Hai năm trước đây, vào cuối mùa hè, tôi có dịp du lịch nước Úc. Đến Úc, chắc không ai không muốn thăm thành phố Sydney. Sydney được nhiều người nhắc đến như là thành phố đặc trưng, tiêu biểu của nước Úc. Nằm ở phía đông, sát biển Thái Bình Dương nên thời tiết, khí hậu ở đây tương đối dễ chịu hơn nhiều so với các nơi khác của Úc như Canberra hay Melbourne, mùa hè thì nóng dữ dội, còn mùa đông thì lạnh giá vô cùng. Vì Úc nằm ở nam bán cầu nên mùa hè ở ta lại là mùa đông bên đó. Hôm chúng tôi đến, tuy vào cuối những ngày đông gió rét nhưng may mắn Sydney cũng có vài ngày nắng ấm.
Cầu Sydney Harbour |
Thành phố như vừa cổ kính vừa hiện đại. Những khối nhà cao chọc trời xen lẫn với những công trình kiến trúc truyền thống. Không tương phản giữa những khối kiến trúc cũ và các công trình mới xây hiện đại mà các khu phố dường như hài hòa trong cảnh vật thiên nhiên.
Sydney được hình thành từ năm 1788, là thành phố thuộc loại lâu đời, tiêu biểu và lớn nhất của nước Úc. Nơi đây có rất nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng chẳng những ở nước Úc mà cả thế giới.
Một góc nhà hát và tác giả |
Nhà hát Con Sò là tên hình tượng người ta thường gọi Nhà hát Opera Sydney. Nhà hát với những mái cong như hình vỏ sò, cũng tượng hình như những cánh buồm no gió hướng ra biển khơi. Nhà hát có khoảng 5.000 ghế ngồi, gồm sảnh hòa nhạc, nhà hát opera, nhà hát kịch và nhà tập studio. Ngoài ra Con Sò còn có nhiều nhà hàng và quán bar.
Công trình hiện hữu được xây theo mẫu thiết kế của kiến trúc sư Jorn Utzon, người Đan Mạch. Mẫu thiết kế này được Hội đồng thành phố chọn lựa từ 233 đồ án thiết kế khắp nơi gửi tới dự thi từ những năm 40 thế kỷ trước. Khởi công từ năm 1957, và sau gần 15 năm xây dựng, công trình danh giá này được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1973. Nhà hát Opera Sydney là một công trình độc đáo, tiêu biểu cho thành tựu kiến trúc của thế kỷ XX không chỉ của riêng nước Úc mà còn là của cả thế giới.
Đêm Sydney nhìn từ Tháp truyền hình |
Tháp truyền hình Sydney cao 305 mét cũng là điểm tham quan thú vị của du khách. Sau khoảng 15 phút mua vé, xếp hàng, chờ và đi thang máy, đoàn của chúng tôi đến tầng cao nhất của tháp. Tầng này thiết kế như hình đĩa bay, rộng lớn, bao quanh là cửa kính trong suốt, nhiều dãy ghế ngồi, bar cà phê và khá nhiều shop bán quà lưu niệm. Tại đây du khách có thể đi vòng quanh ngắm nhìn toàn cảnh Sydney thênh thang và hiện đại. Về đêm, tuy tầm nhìn không xa, nhưng thành phố hiện lên lộng lẫy, lung linh những sắc màu.
Cầu cảng Sydney Harbour là cây cầu thiết kế xây dựng từ những năm đầu thế kỷ trước và được khánh thành vào năm 1932. Là cây cầu một nhịp được xem là lớn nhất thế giới bắc ngang qua Cảng Sydney. Cầu rộng 46 mét, dài 504 mét, mái vòm cao 134 mét so với mặt nước, tàu bè qua lại bên dưới rất thoải mái. Cây cầu tuy to lớn và được làm bằng khung sắt thép, có nhiều làn xe nhưng trông không nặng nề chướng mắt, mà nó nằm vắt ngang qua vịnh một cách nhẹ nhàng duyên dáng.
Tranh thủ buổi chiều nắng ấm, chúng tôi thả bộ trên bến cảng Sydney. Cảng có nhiều tàu thuyền, nhưng chủ yếu vẫn là tàu du lịch. Đi trên bến cảng buổi chiều, trời se lạnh và nắng ấm. Ở đây có nhiều người tản bộ, ngồi đọc sách hoặc nhâm nhi ly cà phê bên hai bờ bến cảng. Rất nhiều chim hải âu bay lượn hoặc tụ tập trên cầu cảng. Chúng có vẻ rất gần gũi và thân thiện với mọi người, cũng không ai để tâm quấy rầy bọn chúng. Nếu mua vé du lịch trên vịnh, với hơn hai tiếng đồng hồ, bạn sẽ được con tàu đưa đi tham quan và thưởng thức một số món ăn đặc sản biển của Úc.
Một góc của hải cảng Sydney |
Đến Sydney, chúng tôi cũng muốn ghé thăm vài khu dân cư của người Việt. Người Việt định cư ở Sydney thường tập trung ở khu Cabramatta nằm ở phía tây nam ngoại ô Sydney. Khu này chiếm gần 40% người Việt sinh sống tại Úc. Trên đường vào khu này tôi thấy nhiều tấm bảng quảng cáo gia sư dạy kèm trẻ em Việt Nam. Không khí sinh hoạt của hàng quán ở đây cũng đa dạng, phong phú không thiếu thứ gì của Việt Nam. Ở Cabramatta, nếu người Việt nào không biết tiếng Anh thì cũng có thể giao dịch mua bán bằng tiếng mẹ đẻ một cách bình thường.
Sydney còn rất nhiều khu thương mại, nhà triển lãm, hệ thống giao thông, công viên, nhà bảo tàng và di tích lịch sử văn hóa… nổi tiếng. Tất cả các công trình dường như được sắp xếp, bài trí hoàn hảo. Tuy vậy, đô thị văn minh vào bậc nhất này vẫn còn có chỗ khiếm khuyết do con người thiếu ý thức gây ra. Một số cột đèn điều khiển giao thông bị dán tấm quảng cáo rao vặt, rác vẫn lềnh bềnh tại một vài góc vịnh. Khách lãng du chắc sẽ không cố tình soi mói, nhưng có lẽ đó cũng là hình ảnh làm suy giảm phần nào vẻ đẹp chỉn chu của một thành phố vừa truyền thống vừa cách tân trên con đường phát triển.
Bài, ảnh: Nghiêm Ý
Bình luận (0)