Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đảng là cuộc sống của tôi: Bài 1: Hành trình đến với Đảng

Tạp Chí Giáo Dục

Vợ chồng nhà giáo Vũ Hoàng Đoàn cùng cháu nội

Có thể nói hành trình đến với Đảng của nhà giáo Vũ Hoàng Đoàn là một câu chuyện dài. 17 tuổi cậu học sinh trường làng đã được đi học lớp cảm tình Đảng nhưng đến 34 năm sau ông mới có vinh dự đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản khi mái đầu đã điểm bạc. Dù qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, trước sau ông vẫn là người sống có lý tưởng, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giáo dục.
Những bước đường dài
Học xong lớp 7 (hết chương trình THCS), Vũ Hoàng Đoàn không còn cơ hội ra trường huyện học tiếp vì làng quê chìm dần trong đạn bom của chiến tranh. Vậy là anh lao vào hoạt động xã hội, phụ trách công tác GD thiếu niên nhi đồng của xã. Năm đó cậu bé quê Thái Thụy, Thái Bình mới 16 tuổi. Hàng ngày quên cả việc nhà, Đoàn tập hợp các em nhỏ tuổi lại để sinh hoạt, múa hát chỉ cách đồn giặc vài trăm mét. Vừa dạy chữ, Đoàn còn dạy các em biết cách giúp du kích, bộ đội diệt Pháp trừ gian. Năng nổ, nhiệt tình và công tác có hiệu quả, một năm sau chi bộ địa phương đã giới thiệu anh vào lớp cảm tình và đối tượng Đảng. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, Đảng phải hoạt động trong bí mật nên cậu thanh niên họ Vũ thật sự chưa hiểu nhiều về Đảng. Đoàn chỉ biết đó là một tổ chức do giai cấp công nhân lãnh đạo mà Cụ Hồ là người đứng đầu, chỉ mong muốn đem cơm no áo ấm cho người dân, nước nhà không còn bọn cường hào địa chủ, thực dân đế quốc áp bức. Thế nhưng đến khi xét kết nạp, hồ sơ của đoàn viên Vũ Hoàng Đoàn phải gác lại vì thiếu tuổi. Ông Đoàn kể lại: “Theo điều lệ, ngoài các tiêu chuẩn khác về phẩm chất lý tưởng, công dân Việt Nam phải đủ 18 tuổi mới được kết nạp Đảng. Nhưng năm đó tôi chỉ mới 17 tuổi nên chi bộ địa phương đành ngưng lại chờ sang năm sau”. Có thể nói đây là trục trặc đầu tiên của một thanh niên vừa mới lớn nhưng đã sớm bắt gặp lý tưởng và giác ngộ cách mạng như lời một bài thơ phổ biến thời bấy giờ: “ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim” (Tố Hữu). Năm sau khi chuẩn bị hồ sơ kết nạp thì lại gặp một “sự cố” khác nên chi bộ vẫn không thể kết nạp dù ông đã đủ tuổi. Thế nhưng không phải vì thế mà ngọn lửa cống hiến trong ông lụi tàn, lúc nào ông cũng xứng đáng là một quần chúng tích cực của Đảng. Dưới sự bảo ban của “người anh cả”, nhiều em thiếu nhi đã trưởng thành biết đi làm cách mạng để nối gót thế hệ đàn anh đi trước. Hai năm sau, một bước ngoặt mới đã đến khi ông có tên trong danh sách 30 con em cán bộ kháng chiến được tỉnh đoàn cử đi học nâng cao trình độ. Được ra vùng tự do không còn chịu cảnh đêm đêm nghe tiếng giày đinh của bọn Tây bố ráp, ai cũng thấy mình như chim sổ lồng tung cánh được bay giữa bầu trời tự do. “Nói là đi học nhưng chúng tôi không có chế độ gì cả, phải sống tự túc tự lập, chủ yếu là dựa vào dân. Ban đêm đi học để tránh máy bay địch, còn ban ngày anh em mở lớp dạy chữ cho trẻ con trong làng” – ông nhớ lại. Chưa bao giờ ông thấy tình người sâu nặng đến thế, bà con dù nghèo khổ thiếu ăn nhưng ai cũng sẵn lòng giúp đỡ học sinh xa nhà.  
