Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đằng sau vấn đề đổi mới phương pháp dạy và học môn ngữ văn hiện nay

Tạp Chí Giáo Dục

Còn nhiều điều để suy ngẫm
Đổi mới phương pháp dạy và học là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục trong những năm gần đây. Đặc trưng của phương pháp này là lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên đóng vai trò là người dẫn dắt, gợi mở vấn đề để học sinh tìm hiểu đối tượng.
Tuy nhiên hiện nay có một số giáo viên vì không nắm được hay không hiểu phương pháp dạy và học này đã vô tình biến nó thành “nỗi khổ” cho mỗi giờ học của học sinh, nhất là những môn KHXH, mà cụ thể là môn ngữ văn. Các thầy cô đã “lạm dụng” phương pháp này và tuyên bố thẳng thừng với học sinh là các em phải tự ghi, thầy cô chỉ có nhiệm vụ giảng mà thôi. Đúng là học phương pháp này học sinh phải tự ghi nhưng giáo viên phải hệ thống kiến thức cho học sinh bằng những đề mục cụ thể để học sinh nắm bắt được vấn đề. Còn như giảng “tràng giang đại hải” thì đối với học sinh THPT các em chưa theo dõi kịp huống gì học sinh THCS, và có nhiều em học sinh đã than phiền như thế. Ở đây chúng ta còn chưa nói đến vấn đề đặt câu hỏi gợi mở để các em phát hiện và suy ngẫm. Đây là điều rất khó.
Chẳng hạn, có một thầy giáo dạy khối THPT, khi giảng đến khổ thơ cuối trong bài Tràng giang của tác giả Huy Cận đã đặt câu hỏi “gợi mở” như thế này: hình ảnh “Chim nghiêng cánh nhỏ” các em thấy gì? Học sinh có em thì ngơ ngác nhưng có em cũng rất vô tư mà hăng hái: Thưa thầy: “Chim nghiêng cánh nhỏ” thấy cái lông, nếu dỡ lên thì thấy cái phao câu chim ạ! Thầy liền trách: các em hiểu thơ văn sao trần trụi thế? Ấy, lỗi đó đâu phải do học sinh mà vì giáo viên đặt câu hỏi không hợp lý, chưa gợi mở cho học sinh ấy chứ! Như vậy dạy theo phương pháp mới là việc không dễ chút nào. Nếu thầy cô dạy tốt thì kết quả mang lại rất cao và bằng ngược lại làm cho các em càng chán học môn ngữ văn, bỏ bê, sa sút. Thầy cô càng chán nản, thôi thì trách nhiệm, bổn phận cứ dạy cho xong còn việc học là của chúng nó. Nếu như thế thì vô tình thầy cô mắc căn bệnh rất phổ biến trong xã hội hiện nay là “bệnh vô cảm” và đồng thời uy tín của người thầy cũng giảm đi rất nhiều.
B.L

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)