Nữ đồng nghiệp tên T. tâm sự với tôi rằng: Một vài giáo viên trong trường bảo cô sao không mua xe tay ga, xe đời mới cho “đẳng cấp” mà cứ trung thành với chiếc xe cúp cổ lỗ mấy chục năm hoài vậy?
Hiện tại, đa phần giáo viên sống bằng đồng lương “ba cọc ba đồng” nên cuộc sống luôn giản dị. Cô T. vẫn đến lớp bằng chiếc xe cúp cũ, máy vẫn còn chạy tốt. Cô không hề mặc cảm gì cả vì cô quan niệm: chiếc xe chỉ là phương tiện, không tham gia vào việc đánh giá phẩm cách con người.
Cô T. không có điều kiện đầu tư vào xe, vào trang phục để thể hiện “đẳng cấp” mà chỉ lưu tâm đầu tư vào bài giảng sao cho hấp dẫn, lôi cuốn học sinh. Dạy môn lịch sử vào thời buổi này quá khó! Do đó cô phải kiên nhẫn, phải tìm ra cách truyền đạt thì học sinh mới chịu ngồi nghe giảng. Cô còn tham gia cuộc thi chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh và đạt giải trong niềm vui của bản thân, trong sự khâm phục của đồng nghiệp và học sinh.
Nếu như người đứng trên bục giảng mà có quan niệm về “đẳng cấp” như vậy thì sẽ tác động đến học sinh ra sao? Nếu quan sát kỹ sẽ thấy rõ: nhóm học sinh nhà giàu, khá giả thường chơi thân với nhau; các em không “dung nạp” bạn nào con nhà nông dân, công nhân, giáo viên. Nhóm học sinh này phải “đồng phục” từ ba lô hàng hiệu, điện thoại xịn, xe máy đắt tiền… “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy” nên học sinh cũng quan niệm “đẳng cấp” như vậy; chỉ đua nhau về trang phục, về xe cộ, điện thoại chứ không đua nhau về học tập, rèn luyện. Nguyên nhân là do tác động mạnh mẽ của xã hội bên ngoài, của mạng internet; tác động từ cách sống, cách nghĩ của một bộ phận giáo viên thích “đẳng cấp”. Tôi kể câu chuyện trên với con trai mình. Nghe xong, cháu bảo đúng vậy đó ba! Con đi chơi với bạn trên chiếc xe máy cũ thì các bạn coi thường ra mặt.
Tiếc thay, hiện nay không ít người chỉ nhìn vào bề ngoài để đánh giá con người có “đẳng cấp” không. Không phải tự nhiên mà người xưa có câu ca dao: “Thế gian lắm kẻ mơ màng/Thấy hòn son thắm ngỡ vàng mới tô”.
Thạch Hoàng Sa
Bình luận (0)