Năm 1954, miền Bắc giải phóng. Ngay sau đó Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được thành lập. Học hết chương trình phổ thông, ông trở thành SV khóa đầu tiên của nền giáo dục ĐH mới XHCN. Trước khi ra Thủ Đô, ông chuẩn bị được kết nạp Đảng nhưng khi chi bộ cử người về địa phương điều tra thì lý lịch “có vấn đề”. Mặc dù lúc đó trong gia đình có người anh thứ 3 là Đảng viên, liệt sĩ chống Pháp. Vậy là chuyện vào Đảng của ông đành… gác lại một lần nữa.
Cho nhiều hơn nhận
Ba năm trước ông được cử sang Trung Quốc để đi học ở Khu lưu học xá thì bây giờ ông lại có tên trong danh sách GV sang đó giảng dạy. Tuy nhiên vài ngày sau bạn bè lại ngạc nhiên vì không thấy ông trên chuyến tàu đi sang nước bạn. Về chuyện này, nhà giáo Vũ Hoàng Đoàn cho biết lý do: “Anh Hoàng lớp tôi cũng được cử trong đợt này nhưng cô Minh Châu (vợ mới cưới của anh) lại không được đi cùng. Khi nghe anh Hoàng đề nghị hoán đổi để Minh Châu sang Nam Ninh cùng chồng, tôi liền đồng ý ngay mà không phải đắn đo gì cả và sau đó đôi vợ chồng trẻ đã toại nguyện”. Không ít người thắc mắc sao ông lại dại dột bỏ một suất ra nước ngoài như vậy? Nhưng riêng ông chỉ nghĩ một điều đơn giản: “Mình đi đâu mà chẳng được hơn nữa như thế mới có dịp giúp người khác”. Ngay cả sau này khi được điều động về TP. Hải Phòng dạy một trường trung cấp sư phạm vừa mới thành lập dù đã “an cư lạc nghiệp” ở Trường cấp 2 Ninh Giang (Hải Dương) ông vẫn không một lời thoái thác. Bạn bè đồng nghiệp thường bảo: ông là người thích cho hơn nhận, chịu phần thiệt về mình để giúp người khác. Về trường mới, ngoài đứng lớp thầy giáo Đoàn lại lao vào các hoạt động phong trào. Thế nhưng con đường đến với Đảng của người Bí thư chi đoàn GV vẫn cứ xa, đi hoài đi mãi mà chẳng tới đích. “Lần đó tổ chức lại đưa hồ sơ về địa phương thẩm tra một lần nữa. Thành ủy công nhận nhưng đảng bộ trực tiếp là thị ủy Kiến An lại không đồng ý. Thế là một lần nữa hồ sơ của tôi bị gác lại” – Ông cho biết lý do. Mãi đến năm 1984 khi đã vào miền Nam công tác, thầy giáo Trưởng khoa xã hội Vũ Hoàng Đoàn mới chính thức trở thành Đảng viên trẻ của chi bộ Trường CĐSP Đồng Tháp kết thúc một quá trình phấn đấu trong suốt 34 năm. 
Đến bây giờ ông có thể tự hào vì trong 6 anh em trai có 5 người là Đảng viên chưa kể 4 người anh rể cũng sinh hoạt trong các chi bộ Đảng. So với nhiều người khác, đúng là thời gian thử thách của ông quá dài nhưng có một điều may mắn là chưa bao giờ ông “bỏ cuộc”. Vì theo ông, chỉ cần sống thật tốt, hoàn thành mọi công tác mà Đảng giao dù đứng trong hay là ngoài đội ngũ của giai cấp công nhân. Cho đến khi đã là một Bí thư chi bộ ông vẫn nhớ câu nói của đồng chí Trần Xướng – Nguyên trưởng ban khoa giáo TW: “Việc phấn đấu vào Đảng là của các đồng chí còn việc kết nạp hay không là của Đảng”. Tâm niệm điều đó nên chưa bao giờ trong đầu ông vướng một chút bất mãn hay tự ái để rồi lúc nào Đảng luôn là lẽ sống soi rọi những bước đi trong cuộc đời dạy chữ và dạy người của một thầy giáo đức độ.
Bài, ảnh: HƯƠNG THỦY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)