Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Đằng sau sự tẩy chay bảng xếp hạng các trường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Trường luật của ĐH Yale và ĐH Harvard thông báo rút khỏi bảng xếp hạng của US News được coi là "cú sốc" lớn đối với ngành xếp hạng trường học.

Theo bảng xếp hạng của US News, trường Luật, ĐH Yale, đứng vị trí số một trong nhiều năm. Ảnh: New York Times.

Các trường cao đẳng và đại học chỉ trích hệ thống xếp hạng của US News trong nhiều thập kỷ, cho rằng nó không đáng tin cậy và làm sai lệch các ưu tiên giáo dục.

Tuy nhiên, các trường hiếm khi hành động để ngăn chặn việc đó. Thậm chí, hàng năm, họ luôn gửi dữ liệu của trường để đánh giá về các chương trình đại học và sau đại học.

Hiện tại, cả 2 trường Luật của ĐH Yale và ĐH Harvard đều tuyên bố không hợp tác cùng US News.

Trong 2 thông báo riêng biệt được đăng trên trang web nhà trường, 2 vị hiệu trưởng chỉ trích US News sử dụng phương pháp đánh giá được cho là làm giảm giá trị nỗ lực của các trường trong việc nhận sinh viên có thu nhập thấp, thuộc tầng lớp lao động và hỗ trợ những người muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công.

Khó có khả năng lật đổ

Ông John F. Manning, Hiệu trưởng trường Luật, ĐH Harvard, khẳng định trường đại học không thể thỏa hiệp các nguyên tắc và phương pháp mà bảng xếp hạng của US News phản ánh.

Hai vị hiệu trưởng cho biết nhà trường quyết định rút khỏi bảng xếp hạng sau khi họ và một số trường khác trực tiếp bày tỏ quan ngại của mình với US News nhưng bị từ chối.

US News đã thờ ơ trước hành động của trường Luật, ĐH Yale, nói rằng họ có “sứ mệnh đảm bảo các trường luật phải chịu trách nhiệm về nền giáo dục mà họ sẽ cung cấp”.

Trước câu hỏi liệu US News có tiếp tục xếp hạng 2 trường nói trên hay không, ông Eric Gertler – CEO US News – cho biết tổ chức này đang xem xét các lựa chọn.

Tuy nhiên, sau khi trường Luật, ĐH Harvard, ra thông báo, giọng điệu US News trở nên hòa hoãn hơn.

“Chúng tôi đồng ý điểm đánh giá không nói lên toàn bộ câu chuyện của một trường và các trường luật tự đưa ra quyết định về nhóm ứng viên dựa trên sứ mệnh của họ”, US News cho biết.

Được biết, Hiệp hội Luật sư Mỹ vẫn yêu cầu các bài đánh giá tiêu chuẩn đối với hầu hết trường luật. US News cho rằng bảng xếp hạng chỉ là một sự khởi đầu, không phải là câu trả lời. Nhiệm vụ của tổ chức này là cung cấp dữ liệu về các trường đại học cho các sinh viên tương lai và gia đình của họ.

Việc rút lui của các trường “nặng ký” như Yale và Harvard không có khả năng lật đổ ngành công nghiệp xếp hạng.

Theo đó, chỉ các trường luật rút khỏi bảng xếp hạng. Dù US News không được các trường cung cấp dữ liệu của riêng, tổ chức này vẫn có thể đánh giá qua các dữ liệu công khai.

Ông Robert Schaeffer, Giám đốc giáo dục công của FairTest (một nhóm bài trừ thi cử), cho biết hành động của trường Luật, ĐH Yale, không có khả năng làm thay đổi hành vi tìm kiếm lợi nhuận của US News, trừ khi lượng lớn các trường có thương hiệu nổi tiếng khác làm theo.

be boi bang xep hang anh 1

US News vẫn có thể xếp hạng trường Luật, ĐH Harvard, thông qua dữ liệu công khai, dù trường này rút khỏi bảng xếp hạng. Ảnh: New York Times.

Chỉ trích

Bảng xếp hạng đã ăn sâu vào văn hóa giáo dục đại học (dù hàng năm vẫn nhiều trường chê bai chúng), các sinh viên tương lai có một vài cách khác có vẻ khách quan, dựa trên dữ liệu để đánh giá các trường học.

Ngoài ra, bảng xếp hạng được cho rằng có ý nghĩa hơn đối với các trường xếp hạng thấp hơn khi thường quảng cáo nổi bật và phụ thuộc vào bảng xếp hạng để thu hút sinh viên, hơn là các trường nằm trong top 10, thậm chí top 30 (những trường có danh tiếng và thương hiệu được thiết lập tốt).

Trường Luật, ĐH Yale, đứng vị trí số một trong bảng xếp hạng trường luật năm nay, tiếp theo là ĐH Stanford, ĐH Chicago, sau đó là ĐH Columbia và Harvard cùng xếp thứ 4.

Nhiều người chỉ trích bảng xếp hạng, nói rằng dữ liệu có thể dễ dàng bị thao túng và chỉ ra những nghi ngờ trong năm nay đối với dữ liệu của ĐH Columbia.

