Nhìn tổng thể, đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2023 tương đối nhẹ nhàng, không quá bất ngờ, không đánh đố và gây khó khăn cho thí sinh.
Giám thị cắt phong bì đựng đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (ảnh minh họa). Ảnh: Én Bông
Cấu trúc quen thuộc
Theo đó, cấu trúc đề thi, cách yêu cầu và thang điểm đều theo sát đề thi minh họa năm 2023 mà Bộ GD-ĐT đã công bố và khá đồng dạng với đề thi năm 2022 trước đó. Đề thi có những câu hỏi rất dễ đạt điểm tối đa, mục đích của người ra là nhằm chống điểm liệt cho thí sinh (từ 1,25 điểm trở lên), như câu 1 (xác định thể thơ: tự do), câu 2 (chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè trong ba dòng thơ của văn bản: tiếng sấm, gió, bầu trời thật thấp, rát mặt, cát bay, lá bay, đá bay) của phần đọc hiểu. Thí sinh dễ đạt được điểm trên trung bình (5,0 điểm). Đề thi cũng có những câu hỏi gợi mở nhằm phát huy suy nghĩ, cảm xúc và kỹ năng trình bày của thí sinh, có tính phân loại thí sinh rất rõ với nhiều câu hỏi gợi mở. Như câu 4 phần đọc hiểu (từ dòng thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình” rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân), hay câu 1 phần làm văn (viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống) và vế yêu cầu sau của câu nghị luận văn học (từ đó, nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân).
Câu 3 phần đọc hiểu, cách yêu cầu không có gì mới, giống như đề thi năm 2022, phù hợp đặc trưng của văn bản đọc hiểu là thơ (nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh sử dụng trong 4 dòng thơ của văn bản). Tuy nhiên, để đạt điểm tối đa, thí sinh phải trả lời được 2 bước: chỉ ra phép so sánh ở đâu trong đoạn thơ và nêu tác dụng. Nhiều thí sinh mất điểm vì bỏ qua bước 1 nêu trên.
Ở câu 2 của phần làm văn (nghị luận văn học – 5,0 điểm), đề trích dẫn đoạn cuối trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Cách yêu cầu này không khác gì với đề thi năm 2022 là trích một đoạn trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Hầu hết thí sinh sẽ dễ dàng phân tích vì đề đã cho sẵn văn bản. Tuy nhiên, cách hỏi ở vế yêu cầu thứ 2 (từ đó, nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân) sẽ gây khó khăn với nhiều thí sinh nếu không nắm chắc, hiểu ý nghĩa của truyện. Điều này đòi hỏi thí sinh phải nắm thật chắc tác phẩm, hiểu được ý nghĩa tác giả muốn gửi gắm và có kỹ năng thật tốt mới làm được bài. Đây là điểm nhấn của đề, những học sinh khá giỏi môn văn mới đạt trọn điểm. Thường là 0,5 điểm theo đáp án chấm cho phần mở rộng này. Tóm lại, với đề thi môn ngữ văn như trên, phù hợp với thực tế việc dạy học ở nhà trường hiện nay. Giúp thí sinh dễ dàng đạt được mục đích xét tốt nghiệp, song vẫn đảm bảo tính phân loại thí sinh, giúp các trường có cơ sở xét tuyển sinh vào đại học.
Văn bản đọc hiểu hơi trừu tượng, độ “nhòe” cao
Có điều đáng quan tâm là rất nhiều thí sinh không hiểu hết nội dung chủ đề đoạn thơ của văn bản đọc hiểu. Cho nên khi được hỏi, nhiều thí sinh trả lời mơ hồ về đoạn thơ. Có nhiều thí sinh cho rằng đoạn thơ nói về hiện tượng thời tiết, tự nhiên, “những cơn mưa mùa hè”, chứ không thấy được vẻ đẹp đằng sau nó, vẻ đẹp của những con người lao động xây dựng cuộc sống trong mưa, trong khó khăn, vất vả… Lý do là đoạn trích hơi ngắn, không thật tiêu biểu, chưa thật rõ ràng về nội dung, làm trừu tượng vì độ “nhòe” khá cao, khó giúp thí sinh hiểu đúng ý nghĩa. Cách lược trích đoạn thơ cũng có phần hơi khiên cưỡng theo dụng ý các câu hỏi bên dưới, nhất là phần trích thêm 5 câu thơ sau để làm cơ sở cho câu hỏi viết đoạn văn ngắn 200 chữ. Đáng nói nữa là, tuy không hiểu nội dung chủ đề văn bản nhưng thí sinh vẫn làm bài được. Bởi vì toàn bộ các câu hỏi chưa xoáy sâu vào việc hiểu đoạn trích. Mà chỉ cần thí sinh nắm thao tác một cách “máy móc” là làm bài được. Đây là điểm bất cập rất lớn của câu hỏi đọc hiểu văn bản trong đề thi tốt nghiệp THPT bấy lâu nay.
