Nhằm giúp thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2023 phù hợp năng lực, nhiều giáo viên THPT đã chỉ ra những lưu ý để các em tránh tình trạng từ đỗ… thành trượt.
Nhiều giáo viên đưa ra lời khuyên để thí sinh tránh tình trạng từ đỗ… thành trượt
Cân nhắc tính toán số nguyện vọng đăng ký phù hợp
Từ ngày 10-7 đến 17 giờ ngày 30-7, tất cả thí sinh chính thức thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, không giới hạn số lần trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định, các trường ĐH không được yêu cầu thí sinh đặt nguyện vọng ưu tiên là nguyện vọng trường mình. Quyền đặt thứ tự nguyện vọng thuộc về thí sinh. Thí sinh có quyền đăng ký không giới hạn nguyện vọng, trong đó nguyện vọng nào yêu thích nhất thí sinh sẽ đặt làm nguyện vọng ưu tiên nhất.
Theo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2023 của Bộ GD-ĐT, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, điều khiến thí sinh và phụ huynh quan tâm là nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mình yêu thích. Theo Bộ GD-ĐT, mùa tuyển sinh năm ngoái, có những thí sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 ngành, 1 nguyện vọng. Sự chủ quan này khiến thí sinh đó không trúng tuyển ĐH mặc dù kết quả học tập của em không phải là thấp.
Trong buổi họp trực tuyến với các sở GD-ĐT về xét tuyển ĐH mới đây, TS. Phạm Như Nghệ (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) khuyên thí sinh nên tham khảo và đăng ký từ 5 đến 7 nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý các nguyện vọng đó sẽ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng cao nhất. “Điểm trúng tuyển vào các ngành đào tạo của một trường ĐH nào đó thường không cố định, mà có thể thay đổi theo từng năm. Thí sinh đi thi cũng không thể dự đoán chắc chắn đạt bao nhiêu điểm là sẽ trúng tuyển. Vì vậy, nếu đăng ký số lượng nguyện vọng ít thì rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra”, TS. Nghệ lưu ý.
Ngoài ra, TS. Nghệ cũng khuyên thí sinh cần cân nhắc tính toán số nguyện vọng mình đăng ký phù hợp với kết quả học tập của bản thân; đồng thời đạt kết quả cao nhất để trúng tuyển vào ngành đào tạo của các trường ĐH mà mình mong muốn.
Thí sinh có 20 ngày để đăng ký xét tuyển nguyện vọng ĐH năm 2023
Được biết, từ ngày 3-7 đến 6-7, thí sinh đã được đăng ký thử nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH tại địa chỉ https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn. Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) cho biết, nhà trường có mở cổng thông tin để hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh trong quá trình đăng ký nguyện vọng, giải đáp thắc mắc của các em. Những thí sinh không thể đăng ký tại nhà thì các em có thể đến trường để đăng ký tại các phòng máy của trường. “Điều quan trọng nhất khi đăng ký nguyện vọng là thí sinh cần cân nhắc vào lực học của bản thân, kết quả bài làm của mình ở các tổ hợp môn xét tuyển ĐH trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Nguyện vọng nào có cơ hội trúng tuyển cao nhất và là nguyện vọng yêu thích nhất thì thí sinh cần đặt làm nguyện vọng 1 – nguyện vọng ưu tiên”, thầy Phú nhấn mạnh.
Đặc biệt, Hiệu trưởng này chỉ rõ, theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng với một phương thức xét tuyển. Do vậy, ngay cả khi thí sinh trúng tuyển ĐH với các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực thì thí sinh cũng cần phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống. “Nhiều thí sinh chủ quan đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm mà không chú ý đến việc đăng ký xét tuyển trên hệ thống thì có khả năng từ đậu… thành trượt. Chỉ khi thí sinh xác nhận các phương thức đó trên hệ thống thì mới thực sự được công nhận kết quả”, thầy Phú nhấn mạnh.
Đừng ham đăng ký nhiều nguyện vọng
Do mỗi thí sinh chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng từ một phương thức nên nhiều giáo viên THPT khuyên, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ khi đăng ký nguyện vọng, không nên ham đăng ký quá nhiều nguyện vọng.
Phó hiệu trưởng một trường THPT tại Q.5 (TP.HCM) kể, năm ngoái tại trường có vài thí sinh đăng ký đến mười mấy nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, cuối cùng lại đậu vào nguyện vọng mà bản thân các em chưa thực sự yêu thích do chưa xếp đúng thứ tự ưu tiên vì sợ không đủ khả năng trúng tuyển. “Trong câu chuyện đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, không phải là bài toán số lượng nguyện vọng các em đăng ký bao nhiêu vì điều đó không quan trọng. Mà quan trọng hơn cả là các em phải xác định được đâu là ngành học mình yêu thích nhất, trường mình yêu thích nhất, cơ hội trúng tuyển vào trường nào là cao nhất để đăng ký làm nguyện vọng ưu tiên. Có như vậy mới có khả năng trúng tuyển cao”, vị phó hiệu trưởng phân tích.
Với thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, nhiều giáo viên THPT lưu ý, thí sinh cần phải cân nhắc, tính toán sát với kết quả bài làm của mình để có thể đặt nguyện vọng ưu tiên phù hợp. “Từ đề thi, khả năng điểm chuẩn năm nay của các trường có thể không quá biến động do ở các tổ hợp kiến thức đều mang tính phân hóa, đặc biệt là nhóm tổ hợp về khoa học tự nhiên. Vì thế, khi thí sinh sử dụng nhóm tổ hợp này để làm tổ hợp xét tuyển ĐH, các em cần tính toán để đặt nguyện vọng phù hợp, tránh mất cơ hội trúng tuyển”, thầy P.H.Q (giáo viên môn vật lý tại một trường THPT ở Q.1, TP.HCM) chỉ rõ.
Trong khi đó, với những thí sinh đặt nguyện vọng xét tuyển ĐH từ tổ hợp khoa học xã hội, các giáo viên THPT lại cho rằng thí sinh có nhiều cơ hội hơn do đề thi vừa sức. Dù vậy, mức điểm trúng tuyển ở nhóm này có thể cao hơn.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)