ứng dữ dội từ truyền thông nhà nước lẫn tư nhân về việc thiếu bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu. Zao gây tranh cãi vì cho phép người dùng đăng ảnh chính mình và đặt khuôn mặt mình lên clip của những người nổi tiếng hay bất cứ ai khác. Khả năng của ứng dụng này làm dấy lên mối lo ngại cho rằng nhiều người có thể thao túng video để truyền bá thông tin sai lệch.
Quyền riêng tư và sự thuận tiện
Tờ The Beijing News viết: "Tương lai đang đến, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là phép thử cho sự phát triển công nghệ mà còn là phép thử cho việc quản trị. Bây giờ rất khó để xác định xem việc thu thập dữ liệu của nhà quản lý phần mềm có hại hay không, song lo ngại của cư dân mạng là dễ hiểu".
Bình luận trên thể hiện sự thay đổi rõ rệt. Trước đây, báo giới Trung Quốc nhiều lần bình luận thẳng thắn rằng người Trung Quốc không quan tâm nhiều đến chuyện phải từ bỏ quyền riêng tư dữ liệu để đổi lấy sự thuận tiện trong cuộc sống.
Ziyang Fan, người đứng đầu thương mại kỹ thuật số tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhận định: "Phản ứng dữ dội xung quanh Zao cho thấy quyền riêng tư dữ liệu đang dần có chỗ đứng ở Trung Quốc. Ngày càng nhiều người dùng ít sẵn sàng đánh đổi quyền riêng tư để lấy sự thuận tiện và giải trí. Chúng ta có thể thấy nhận thức về quyền riêng tư dữ liệu lên cao hơn từ cả người dùng lẫn doanh nghiệp ở Trung Quốc trong tương lai".
Ứng dụng Zao nhanh chóng chứng minh sức mạnh của công nghệ "deepfake" và sức ảnh hưởng của nó trên mạng xã hội. Deepfake là khả năng thao túng video hay các phần trình bày kỹ thuật số với sự hỗ trợ từ máy tính và phần mềm học máy. Video giả nhờ thế trông như thật. Trong trường hợp của Zao, hãng này phải sửa đổi chính sách bảo mật trong vài ngày sau khi bị người dùng phản ứng.
Mối nguy của xác thực sinh trắc học
Dân Trung Quốc ngày càng chán ghét công nghệ AI, nhận dạng khuôn mặt - ảnh 1
Ứng dụng Zao. Ảnh: iOS App Store
Giới chức Trung Quốc có thể đã phát tín hiệu cho rằng nước này cần lập trường cứng rắn hơn với công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Trong vụ việc của Zao, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc lên tiếng cho rằng nước này cần "tăng cường đánh giá bảo mật công nghệ và doanh nghiệp mới" để "chống gian lận mạng và nhiều mối nguy tiềm ẩn khác".
Ứng dụng Zao trong khi đó cho biết nhìn từ quan điểm chuyên nghiệp, công nghệ hoán đổi khuôn mặt không thể tạo ra mối đe dọa cho công nghệ thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt. Nếu Zao thổi bùng lo ngại bảo mật quanh công nghệ nhận dạng khuôn mặt, chính phủ Trung Quốc có thể thắt chặt hơn nữa mảng này.
Trước đây, Bắc Kinh trì hoãn việc thực thi nhiều quy định, giúp một số hãng công nghệ lớn phát triển mạnh mẽ. Giới chức nước này có xu hướng phản ứng hơn là chủ động trong quy định về công nghệ mới. Đơn cử, quy định lỏng lẻo khiến hàng ngàn startup cho vay ngang hàng mọc lên, lấy tiền của khách hàng rồi đánh mất một phần đáng kể. Bắc Kinh sau đó phải cấm các nền tảng cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng mới.
Cảnh báo từ giới chức PBOC
Mùa hè này, một giám đốc cấp cao thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng về rủi ro mới xuất phát từ AI và nhận dạng khuôn mặt.
LiWei, giám đốc bộ phận khoa học và công nghệ PBOC, cho biết: "Thẻ ngân hàng vẫn có thể còn trong túi, nhưng khuôn mặt thì đã bị phơi bày và việc nhận dạng rất dễ dàng. Công nghệ hiện nay có khả năng nhận dạng khuôn mặt bạn từ khoảng cách 3km". Ông Li cũng cảnh báo các doanh nghiệp không khai thác quá mức năng lực công nghệ của mình.
Việc lạm dụng dữ liệu nhận dạng khuôn mặt để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin ngày càng trở thành yếu tố không thể tránh để xác minh danh tính hoặc thanh toán. "Nếu mật khẩu của bạn bị xâm phạm, bạn có thể đổi mật khẩu. Song nếu chuyện này xảy ra với khuôn mặt hay dấu vân tay của bạn, tác động kéo dài lâu hơn nhiều. Bạn không thể đổi dấu vân tay hay khuôn mặt mình như mật khẩu", Martin Chorzempa, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế cho hay.
Một trong các hệ thống thanh toán trực tuyến phổ biến nhất của Trung Quốc mới đây lên tiếng giải quyết mối lo ngại của cộng đồng. Alipay, hệ thống thanh toán do Ant Financial quản lý, cho hay thanh toán dựa trên nhận dạng khuôn mặt đòi hỏi một khuôn mặt ba chiều. Phần mềm và phần cứng phát hiện được khuôn mặt là hình ảnh, video hay mô phỏng phần mềm. Dù vậy, Alipay cho hay các biện pháp bảo mật bổ sung như xác minh bằng điện thoại di động đôi khi vẫn cần thiết.
Theo Thu Thảo/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)