Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đăng ký dự thi ĐH, CĐ kéo dài 1 tháng

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển của thí sinh năm nay sẽ khác biệt thế nào so với các năm trước đây?
Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM đăng ký chọn môn thi tốt nghiệp năm 2015 – Ảnh: Như Hùng
Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT quốc gia vừa dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển ÐH.
Vậy việc đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển của thí sinh năm nay sẽ khác biệt thế nào so với các năm trước đây?
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay trước khi Bộ GD-ÐT công bố quy chế tuyển sinh ÐH, CÐ 2015, Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Bùi Văn Ga cho biết:
– Phương thức đăng ký của thí sinh về cơ bản không có gì thay đổi so với trước đây. Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ làm thủ tục đăng ký tại trường các em đang học. Thí sinh tự do sẽ được tạo điều kiện để đăng ký dự thi ở bất kỳ nơi nào thuận tiện nhất với các em.
Tuy nhiên, cần lưu ý là trong phiếu đăng ký dự thi năm nay, ngoài những thông tin như trước đây, thí sinh sẽ lựa chọn mục đích dự thi (chỉ để xét tốt nghiệp THPT hay cả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ).
Theo kế hoạch, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào đầu tháng 7, nên thí sinh sẽ thực hiện đăng ký dự thi trong tháng 4 và kéo dài một tháng.
Ðiểm khác biệt quan trọng so với trước là năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ sau khi đã có kết quả thi. Thí sinh sẽ được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường ÐH chủ trì cụm thi để nộp vào các trường theo quy định của quy chế tuyển sinh.
Ðiều này sẽ làm giảm bớt sự rủi ro đối với thí sinh khi tham gia xét tuyển đợt đầu tiên so với kỳ thi “ba chung” trước đây.
Nguyện vọng bổ sung: không còn giới hạn 1 trường/đợt
* Trong dự thảo quy chế tuyển sinh ÐH, CÐ có đưa ra ý tưởng dùng mã vạch nhận dạng “đánh dấu” các giấy chứng nhận kết quả thi, để thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển mỗi đợt vào một trường. Ðiều này dường như gây thiệt thòi cho thí sinh vì các năm trước thí sinh có thể đăng ký nhiều trường trong cùng một đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thưa thứ trưởng?
– Theo phiên bản đầu tiên của dự thảo quy chế thì mỗi thí sinh sẽ được cấp bốn giấy báo kết quả thi có mã vạch nhận dạng và mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được sử dụng một giấy báo kết quả thi. Ðiều này sẽ giảm hiện tượng thí sinh ảo cho các trường nhưng có thể làm giảm cơ hội xét tuyển của thí sinh.
Ðể đảm bảo quyền lợi của thí sinh, tiếp thu ý kiến góp ý, quy chế chính thức quy định trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký xét tuyển vào tối đa bốn ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường.
Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng ký xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng ký xét tuyển vào tối đa bốn ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường.
Nghĩa là khi đăng ký nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tối đa vào ba trường khác nhau ở mỗi đợt xét tuyển. Trước đây, ở kỳ thi “ba chung”, thí sinh có thể đăng ký dự thi tối đa hai khối thi ở hai đợt thi khác nhau, mỗi khối vào một ngành của một trường. Nếu không trúng tuyển, các em phải tham gia xét tuyển các đợt bổ sung.
Nay ở đợt đầu tiên tuy đăng ký xét tuyển vào một trường nhưng các em có bốn nguyện vọng khác nhau với các tổ hợp xét tuyển khác nhau. Mặt khác, trong thời gian xét tuyển nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, các em có quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào trường khác. Những quy định này nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ÐH.
* Với việc thay đổi thi trước, chọn trường sau, Bộ GD-ÐT có triển khai phần mềm tuyển sinh mới cho năm 2015 để hỗ trợ công tác xét tuyển cho các nhà trường cũng như việc đăng ký xét tuyển cho thí sinh? Các trường phải cập nhật dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển định kỳ bao lâu một lần, thưa thứ trưởng?