Cần đảm bảo công bằng trong khâu chấm thi
Dù đề thi an toàn, khuôn mẫu, nhưng vẫn có những câu hỏi gợi mở, đòi hỏi giám khảo phải linh hoạt trong khâu chấm thi. Cho nên cần xây dựng đáp án chấm thật hợp lý và sự thống nhất cao giữa các hội đồng chấm. Xu hướng đề thi những năm gần đây được ra theo hướng mở. Điều đó đòi hỏi thí sinh cũng phải vận dụng kiến thức, kỹ năng mở để làm bài và đáp án chấm cũng phải theo hướng mở như thế. Nhưng để đánh giá chính xác hướng làm bài mở này thì chỉ có những giám khảo nắm thật chắc chương trình (ví dụ truyện “Vợ nhặt”) và phải hiểu thật rõ đối tượng làm bài là ai mới có thể đánh giá đúng được. Trong khi đó quan sát đáp án chấm những năm gần đây, có thể thấy còn nhiều điểm quá chung chung, quá mở, thiếu chi tiết, cụ thể trong từng tình huống. Vì vậy để không bị lệch điểm giữa các giám khảo, cần phải xây dựng đáp án chấm thật chuẩn, thật chi tiết, nhất là những câu hỏi theo hướng mở cũng phải lường trước những phương án chấm như thế nào để các giám khảo có cơ sở chấm.
Quy trình chấm thi môn ngữ văn Quy trình chấm thi môn ngữ văn rất chặt chẽ, bài thi từ các phòng thi được sắp xếp lại theo túi hoán vị riêng, giám khảo 1 và 2 được bố trí chấm theo hai vòng độc lập. Trong những buổi đầu, nhiều giám khảo chấm chưa đều tay. Nhưng sau khi đã quen với đáp án, việc chấm hạn chế nhiều về điểm lệch. Nếu điểm lệch từ 0,25-0,75 thì hai giám khảo tự xử lý trên bài chấm. Nếu lệch từ 1,0-1,5 điểm, hai giám khảo phải có biên bản thống nhất kèm theo. Lệch từ 1,75 điểm trở lên phải có giám khảo chấm lần 3. Việc chấm vòng 3 cũng độc lập. Sau khi có 3 kết quả chấm của ba giám khảo, cách tính điểm như sau: nếu giám khảo 3 trùng điểm với 1 trong 2 giám khảo kia sẽ lấy điểm trùng đó; nếu cả 3 giám khảo lệch nhau, sẽ lấy điểm trung bình cộng và làm tròn đến 2 số thập phân. Các bài từ 1 điểm trở xuống và điểm từ 9 trở lên, giám khảo phải rất cân nhắc cho điểm, vì phải có sự xem xét, thống nhất của tổ chấm. |
Bố trí các giám khảo trong các vòng chấm thật khoa học. Cần bố trí hợp lý giữa những giám khảo đã có kinh nghiệm và giám khảo chấm lần đầu, giữa giám khảo trực tiếp giảng dạy với giám khảo không trực tiếp dạy lớp 12. Tăng cường và tổ chức việc chấm kiểm tra tích cực, hợp lý, hiệu quả hơn. Có những can thiệp kịp thời nếu thấy bất thường trong việc chấm của giám khảo. Có biện pháp để giới hạn số lượng bài chấm của các giám khảo trong từng buổi, từng ngày và cả đợt chấm. Không hối thúc về mặt thời gian, tiến độ chấm, để tạo ra tâm lý thoải mái cho giám khảo và lãnh đạo hội đồng chấm nói chung.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)