Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đăng ký tuyển sinh ĐH 2023: Vẫn băn khoăn nếu đơn giản thủ tục

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những dự kiến điều chỉnh kỹ thuật trong tuyển sinh năm 2023 được Bộ GD&ĐT đưa ra là thí sinh không phải đăng ký mã phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. Điều chỉnh này khiến một số chuyên gia tuyển sinh băn khoăn về tính khả thi.

Bộ GD&ĐT chưa công bố hướng dẫn tuyển sinh đại học (ĐH), tuyển sinh cao đẳng mầm non năm 2023. Vụ Giáo dục ĐH cho biết, năm nay Quy chế tuyển sinh không thay đổi, Bộ dự kiến điều chỉnh kỹ thuật là thí sinh đăng ký mã ngành, mã trường ĐH muốn tham gia xét tuyển lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT không phải đăng ký mã phương thức, tổ hợp xét tuyển. Mục đích của điều chỉnh này là giảm rủi ro cho thí sinh.

Năm 2022, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định dù xét tuyển bằng phương thức nào, thí sinh cũng phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. 20 phương thức được quy định theo 20 mã khác nhau, trong đó một số phương thức tên gần giống có mã ở cạnh nhau khiến nhiều thí sinh nhầm lẫn. Trong đó, có thí sinh đã phải gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn 2 lần mong được giúp đỡ vì đăng ký nhầm phương thức xét tuyển ĐH.

Với những điều chỉnh kỹ thuật của năm nay, tuy Bộ GD&ĐT đã khuyến cáo các trường không nên xét tuyển sớm, nhưng gần như các cơ sở giáo dục ĐH công bố đề án tuyển sinh đều đưa ra phương thức xét tuyển sớm.

Do vậy, điều chỉnh dự kiến của Bộ GD&ĐT để giảm rủi ro cho thí sinh đồng thời khuyến cáo các cơ sở giáo dục ĐH nếu không có yêu cầu đặc biệt đối với thí sinh xét tuyển đầu vào thì không nên xét tuyển sớm.

Theo kế hoạch dự kiến, thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ ngày 5/7 đến 17h ngày 25/7. Các trường phải hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 đến 17h ngày 14/8. Trước 17h ngày 30/8 kết thúc xét tuyển đợt 1. Các trường tổ chức nhập học vào tháng 9.

Đăng ký tuyển sinh ĐH 2023: Vẫn băn khoăn nếu đơn giản thủ tục ảnh 1

Thí sinh tại một buổi tư vấn tuyển sinh 2023 Ảnh: Nghiêm Huê

ThS Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Thương mại, nói rằng điều chỉnh này đơn giản thủ tục đăng ký cho thí sinh nhưng với nhiều trường, thí sinh rất có thể sẽ bị thiệt thòi. Ông Trung lấy ví dụ tại Trường ĐH Thương mại, năm 2023 có 5 phương thức xét tuyển. Nhà trường xét học bổng cho sinh viên dựa theo kết quả của mỗi phương thức.

Vì vậy, những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển 1 phương thức thì điều chỉnh của Bộ GD&ĐT không ảnh hưởng đến quyền lợi xét học bổng. Nhưng những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển từ 2 phương thức trở lên, khi đó, hệ thống của Bộ lựa chọn 1 phương thức trúng tuyển phù hợp nhất, nhưng phương thức này, thí sinh không được học bổng mà phương thức không được hệ thống lựa chọn thí sinh mới đủ điều kiện nhận học bổng. Khi đó, thí sinh sẽ bị thiệt.

Năm trước, thí sinh được quyền chọn phương thức trúng tuyển nên việc được nhận học bổng hay không, thí sinh phải chịu trách nhiệm trước lựa chọn này. Câu hỏi đặt ra, với điều chỉnh này của năm nay, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho rằng, điều chỉnh của Bộ GD&ĐT giúp thí sinh giảm thiểu sai sót trong quá trình đăng ký xét tuyển. Ví dụ, thí sinh muốn đăng ký tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) nhưng đăng ký nhầm sang tổ hợp D07 (Toán, Hóa, Anh). Theo ông Sơn, nhầm lẫn này ghi nhận xảy ra hằng năm.

