Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dáng hình Tổ quốc từ sân trường

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí xếp hình bản đồ Việt Nam trong giờ chào cờ
Mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần, nhiều trường học ở TP.Đà Nẵng, sau lễ chào cờ với đội hình mang dáng hình bản đồ Tổ quốc có đầy đủ các quần đảo lớn như Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc, Cồn Cỏ… là bài Quốc ca vang lên trong không khí trang nghiêm, xúc động.
Hai tuần gần đây, tiết chào cờ của Trường Mầm non – Tiểu học Đức Trí (Q.Hải Châu) có thêm một hoạt động đặc biệt khác trước đây. Sau tiếng trống trường vang lên, tất cả học sinh nhanh chóng tập trung về phía sân trường, lớp nào cũng mang theo cờ Tổ quốc. Không cần sự điều chỉnh của Tổng phụ trách Đội, hơn 405 học sinh cùng 100 giáo viên của trường nhanh chóng xếp đội hình thành bản đồ Tổ quốc với đầy đủ các quần đảo: Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc… và ca vang bài Quốc ca Việt Nam với ý chí tự hào, hướng về biển đảo quê hương đầy xúc động.
Cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, hướng về biển đảo cho học sinh, những năm qua nhà trường luôn tổ chức các hoạt động ý nghĩa hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Việc tổ chức chào cờ với đội hình bản đồ Tổ quốc nhằm góp phần hình thành ý thức của học sinh về biên giới lãnh thổ quốc gia cũng như trau dồi tinh thần yêu nước ở thế hệ trẻ. Qua đó khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm, lên án hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam”.
Ngoài tiết chào cờ đặc biệt, nhiều năm nay, nhà trường đã đưa chương trình chào cờ, hát Quốc ca vào hoạt động ngoại khóa giúp cho học sinh hát đúng lời, đúng nhạc. “Năm 2003, trường đã tập cho các cháu lớp Lá hát Quốc ca và đánh trống nghi thức. Điều ngạc nhiên là không ngờ các cháu lại tiếp thu rất nhanh và hát rất hào hứng. Từ đó, chúng tôi mạnh dạn tập cho các cháu hát Quốc ca ngay từ lứa tuổi 3-4 và chào cờ với các anh chị tiểu học. Nề nếp ấy được giữ cho đến bây giờ. Có một điều đặc biệt, dù còn rất nhỏ nhưng mỗi lần hát Quốc ca, các cháu đều thể hiện tinh thần rất nghiêm túc, giọng ca hùng hồn”, cô Nga nói.
Tương tự, Trường Mầm non Ánh Hồng (Q.Hải Châu) cũng đã đưa bài Quốc ca vào tập như một bài hát bình thường khác từ 4 năm nay. Cô Phan Thị Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Dù các cháu đang ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo nhưng đây là độ tuổi nhạy cảm nhất trong cảm nhận, hình thành ý thức. Vì vậy, việc đưa Quốc ca vào tập như một bài hát hàng ngày không có gì quá khó. Chỉ qua một tuần tập luyện là các cháu đều thuộc lời và hát đúng nhạc. Các cháu hát rất hăng say, tinh thần bài hát như truyền cảm hứng, nhiệt huyết nên cháu nào cũng phấn khởi khi thể hiện xong bài hát”. Việc học hát Quốc ca từ sớm còn rất thuận lợi cho học sinh khi kết thúc chương trình mẫu giáo, chuẩn bị bước vào lớp 1…
Khác với các trường mầm non và tiểu học, một số trường THPT ở Đà Nẵng lại thể hiện bài Quốc ca trong không khí trang nghiêm với yêu cầu cao hơn. Đó là thể hiện bài hát bằng nội lực của bản thân, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm của công dân sắp bước vào tuổi trưởng thành. Vì thế nhà trường không dùng nhạc nền hay lời nhạc qua đĩa ghi âm mà bản thân học sinh phải tự hát một cách trang nghiêm. Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Q.Hải Châu), cho biết: “Việc không dùng lời và nhạc nền Quốc ca trong giờ chào cờ là để các em tự hát trước Quốc kỳ. Việc tự cất cao tiếng hát của mình một phần cho các em ý thức được ý nghĩa, trách nhiệm của công dân đồng thời giảm bớt tính rụt rè trước tập thể”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Niềm tự hào dân tộc phải được nuôi dưỡng bằng các việc làm cụ thể, bắt đầu từ những giờ chào cờ mà ở đó, học sinh và giáo viên hát Quốc ca với tinh thần yêu nước”, thầy Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Sơn Trà), nói. 

 

 

Bình luận (0)