Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Đẳng cấp á? Cho tớ xin đi…”

Tạp Chí Giáo Dục

Khoe xe đẹp, khoe tay lái lụa... đừng tưởng đó là đẳng cấp - đó chỉ thể hiện bạn là người thiếu ý thức thì đúng hơn. (Ảnh minh họa)Có vô vàn cách khiến teen tự cho mình là “đẳng cấp” khi làm những việc phi thường, nổi trội, không ai dám làm. Nhưng tiếc thay, đó lại là những việc làm tiêu cực.

“Đẳng cấp” trong lớp học   

Q.Hùng (lớp 10 CVA) là nhân vật nổi trội trong lớp, không phải vì thành tích học tập quá xuất sắc, hăng hái trong phong trào đoàn trường mà đơn giản chỉ là việc Hùng luôn là người đầu têu cho những trò chơi quậy phá giáo viên của lớp, luôn nói leo trong lúc giáo viên đang giảng bài. Chẳng hạn trong một lần cô chủ nhiệm kể về chuyến đi ra nước ngoài của cô trong dịp tết, Hùng thản nhiên ngồi dưới lớp la một tiếng “Bùm”, ý ám chỉ rằng cô giáo chỉ đang “nổ” cho vui. Thế là cả lớp lại được một tràng cười no nê cho hành động “gan dạ” của Hùng.  

Hùng rất thích thể hiện “đẳng cấp”, khi bị thầy cô kêu trả bài đầu giờ mà không thuộc, Hùng chẳng những không lo sợ mà luôn “hớt mặt” lên tận trần nhà, để cả lớp thấy rằng Hùng không ngán bất kỳ giáo viên nào cả! Ngồi trong lớp, Hùng vẫn để chuông điện thoại ở mức lớn nhất, khi có ai gọi đến, Hùng “Alô” thật to để thu hút sự chú ý của cả lớp!  

“Đẳng cấp” trong trường học  

Nhóm nữ đầu gấu của trường THPT HHT luôn tự mệnh danh mình có đẳng cấp hơn người, khiến ai cũng phải nể phục. Nhóm bạn này sẵn sàng “bụp” bất kỳ ai mà một người trong nhóm thấy chướng tai gai mắt, hoặc một anh chàng nào đó dám “xù” một thành viên trong nhóm, lập tức bị trả đũa khi nhóm nữ này gọi một băng nhóm đàn anh lên “nói chuyện” ngay trước cổng trường.  

L.Linh, một thành viên trong nhóm, còn tự hào khoe rằng “Đi đến đâu cũng thấy mấy đứa trong trường nhìn mình nể sợ, oai phết còn gì”.  

“Đẳng cấp” ngoài trường học   

Nếu để ý kỹ, dễ nhận ra các hàng quán trước cổng trường, lúc nào cũng đông đúc học sinh ngồi bê bết và thể hiện “đẳng cấp” bằng cách hút thuốc, nói về những đề tài “người lớn”. Ai càng có một vốn kiến thức về những hộp đêm, quán cà phê đèn mờ, nhà nghỉ, những hot girl đã bị mình đá, thì sẽ được xem là có “đẳng cấp” hơn những teen “mọt sách” chẳng biết gì về cuộc sống về đêm đó.  

N.Thanh (17 tuổi) sở hữu một chiếc PS cực oách, cùng với chú dế I-phone đời mới, lúc nào cũng ngậm điếu thuốc trong miệng, lượn lờ trước cổng trường để thu hút sự chú ý, rồi lại vọt ga thật mạnh như một tay đua xe dưới cái nhìn “thán phục” của toàn thể dân chúng trước trường.  

Người ngoài cuộc thấy gì?            

“Đẳng cấp á? Cho tớ xin đi, thiếu ý thức thì đúng hơn!” – P.Anh vừa nhếch mép cười vừa nói về Hùng – “Cậu ấy luôn nghĩ mình là hạt nhân của lớp, mình dám làm những việc mà người khác không dám làm. Nhưng sự thật là những người có ý thức và tự trọng không bao giờ làm những việc con nít như Hùng cả!”  

Vậy đấy, những suy nghĩ lệch lạc trong việc thể hiện đẳng cấp khiến không ít teen tự ngộ nhận mình là người nổi trội và được bạn bè thán phục. Họ đâu biết rằng họ đang phải hứng lấy những cái nhìn không mấy thiện cảm của bạn bè. Người có đẳng cấp không thể hiện sự nổi trội ra bên ngoài để mọi người thấy, người có đẳng cấp thật sự luôn khiêm tốn và làm những công việc âm thầm nhưng ai cũng cảm nhận được đẳng cấp sống của họ. Bạn đã nghe câu chuyện về đẳng cấp của những cậu bé khiếm thị vẫn đến trường học trong khó khăn, hay chuyện về hai người bạn cõng nhau trên lưng đến lớp trong suốt nhiều năm chưa?  

Theo Thẩm Quỳnh Trân – Mực Tím

 

 

Bình luận (0)