Ngày 13-11, Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM phối hợp UBND TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Công tác dân vận tham gia giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn TP.HCM”.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tại hội nghị, ông Võ Trung Trực – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP có 538 dự án được ghi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện. Cụ thể, năm 2022 có 87 dự án, năm 2023 có 174 dự án và năm 2024 có 177 dự án được triển khai thực hiện; trong số này có các dự án trọng điểm quốc gia.
Theo ông Trực, Thành ủy TP.HCM đã ban hành các chỉ thị, chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn. Qua đó, các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo chức năng nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời, nghiêm túc thực hiện dự án khoa học, bài bản theo đúng quy định pháp luật.
Cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể cùng vào cuộc, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực dự án hiểu, đồng thuận công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội được triển khai đồng bộ, đa dạng. Có thể nói, công tác dân vận là yếu tố then chốt, truyền tải ý nghĩa, lợi ích của dự án đem lại, giúp người dân hiểu, đồng thuận việc thực hiện dự án và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án.
Theo ông Trực, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế như công tác lập hồ sơ và ban hành quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn chậm; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa quyết liệt… Ông Trực cho hay trong thời gian tới, trên địa bàn TP.HCM sẽ thực hiện nhiều công trình, dự án quan trọng, trọng điểm để phát triển kinh tế – xã hội, chỉnh trang đô thị.
Cụ thể, dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi, quận 8; nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM; đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài…
Chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng, đời sống… của nhân dân
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thời gian qua, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Cường, trong thời gian tới TP.HCM dự kiến triển khai nhiều dự án. Do đó ông Cường yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục phát huy đồng bộ tất cả các giải pháp trên cơ sở pháp luật. Đồng thời, cần có cách thức làm đổi mới hơn, sáng tạo hơn, quyết liệt hơn nữa trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đặc biệt, trong việc phát huy công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, trong bối cảnh TP sắp tới sẽ triển khai nhiều công trình, dự án quan trọng; đòi hỏi cả hệ thống chính trị của TP.HCM tập trung, nỗ lực, giải quyết tốt bài toán giải phóng mặt bằng. Ông Hải đề nghị, hệ thống chính trị TP thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó, tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của các công trình, dự án; mức đầu tư, tiến độ thực hiện; việc di dời, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần gần dân, lắng nghe dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống, sinh hoạt, việc làm, thu nhập của nhân dân. Nhất là những dự án tái định cư để đề xuất cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết những vấn đề tồn tại, phát sinh, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.
Ngoài ra, các cấp ủy cần quan tâm xây dựng lực lượng làm công tác dân vận cấp cơ sở phải có chuyên môn trong công tác vận động nhân dân; giữ mối liên hệ thường xuyên với nhân dân… Đối với UBND TP.HCM, cần tăng cường quản lý, chỉ đạo các sở ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự án một cách khoa học, bài bản, chặt chẽ; theo dõi, giám sát, đôn đốc đảm bảo tiến độ; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm tra liên ngành.
Văn Trần
Bình luận (0)