Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM: Nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nguyễn Thị Thanh Kiều – Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM gắn Huy hiệu Vì sự nghiệp tuyên giáo cho Giám đốc Sở GD-ĐT TP Tiến sĩ Huỳnh Công Minh

Tháng 8-1990, Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM được thành lập. Từ nhiệm kỳ I đến nay (nhiệm kỳ V – giai đoạn 2010-2015), Đảng bộ Sở GD-ĐT đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Đảng cũng như toàn ngành giáo dục thành phố.
Từ năm 1990-1995, Đảng bộ quản lý 56 cơ sở Đảng gồm các trường THPT, trường cao đẳng (CĐ), chuyên nghiệp (CN), Đảng bộ cơ quan Sở GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc sở. Nhiệm kỳ II (1995-2000), tổng số cơ sở Đảng tăng lên 68 cơ sở gồm các trường THPT, trường CĐ, CN, Đảng bộ cơ quan Sở GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc sở. Ban chấp hành Đảng bộ tăng từ 15 đồng chí (nhiệm kỳ I) lên 21 đồng chí, trong đó Ban thường vụ Đảng ủy có 7 đồng chí. Nhiệm kỳ II là nhiệm kỳ có rất nhiều sự chỉ đạo tập trung về GD-ĐT qua các nghị quyết, chỉ thị từ Trung ương đến địa phương. Ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới sự nghiệp giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần 2 của Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII) và Chương trình hành động 05-CTr/TU. Đặc biệt, năm 1999 đã được Thành ủy và UBND TP chọn làm Năm giáo dục.
Nhiệm kỳ III (2000-2005) được xác định là giai đoạn mở đầu cho thiên niên kỷ mới, giai đoạn “tập trung phát triển GD-ĐT mạnh hơn, nhanh hơn, có chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây cũng là giai đoạn toàn ngành tiếp tục phát huy kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 – khóa VIII, thực hiện nhiệm vụ đổi mới sự nghiệp GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, các kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa IX và chiến lược phát triển GD đến năm 2010, chương trình hành động của ngành GD do Bộ GD-ĐT ban hành và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ VII.

Trong chương trình quy hoạch trường lớp, Trường Tiểu học Thái Mỹ (Củ Chi) được đầu tư trên 34 tỷ đồng để xây dựng trường mới. Ảnh: Q.Huy

Nhiệm kỳ IV (2005-2010) với nhiệm vụ nổi bật là tập trung phổ cập bậc trung học, hoàn thành qui hoạch mạng lưới trường lớp và hoàn thành di dời hộ dân trong trường học. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này là việc lãnh đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. “Cuộc vận động đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong cơ quan có lòng yêu nước, hết lòng vì công việc, vì nhân dân. Cụ thể, từng cá nhân đã biết khắc phục tốt mọi khó khăn, đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng văn minh công sở, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, tiết kiệm…”, ông Nguyễn Huỳnh Long – Phó bí thư Đảng bộ Sở GD-ĐT TP đã nhận xét như vậy tại Hội nghị tổng kết 4 năm (từ năm 2007 đến năm 2010) cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng bộ Sở GD-ĐT tổ chức vừa qua.
Nhiệm kỳ V (2010-2015), Đảng bộ Sở GD-ĐT TP gồm 20 cơ sở trực thuộc, trong đó Ban chấp hành gồm 17 đồng chí, Bí thư là ông Nguyễn Tiến Đạt (Phó giám đốc Sở GD-ĐT). Nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ này là tiếp tục tích cực thực hiện Thông báo 242-TB/TW của Bộ Chính trị: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập”, tiếp tục phát huy và không ngừng nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, đạo đức trong toàn ngành, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên.
Cuối tháng 9-2010, Đảng ủy Sở GD-ĐT TP đã có văn bản chỉ đạo cấp ủy các đảng bộ, chi bộ trực thuộc kiểm điểm, đánh giá việc lãnh đạo công tác dân vận và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác dân vận như tổng kết thực hiện Chương trình hành động số 18 của Ban thường ủy Thành ủy, đẩy mạnh Chỉ thị 08 của Thành ủy, tiếp tục tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường công khai minh bạch các chính sách, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết bức xúc của người lao động…
Bài, ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)