Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đăng kí dự thi ĐH, CĐ 2012: Lời khuyên giản đơn, giá trị cả đời

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Trần Đình Lý đang tư vấn cho HS

Các thí sinh (TS) thường phân vân, lo lắng trước ngưỡng cửa cuộc đời, nhiều câu hỏi được đặt ra cho các bạn: Nên chọn ngành nào, trường nào cho phù hợp? Tiêu chí, quan điểm lựa chọn thế nào? Tại sao có nhiều người giỏi mà thi vẫn rớt? Tại sao có nhiều người sức học vừa phải nhưng thi là đậu liền? Tại sao có nhiều người thi đậu, học 4-5 năm trời ròng rã, tốt nghiệp xong rồi lại đòi… làm lại từ đầu? Giá như có cơ hội được sửa sai…
Tôi hy vọng các bạn TS đón nhận những lời khuyên sau đây để phòng ngừa, né tránh rủi ro có thể xảy ra. Và tôi xin nhấn mạnh một điều: Nhiều TS đã chủ quan bỏ qua các lời khuyên đơn giản để rồi tự mình làm phức tạp thêm cho “bản đồ” cuộc đời của mình.
Thứ nhất, phải xác định tầm quan trọng của định hướng nghề nghiệp
Nghe qua ai cũng nói việc này đơn giản mà sao làm không được. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ đó. Nếu chọn sai sẽ là một sự lãng phí rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội. Lẽ ra, về nguyên tắc việc chọn ngành, nghề của TS phải từ rất sớm, nghĩa là nó mang tính định hướng chứ không phải ngay trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ… Thử so sánh về mức độ kinh phí cho việc định hướng nghề nghiệp để thi và học cũng giống như ba mức độ trong ngành y: Phòng bệnh, điều trị và cấp cứu. Các bạn cứ hình dung thử xem: Nếu lo 1 ngàn đồng chi phí dự phòng sẽ giảm được 9 ngàn đồng điều trị trước khi tránh được 100 ngàn đồng cấp cứu.
Nếu việc chọn lựa xuất phát từ sở thích, nguyện vọng của bản thân thì sẽ bền vững hơn. Đây là tiêu chí ưu tiên hàng đầu. Việc chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn (theo hướng tiêu cực) đối với việc học hành và công việc của các TS sau này. Hướng nghiệp là vấn đề lớn và đi trước một bước. “Hướng nghiệp và tuyển sinh, tuy 2 mà là 1”. Thi vào ngành nghề gì, trường nào và ở đâu? có thể nói là có nhiều tiêu thức lựa chọn. Tuy nhiên, xuất phát điểm của TS khi chuẩn bị vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ, THCN thì trước hết phải là sở thích, sở trường, năng khiếu. Đây mới là điều quan trọng và cốt lõi.
Tiếp theo, chúng ta phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này? Nếu xác định được sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời, lâu dài… hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thi trường nào, ngành nào để dễ đậu?”. Đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, chân đứng đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó.
Thứ hai, nên biết lượng sức!
Nghĩa là phải “biết người biết ta”. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều sĩ tử học giỏi mà thi hoài không đậu nhưng có em học khá lại thi rất chắc, đậu liền. TS không nên chọn những nghề thật “cao siêu” nhưng không biết năng lực mình tới đâu. Thực ra, có khi gọi là nghề cao siêu với người này nhưng lại là “thấp siêu” với người khác. “Trèo cao ngã đau” là chuyện có thể xảy ra một cách bình thường và không ai khuyến khích hậu quả này cả. Sau khi chọn ngành mình thích, nên lượng sức mình có thể vừa với những trường “top” nào. Dĩ nhiên, còn nhiều tiêu chí để tham khảo: Điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý…
Ngành nghề hiện nay thì nhiều và đa dạng nhưng năng lực của con người có hạn, giới trẻ lại có quá nhiều ước mơ, hoài bão. Nói cách khác, sự lựa chọn nghề nghiệp hiện nay là rất phong phú và theo hướng tự do, tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp học sinh bị lệ thuộc vào quyền quyết định của người khác để thi vào ngành mình không thích, bậc học không tương xứng. Nếu đậu, chỉ là sự tạm trú, rất không chắc chắn. Dẫu biết rằng, lời khuyên thì rất bổ ích, nhưng điều quan trọng là bản thân phải tự quyết định về tương lai của mình.
Có người cho rằng, giới trẻ hiện nay đang chọn nghề theo kiểu “mì ăn liền”. Tuổi trẻ chạy theo “mốt” là chuyện bình thường. Có em muốn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thử cho “đã” sau đó bị “dội ngược” rồi mới ngẫm nghĩ lại là không nên “bon chen” nữa, mình phải là mình thôi. Có người thuộc nhóm thích thử thách thậm chí phiêu lưu một chút, có người lại thích sự yên tĩnh, ổn định. Tốt nhất hãy là chính mình.
Thứ ba, phân biệt đúng giữa “thích” và “phù hợp”
Nghĩa là phải tránh xa sở đoản. Có nhiều TS thích học để sau này làm bác sĩ nhưng hễ thấy máu là xỉu, thấy người khác xỉu là ngất theo luôn! Trong khi họ là người phù hợp với công việc gắn liền với thiên nhiên, hoa viên cây cảnh. Có bạn thích làm việc với máy tính nhưng cứ hễ ngồi trước bàn phím gõ gõ là hoa cả mắt! Trong khi bạn đó lại có năng khiếu hát rất hay và dẫn chương trình thì quá tuyệt. Vậy thì cái mình thích đâu có phù hợp? Đương nhiên, ngoại trừ những trường hợp khổ công rèn luyện và khắc phục được hạn chế của mình thì phải có thời gian và nghị lực.
Có nhiều tiêu chí lựa chọn. Tiêu chí nào cũng có cơ sở cả. Khi đã có cơ sở lý luận và kiểm nghiệm thực tiễn để lựa chọn rồi thì thường là các em hài lòng về quyết định của mình. Tuy vậy sự hài lòng này dài hạn hay ngắn hạn, có bền vững hay không là do chính bản thân các em.
Nên chọn theo sở trường, tránh xa sở đoản mới là bền vững. Thế nhưng, cũng không nên quá bảo thủ, cực đoan mà hãy nghe những lời khuyên vì có khi các em không đủ thông tin. Các em nên “test” sở thích nguyện vọng của mình có… bị ngộ nhận hay không? Tôi thấy “Lý thuyết Holland” về chọn nghề cũng là một nguồn tham khảo để trắc nghiệm rất tốt.
Ngoài ra, để những vấn đề trên được toại nguyện, TS cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề “kỹ thuật”. Theo đó, các em phải tìm hiểu kỹ càng về những vấn đề liên quan đến kỳ tuyển sinh năm nay. Có những điểm mới so với trước đây, “tra tìm” điểm chuẩn 3 năm gần kề để lượng sức ngành nghề đó ở trường nào thì phù hợp. Đây tuy là vấn đề kỹ thuật “ngắn hạn” nhưng nếu không lưu ý làm đúng ngay từ đầu thì có khi lại bị chệch hướng, gây lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội. Và thực tế cho thấy: Đã có nhiều rắc rối cho những sự thiếu cân nhắc những lời khuyên rất đơn giản này.
ThS. Trần Đình Lý 
(Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)