– Phần mềm tổng hợp dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh trước đây sẽ được điều chỉnh bổ sung một vài chi tiết cho phù hợp với yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Theo thiết kế thì thí sinh sẽ nhập các thông tin đăng ký dự thi vào phần mềm trực tuyến.
Với những nơi khó khăn về công nghệ thông tin, thí sinh sẽ khai vào phiếu để các trường THPT nhập vào phần mềm. Phần mềm hỗ trợ xét tuyển sẽ được xây dựng mới để quản lý toàn bộ kết quả thi của thí sinh. Nguyên tắc là những thí sinh đã trúng tuyển đợt trước vào trường đã đăng ký thì không còn trong dữ liệu xét tuyển đợt sau.
Ðiều này một mặt giảm bớt số thí sinh ảo cho các trường, mặt khác thêm cơ hội trúng tuyển cho những thí sinh ở những đợt xét tuyển bổ sung. Trong quá trình xét tuyển, các trường phải cập nhật ba ngày một lần kết quả thống kê dữ liệu thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường mình, để thí sinh biết và có thể rút hồ sơ nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp.
Bộ đang phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xây dựng và chạy thử các phần mềm, cũng như tổ chức quản lý dữ liệu kết quả tuyển sinh nhằm giúp thí sinh và các nhà trường thực hiện xét tuyển thuận lợi nhất. Các phương án kỹ thuật cũng sẽ được xem xét để tránh trường hợp bị nghẽn mạng trong quá trình xử lý dữ liệu tuyển sinh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh vùng đặc biệt khó khăn
* Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thực hiện theo một quy trình giống nhau ở cả cụm thi tỉnh và liên tỉnh. Như vậy, vai trò của các trường ÐH chủ trì cụm thi là gì, thưa thứ trưởng? Những địa phương hệ thống giáo dục ÐH còn yếu thì bộ sẽ hỗ trợ thế nào để đảm bảo sự thống nhất trong tính chất của một kỳ thi quốc gia, nhất là với cụm thi được tổ chức để thí sinh có thể dùng kết quả để xét tuyển vào các trường ÐH?
– Kỳ thi THPT quốc gia có ba đối tượng thí sinh tham gia dự thi: (1) thí sinh sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ÐH, CÐ, (2) thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào ÐH, CÐ, (3) thí sinh chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thuộc đối tượng thứ nhất và thứ hai sẽ dự thi ở các cụm thi do trường ÐH chủ trì. Các cụm thi này phục vụ cho thí sinh ít nhất hai tỉnh. Những thí sinh này sẽ thuận lợi hơn so với trước đây, không phải đi xa mà có thể thi ngay tại địa phương mình hay địa phương lân cận.
Thí sinh thuộc đối tượng thứ ba sẽ thi tại trường THPT đang học hay cụm các trường THPT do sở GD-ÐT chủ trì với sự tham gia của các trường ÐH. Những địa phương rất đặc thù ở những vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD-ÐT đã và sẽ làm việc với các ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Tây Bắc và Tây nguyên cùng với các địa phương trong vùng để bàn bạc thống nhất việc bố trí cụm thi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
* Ðiểm khác biệt của quy chế so với dự thảo trước đây là trong xây dựng tổ hợp môn thi Bộ GD-ÐT yêu cầu các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo. Các trường sẽ dựa vào đâu để xác định đó là môn thi “gắn với chuyên ngành đào tạo”, thưa thứ trưởng?
– Việc xác định tổ hợp các môn xét tuyển trước hết phải căn cứ vào yêu cầu của chuyên ngành đào tạo. Trong hơn 10 năm thực hiện kỳ thi “ba chung”, bộ đã quy định tuyển sinh theo khối và các trường căn cứ vào yêu cầu này để lựa chọn khối tuyển sinh phù hợp.
Tuy nhiên, vì số lượng khối thi hạn chế nên có những ngành phải chọn những khối thi không hoàn toàn phù hợp. Xuất phát từ bất cập này, một số trường đã kiến nghị điều chỉnh khối thi cho các ngành như quản lý kinh tế, công nghệ thông tin, kiến trúc… Kết quả, năm 2012 Bộ GD-ÐT đã bổ sung khối A1 cho kỳ thi “ba chung”.