“Nhiều khi thí sinh không biết phương thức xét tuyển nào lợi hơn, không biết tổ hợp môn nào lợi hơn khi xét tuyển, nhưng máy tính biết hết và xử lí cho thí sinh. Thí sinh chỉ cần chọn ngành, trường xét tuyển thế là xong, phần mềm sẽ làm hết cho thí sinh”, ông Sơn nói. Tuy vậy, hạn chế của điều chỉnh này là làm cho thí sinh thụ động trong cách thức ứng xử với cái mà đáng lẽ ra mình phải biết, phải lựa chọn cho đúng phương thức xét tuyển và tổ hợp môn xét tuyển.

Hệ thống cần dữ liệu chuẩn

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT là về mặt kỹ thuật, nhưng thực chất, thay đổi quan trọng không phải do phần mềm mà là chuẩn dữ liệu.

Các nguồn dữ liệu đưa lên phần mềm xét tuyển gồm: điểm học bạ do các Sở GD&ĐT cung cấp; điểm thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT cung cấp; điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức đẩy lên hệ thống; chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT, ACT…) do thí sinh khai vào hệ thống khi đăng ký. Nhưng theo ông Điền, tất cả các nguồn dữ liệu này phải được chuẩn hóa.

“Đây là vấn đề lớn. Vì hiện nay, điểm của thí sinh chỉ cần viết 5,0 và 5.0 đã là 2 dữ liệu hoàn toàn khác nhau. Do đó, chuẩn hóa dữ liệu là bài toán khó đối với các đầu mối cung cấp dữ liệu lên hệ thống.

Dữ liệu không được chuẩn hóa sẽ rất khó khăn đối với việc xét tuyển. Nhóm lọc ảo miền Bắc đang bổ sung các yêu cầu vào phần mềm nhưng cũng rất lo lắng với nguồn dữ liệu được đẩy về lọc ảo sau này”.

Lo lắng của ông Điền không phải không có cơ sở. Năm 2022, khi Bộ GD&ĐT điều chỉnh yêu cầu về đăng ký xét tuyển với thí sinh, do công tác tập huấn và thông tin diễn ra gấp gáp nên thí sinh bối rối, nhầm lẫn trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.

Trong khi đó, dữ liệu của các trường cung cấp lên vênh với phần mềm của Bộ GD&ĐT. Vì vậy xảy ra nhiều tình huống dở khóc dở cười như thí sinh trúng tuyển ảo, thí sinh lơ lửng không biết đỗ trường nào, trượt trường nào.

Với điều chỉnh của năm nay, nhiều chuyên gia lo ngại, rất có thể lại xảy ra tình huống thí sinh trúng tuyển nhầm. Vì nếu thí sinh chỉ được phép đăng ký đến mã ngành, trong khi có những ngành học có nhiều chuyên ngành, hệ thống tự sắp xếp cơ hội trúng tuyển, thí sinh sẽ trúng tuyển vào chuyên ngành không mong muốn. Ví dụ, ngành Công nghệ thông tin có nhiều chuyên ngành như Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Bảo mật… khi đó, thí sinh muốn học chuyên ngành này nhưng hệ thống sắp xếp lại cho trúng tuyển chuyên ngành kia.

Về tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ cải tiến kỹ thuật so với năm trước để đơn giản hóa với thí sinh. Cơ sở đào tạo ĐH lưu ý công việc tuyển sinh lặp lại hằng năm nhưng với thí sinh, năm nào cũng là lần đầu, cũng là mới. Do đó phải rất thận trọng và tư vấn, truyền thông thật kỹ cho thí sinh.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 
 

 

Bình luận (0)