Vào mùa hè năm nay, ĐH Columbia thông báo họ sẽ không tham gia vào bảng xếp hạng các trường đại học quốc gia nữa, đồng thời cho biết họ đang xem xét dữ liệu của mình sau khi một giáo sư toán học đặt câu hỏi về tính chính xác của nó.

Cuối cùng, ngôi trường này đã thừa nhận một số dữ liệu của họ không chính xác, bao gồm quy mô lớp học và tỷ lệ giảng viên có bằng cấp cao nhất trong lĩnh vực của họ.

US News vẫn giữ ĐH Columbia trong bảng xếp hạng nhưng tụt xuống vị trí thứ 18 .

Trong 3 thập kỷ qua, trường Luật, ĐH Yale, luôn là trường được xếp ở tốp đầu trong danh sách của US News. Tuy nhiên, bà Heather K. Gerken cho biết thứ hạng này luôn là điều băn khoăn khi bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với tư cách hiệu trưởng.

Trước câu hỏi tại sao lại lo lắng khi Yale ở vị trí số một, bà Gerken cho biết không hề lo lắng về nhà trường, mà là về giáo dục pháp luật và nghề nghiệp.

Trong thông báo của mình, bà Gerken gọi bảng xếp hạng US News vì lợi nhuận và thương mại. Bà cho rằng phương pháp đánh giá của US News không đủ trọng lượng cho các chương trình của Yale, như hỗ trợ sự nghề nghiệp, vì lợi ích cộng đồng, chào đón sinh viên thuộc tầng lớp lao động… Kết quả của US News làm lệch thứ hạng của các trường luật đề cao công việc đó.

Theo bà Gerken, 20% xếp hạng tổng thể của một trường luật đến từ điểm LSAT/GRE trung bình và điểm GPA. Thước đo nặng nề này đặt ra áp lực lớn đối với các trường học khi phải bỏ qua sinh viên có triển vọng, đặc biệt những em không đủ khả năng chi trả cho các khóa luyện thi đắt tiền.

"Nó cũng thúc đẩy các trường sử dụng hỗ trợ tài chính để tuyển sinh viên đạt điểm cao – số tiền đó có thể được chuyển thành học bổng cho sinh viên có thu nhập thấp", bà Gerken nói.

Ngoài ra, bảng xếp hạng gây hiểu lầm trong cách các trường mô tả tỷ lệ việc làm của sinh viên luật sau khi tốt nghiệp – thước đo quan trọng đối với những sinh viên ý thức việc phải bắt đầu kiếm tiền để trả các khoản vay sinh viên.

“Yale trao nhiều suất học bổng vì lợi ích cộng đồng cho mỗi sinh viên hơn bất kỳ trường đại học nào. Dù các học bổng có tính chọn lọc và mức chi trả lớn, US News dường như đánh giá thấp những cơ hội này, đến mức những sinh viên tốt nghiệp được phân loại là thất nghiệp”, bà Gerken nói, đồng thời nhận định các số liệu cũng làm giảm giá trị của những sinh viên muốn theo đuổi bằng cấp sau đại học.

Ông John F. Manning cho biết phương pháp xếp hạng của US News có thể tạo ra những khuyến khích sai lầm, ảnh hưởng đến quyết định theo học của sinh viên và gây tổn hại đến lợi ích của người học.

Theo đó, thước đo nợ được US News áp dụng cách đây 2 năm có vẻ phản ánh mức nợ thấp hơn khi tốt nghiệp, do nhận được mức hỗ trợ tài chính lớn. Tuy nhiên, số liệu này cũng có nghĩa là một trường luật thừa nhận nhiều sinh viên có đủ nguồn lực để vay mượn.

Trong phạm vi số liệu nợ tạo ra động cơ để các trường tiếp nhận những sinh viên có nguồn lực tốt hơn (những người không cần vay), điều đó có nguy cơ gây hại cho những sinh viên mà nhà trường đang cố gắng giúp đỡ.

Hiện tại, nhiều trường luật đang nỗ lực loại bỏ bài kiểm tra bắt buộc để được nhận vào trường, nhưng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Bên cạnh đó, hàng chục trường luật đã ngừng sử dụng LSAT và thay thế nó bằng GRE. Cả hai đều là một phần trong nỗ lực tăng cường nhập học cho sinh viên có thu nhập thấp và sinh viên da màu.

Trước hành động của trường luật ĐH Yale và ĐH Harvard, một số trường đại học trong top 10 cũng có động thái. Trường Luật, ĐH Pennsylvania, hoan nghênh hành động nói trên, thông tin rằng ĐH Pennsylvania đang “đánh giá vấn đề này” nhưng không nhắc đến việc tham gia ngay lập tức.

ĐH Columbia và ĐH Chicago từ chối bình luận. Lãnh đạo ĐH New York cho biết họ đã nắm được thông tin về hành động của Harvard và Yale nhưng chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về vấn đề này.

Ngọc Bích/Zingnews (Theo New York Times)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)