Song thực tế, số lượng các ngành đào tạo hiện rất phong phú và đa dạng, các trường cập nhật và đổi mới liên tục chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nên Luật giáo dục ÐH đã cho phép các trường tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, không theo chương trình khung như trước đây.
Trên cơ sở đó, các trường lựa chọn tổ hợp các môn thi phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo tại trường mình, chứ không phải đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển để tuyển đủ chỉ tiêu. Ðó là lý do vì sao phải đưa nguyên tắc xây dựng tổ hợp các môn xét tuyển vào quy chế.
Thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ
* Theo quy chế mới, năm 2015 thí sinh sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký dự thi và xét tuyển, sẽ bị từ chối nhập học hoặc buộc thôi học nếu không đảm bảo điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký với hồ sơ gốc. Nhiều thí sinh cho rằng quy định này có thể gây rủi ro vì nhiều năm qua thông tin ưu tiên trong tuyển sinh thường phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại trước kỳ thi, trong ngày làm thủ tục dự thi, thậm chí là sau khi thi?
– Việc kiểm tra, đối chiếu thông tin thí sinh đăng ký dự thi và hồ sơ gốc là việc làm bắt buộc trong quy trình tuyển sinh trước đây cũng như trong kỳ tuyển sinh sắp tới. Trước đây, khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào trường nào thì trường đó kiểm tra, điều chỉnh. Năm 2015, thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi đã có kết quả thi.
Do đó, khi các em trúng tuyển trường nào thì hồ sơ dự thi sẽ chuyển đến trường đó và khi nhập học các em mang hồ sơ gốc đến để trường đối chiếu. Nếu khai không đúng, đặc biệt là diện ưu tiên thì có khả năng sẽ không trúng tuyển sau khi điều chỉnh lại diện ưu tiên mà các em được hưởng.
Ðể tránh những sự cố này, thí sinh cần khai chính xác thông tin, trường phổ thông cần rà soát giúp đỡ các em để khai đúng. Cũng như trước đây, trong ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh có thể điều chỉnh lại sai sót trong hồ sơ đã khai nếu có.
* Ðể trúng tuyển vào một số trường như Học viện Báo chí và tuyên truyền, Trường ÐH Luật TP.HCM… thí sinh phải tham gia bài thi năng khiếu/bài kiểm tra năng lực. Việc tổ chức ra đề các bài thi, bài kiểm tra này có phải tuân thủ nghiêm quy chế chung không hay đây là quyền tự chủ của các trường, thưa thứ trưởng?
– Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, các trường có đề án tuyển sinh riêng đều phải quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thuyết phục. Các đề án này đều phải đưa ra tham khảo ý kiến dư luận. Các trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập phổ thông thường lấy điểm trung bình các học kỳ từ 6,0 trở lên đối với ÐH và 5,5 trở lên đối với CÐ.
Những trường tổ chức thi tuyển thì phải xây dựng đề án đảm bảo chất lượng đầu vào và báo cáo bộ trước khi báo kết quả trúng tuyển cho thí sinh. Những trường có đề án tuyển sinh riêng có thể có thực hiện thêm các bài thi năng khiếu, kiểm tra năng lực để lựa chọn được thí sinh phù hợp nhất với các ngành nghề đào tạo.
Bộ GD-ÐT lưu ý rằng các bài thi này do hội đồng thi nhà trường quyết định, nhưng đảm bảo nguyên tắc chung của kỳ thi tuyển sinh là công bằng, khách quan, trung thực.
* Bộ đã từng dự kiến sẽ áp dụng thang điểm 20, nay lại quyết định sử dụng thang điểm 10? Lý do nào khiến Bộ GD-ĐT có thay đổi này? Với việc trở lại thang điểm 10, Bộ GD-ĐT có lưu ý gì với thí sinh?
