Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đảng là cuộc sống của tôi: Bài 3: Hoa giữa đời thường

Tạp Chí Giáo Dục

Lê Thị Thu Loan (trái) đang tiếp dân tại Ban điều hành KP

Người nữ Đảng viên Lê Thị Thu Loan (Trưởng ban điều hành KP2, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức – TP.HCM) có một niềm tự hào lớn lao là được sinh ra và lớn lên tại quê hương Đồng Khởi – Bến Tre. Truyền thống cách mạng từ trong gia đình là mạch sống đã nuôi dưỡng cô gái xứ dừa khôn lớn và biết đi theo lý tưởng của Đảng quang vinh.
Ký ức màu đỏ thắm  
Thu Loan không thể nào quên ngày ba mình bị giặc Mỹ giết hại. Lúc đó cô bé huyện Mỏ Cày tuổi còn nhỏ xíu, chưa biết đến trường đi học. Dù không chứng kiến tận mắt nhưng mỗi lần nghe má và các chú kể lại, Loan cứ rơm rớm nước mắt. Năm 1969, sau cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân, kẻ thù tìm cách tiêu diệt Việt cộng đến cùng, nhất là các vùng căn cứ cách mạng như Bến Tre. Trong một trận càn do chống trả quyết liệt nên ông Lê Văn Dực (ba của Loan) đã bị sát hại. Trước khi rút lui bọn chúng dã man đạp xác người cán bộ Trưởng ban kinh tài thuộc Tỉnh đội Bến Tre xuống con mương sát ngay gốc cây vú sữa, phải chờ đến chiều má và ông bà nội Loan mới đến lấy được thi thể về chôn cất sau vườn. Chị Loan xúc động kể: “Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì vài năm sau 2 dượng rể cũng hy sinh trong khi đi công tác. Gửi 5 người con về cho bà ngoại, mẹ tôi tiếp tục hoạt động để tìm cách trả thù cho ba. Trong khi chị gái đi tòng quân, các anh trai phụ giúp mẹ làm tròn công tác binh vận thì tôi lại thường chèo xuồng chở mẹ đi đến các cơ sở. Ban đêm khi có dân quân du kích về mẹ tôi lại vội lấy ghe chở các chú qua con sông nhỏ để khỏi ướt súng và vũ khí”. Tuy dáng người mảnh mai, gầy gò nhưng Loan có tay chèo khỏe, luồn hết vàm sông này đến con rạch nọ nhưng ít khi mẹ thấy con gái mình biết mệt. Bọn địch dần dần cũng không xa lạ gì 2 mẹ con bà bán trầu mỗi ngày đi qua bót Cầu Ông Điều để ra chợ. Chúng đâu biết rằng mỗi người dân nơi đây là một chiến sĩ hợp thành một khối làm nên lũy thép kiên cường ngay trong lòng địch. Chính vỏ bọc đó mà 2 mẹ con đã che được những cặp mắt dòm ngó của quân thù, kể cả những lúc khó khăn nhất. Nhờ trực tiếp thuyết phục binh sĩ và nhất là thông qua gia đình, người thân của họ mà công tác binh vận càng ngày càng đem lại hiệu quả cao góp phần làm nên chiến thắng trong đấu tranh võ trang của lực lượng bộ đội địa phương các cấp.
So với các anh chị trong gia đình, Loan là người nhiều may mắn nhất. Khi chị biết cắp sách đến trường cũng là lúc đất nước được thống nhất. Những dòng chữ đầu tiên được viết vào cuộc đời ngập tràn tự do độc lập. Quê hương được giải phóng rồi nhân dân trở về xây dựng cuộc sống mới trong đó rất cần bàn tay của sức trẻ. Được tham gia công tác Đoàn thanh niên, Thu Loan càng hăng hái hơn. “Nối nghiệp” mẹ, chị được các chú giao công tác vận động thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự. Lúc đầu cứ tưởng gian nan, không ngờ cuối cùng Loan cũng làm tốt và còn được các chú khen hoài. Loan đã được các cô chú dìu dắt để vinh dự đứng vào đội ngũ của những người cộng sản lúc tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Cũng trong thời gian này một hạnh phúc đến với cô khi được Tỉnh đoàn cử ra Thủ Đô tham gia dự lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình nhân dịp Ngày Quốc khánh 2-9-1985. Nói sao hết cảm xúc của một cô gái miền Tây Nam bộ, khi lần đầu tiên ra Hà Nội được đi xe lửa và ngồi trên máy bay.
Cành non và bóng mát  
Chuyến đi đã cho chị có thêm vòng tay bè bạn từ mọi miền quê với nhiều giọng nói khác nhau. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là khoảnh khắc “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác” để thỏa lòng mong nhớ của người con Nam bộ với vị Cha già dân tộc. Càng vinh dự hơn khi chị được bà Nguyễn Thị Định – nguyên Phó chủ tịch nước thăm hỏi ân cần và truyền cho hơi ấm khi cô Ba quàng chiếc khăn vào cổ của chị. Đó là một hình ảnh đẹp về 2 thế hệ “đội quân tóc dài” đã từng làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía và tạc nên dáng đứng lịch sử của con người xứ dừa trung dũng, kiên cường. Trong giây phút linh thiêng này, người nữ Khối trưởng tiểu đoàn nữ tự vệ Bến Tre cũng không quên những giọt nước mắt cảm động của cô Ba khi đứng trên lễ đài vẫy chào đoàn diễu binh của tỉnh nhà. 
… “Thuyền theo lái gái theo chồng”, khi có gia đình chị đã chuyển lên TP.HCM sinh sống. Chỉ sau một thời gian bị đứt quãng vì thiên chức của một người phụ nữ, chị lại nhớ cồn cào những tháng ngày tuổi trẻ của mình. Thế là vừa rảnh tay một chút chị bắt đầu “bắc lại nhịp cầu” dang dở của người cán bộ đoàn năm xưa. Nếu trước đây Loan là một nữ cán bộ đoàn năng nổ, xốc vác thì bây giờ chị đã trở thành một người lãnh đạo trong Ban điều hành KP2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức từng trải, chín chắn và riêng lòng nhiệt tình thì vẫn như xưa. 10 năm là Trưởng ban điều hành khu phố biết bao công việc chị xắn tay vào làm để có một cuộc sống yên bình cho người dân nơi đây khi các tệ nạn xã hội vẫn còn rình rập đâu đó nếu không kịp thời ngăn chặn. “Khu phố 2 là địa bàn trung tâm của phường có nhà ga và chợ Bình Triệu, nhiều trường học nên tình hình an ninh trước đây tương đối phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự có sự gắn kết với ủy ban phường, sự hỗ trợ của các đoàn thể nên chúng tôi có được nhiều chỗ dựa vững chắc khi điều hành các hoạt động trong khu phố. So với các KP khác, KP2 là địa bàn ít có trọng án nhất”- chị Loan bộc bạch. Chị cũng cho biết, công tác Đảng ở KP cũng có những đặc thù riêng, các cán bộ lão thành cách mạng đã trở thành lực lượng nòng cốt trong chi bộ như cây cổ thụ che bóng mát cho những cành non có thêm nhựa sống để dâng hiến hương thơm và quả chín cho đời. Hình ảnh của người nữ đảng viên trẻ càng làm cho bà con khu phố hiểu được lẽ sống, Đảng với cuộc đời như cây với hoa, hương thơm của hoa cũng nảy ra từ gốc cội vững bền đó. Như một bông hoa nhỏ giữa đời thường chị góp thêm chút hương sắc để cuộc sống này thêm đẹp hơn.
Bài, ảnh: HƯƠNG THỦY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)