– Trong dự thảo ban đầu của quy chế tuyển sinh, ban soạn thảo dự kiến sử dụng thang điểm 20 giúp việc đánh giá bài làm của thí sinh chi tiết và chính xác hơn. Đồng thời với thang điểm rộng, số lượng thí sinh giữa hai mức điểm liền kề giảm, giúp các trường dễ điều chỉnh số lượng thí sinh gọi nhập học.
Tuy nhiên, khi đưa ra tham khảo ý kiến, nhiều người cho rằng hiện nay học sinh phổ thông chưa quen với thang điểm 20, giáo viên cũng chưa quen với cách chấm theo thang điểm này. Mặt khác, các mức điểm ưu tiên hiện nay đều theo thang điểm 10.
Vì vậy việc chuyển sang thang điểm 20 có thể làm cho thí sinh và người chấm bỡ ngỡ, việc quy đổi các mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cũng trở nên phức tạp hơn. Tiếp thu ý kiến góp ý, quy chế chính thức duy trì thang điểm 10 trong đánh giá kết quả bài thi của thí sinh.
Tuy thang điểm 10 đã rất quen thuộc với thí sinh trong quá trình học ở bậc phổ thông, nhưng các em cũng cần lưu ý khi làm bài, nếu bỏ qua một ý nhỏ, số điểm tương đối mất đi ở thang điểm hẹp sẽ nhiều hơn ở thang điểm rộng.
CĐ tuyển sinh như ĐH
“Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7 thống nhất trình độ CĐ và CĐ nghề tương ứng với bậc 5 trong khung trình độ 8 bậc tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN.
Chất lượng đào tạo bậc CĐ sau khi hợp nhất cần phải được nâng cao cả về lý thuyết lẫn thực hành. Kỹ thuật viên cao cấp trong thời đại ngày nay không những phải thông thạo kỹ năng nghề nghiệp mà cần phải có năng lực tư duy để thích nghi với môi trường công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.
Do đó, chất lượng đầu vào của hệ CĐ ngày càng phải được nâng cao. Lâu nay Bộ GD-ĐT ban hành chung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Nay ngày thi đã đến gần, trong khi chờ đợi Chính phủ giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT đã báo cáo và đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý cho phép bộ ban hành quy chế tuyển sinh CĐ cùng với quy chế tuyển sinh ĐH như trước đây.
Như vậy các trường CĐ yên tâm tổ chức tuyển sinh theo kế hoạch dự kiến và xã hội cũng có thể yên tâm về chất lượng đầu vào của hệ đào tạo này”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT BÙI VĂN GA
Giao lưu trực tuyến về thi THPT quốc gia và ÐH, CÐ 2015
Tuổi Trẻ Online thực hiện buổi giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh và phụ huynh liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, cũng như cung cấp thông tin toàn cảnh về tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2015 ngay sau khi hai quy chế này được ban hành.
Ðề thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ khác biệt gì so với đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ các năm trước?
Việc đăng ký dự thi sẽ được thực hiện ra sao, bắt đầu từ thời điểm nào? Cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có điểm gì thí sinh cần lưu ý để tránh mắc sai sót đáng tiếc?
Việc thi theo cụm do Bộ GD-ÐT chỉ định hay thí sinh được quyền lựa chọn địa điểm thi thuận lợi nhất cho mình? Liệu thí sinh có được tăng thêm nguyện vọng với cách thức thi trước, chọn trường sau lần đầu áp dụng? Các trường tuyển sinh riêng sẽ thi, xét theo những cách riêng nào?…
Tất cả những băn khoăn sẽ được giải đáp chính thức, trực tiếp, đầy đủ từ đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ÐT, đại diện của ÐHQG Hà Nội và ÐHQG TP.HCM.
Khách mời của buổi giao lưu trực tuyến gồm có:
– PGS. TS Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ÐT.
– PGS.TS Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ÐT.
– TS Trần Văn Kiên – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ÐT
– TS Nguyễn Ðức Nghĩa – phó giám đốc ÐHQG TP.HCM.
– TS Vũ Viết Bình – phó trưởng ban đào tạo ÐHQG Hà Nội.
Theo TTO

 

Bình luận (0)