Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dang tay bảo bọc học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những ngày dịch COVID-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều giáo viên, nhà trường đã không ngại nguy hiểm của dịch bệnh, lặng lẽ dang tay bảo bọc học trò.


Hiệu trưởng Trường THCS An Phú (TP.Thủ Đức) vào vùng đỏ đưa SGK đến học sinh

Những gói thuốc F0, những gói an sinh thực phẩm, phương tiện học trực tuyến, thậm chí cả những quyết sách “chưa từng có” đã được nhiều nhà trường đưa ra, kịp thời hỗ trợ học sinh khó khăn, học sinh mồ côi do dịch COVID-19.

Lá thư đặc biệt từ Bệnh viện Dã chiến

“Những ngày nằm trong Bệnh viện Dã chiến số 11 con được mẹ báo tin là gia đình đã được các mạnh thường quân hỗ trợ học phí, con thấy rất vui và xúc động, con có thêm động lực để chiến thắng COVID… Khi đã được các bác hỗ trợ tiền học phí thì bố mẹ con sẽ không lo nghĩ nhiều về điều đó nữa và sẽ yên tâm cho chị em con học tập…”.

Dòng chữ non nớt, con chữ có phần run rẩy được Đoàn Khuê Anh (học sinh lớp 7A1, Trường THCS Lữ Gia, Q.11) gửi từ Bệnh viện Dã chiến đến cô hiệu trưởng và mạnh thường quân nhà trường ngay trong ngày được ra viện sau thời gian điều trị COVID-19.

Trong đợt dịch COVID-19 tại TP.HCM vừa qua, cả gia đình Khuê Anh đều không may nhiễm bệnh và được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 11. Khoảng thời gian bão tố đó, cùng sự săn sóc của y bác sĩ, chính sự sẻ chia, tâm tình, động viên về cả tinh thần và vật chất của giáo viên, nhà trường đã là liều thuốc trị liệu hiệu quả giúp gia đình Khuê Anh vượt qua dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường.

Thư của Khuê Anh chỉ là một trong rất nhiều lá thư đặc biệt, của “những học trò đặc biệt” gửi đến Trường THCS Lữ Gia trong những ngày TP.HCM là tâm dịch. Đó còn là những lá thư được gửi đến từ những học sinh nghèo, học sinh mồ côi, học sinh trong khu phong toả sau khi nhận những quan tâm, săn sóc kịp thời từ nhà trường.


Sau nhiều ngày “truy tìm”, giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh) đã tìm được học sinh khó khăn để trao tặng thiết bị học trực tuyến

Cô Nguyễn Thuỵ Ái (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, khi thống kê về số học sinh nhà trường chịu tổn thương do dịch COVID, cô thực sự “sốc” trước con số mà GVCN báo về: 95 học sinh F0, 4 học sinh mồ côi và hàng chục học sinh khó khăn do ba mẹ mất việc. Ngay lập tức các chiến dịch huy động giúp đỡ học sinh đã được xây dựng, triển khai.

Nhà trường đến thăm hỏi, động viên học sinh; kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ tiền ăn học, bảo trợ đỡ đầu cho học sinh F0, học sinh mồ côi; tặng thiết bị học trực tuyến, BHYT cho các em… Hơn 130 triệu đồng đã được gửi đến học sinh qua nhiều hình thức.

“Trong những lá thư cảm ơn, học sinh chia sẻ rằng bản thân, gia đình đã khoẻ lại, đã vượt qua khó khăn từ chính những món quà được nhà trường gửi tặng. Các em hứa sẽ cố gắng học hành, trở thành người công dân tốt giúp đỡ mọi người. Đây là sự động viên rất lớn để thầy cô thêm cố gắng. Món quà nhỏ về tình yêu thương, sự bảo bọc trao đi nhưng lại mang đến những thanh âm, dạy học trò về tình yêu thương, sẻ chia, sống vì người khác, giáo dục các em dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn không ngừng hy vọng, nỗ lực…”, cô Ái xúc động.

“Em là F0 cô cũng đến”!

Đầu năm học cũng là lúc TP.HCM siết chặt giãn cách phòng, chống dịch. Để sách giáo khoa (SGK), thiết bị học trực tuyến kịp thời đến được tay học sinh khi đó là sự nỗ lực rất lớn của các nhà trường, giáo viên. Nhiều thầy cô đã không ngần ngại trước nguy cơ nhiễm bệnh, lăn xả vào vùng đỏ, đến với học sinh.

Tại Trường THCS An Phú (TP.Thủ Đức), hiệu trưởng và một số giáo viên đã tình nguyện làm shipper giao SGK đến tận nhà cho học sinh, để phụ huynh bớt phần nào chi phí vận chuyển và cũng là cách động viên phụ huynh, học sinh trong những ngày tháng dịch bệnh khó khăn. Nhiều trong những bộ sách đó được dành tặng học sinh khó khăn.

Nhớ lại những ngày xông pha, cô Mai Thị Thu (Hiệu trưởng nhà trường) vẫn chưa hết bồi hồi. Cô cho biết, chỉ riêng việc tìm số nhà học sinh đã khó, lại thêm đường nhiều chốt chặn dân sinh là những “hàng rào cứng”, vừa đi vừa dò hỏi đường. Nhiều khi đến nơi, điện thoại cho phụ huynh lại không liên lạc được vì cả nhà đã đi cách ly điều trị COVID-19.

“Có khi khu học sinh ở là nhà trọ, tổ trưởng dân phố thông tin có tới 45% người trong khu là F0 không triệu chứng, thậm chí cả học sinh phụ huynh cũng là F0. Học sinh, phụ huynh nhắn: thôi cô đừng vào nguy hiểm lắm. Nhưng mà mình mặc đồ bảo hộ kín mít rồi, đến nơi rồi thì phải vào với học sinh. Sách đặt ngoài cửa, học sinh vẫy tay, cúi đầu chào, thầy cô vẫn tay lại, giơ dấu tay động viên các em cố gắng…, thương trào nước mắt”, cô Thu nghẹn ngào.

Nhiều hôm trên đường giao sách, trời đổ mưa bất chợt, những người thầy, cô vẫn lặng lẽ đội mưa chở sách đến học sinh cho kịp năm học mới. “Đơn sách thì nhiều mà đội ngũ chỉ có vài ba người, không vội là không kịp, tấm áo mưa duy nhất được nhường cho thùng sách cao ngất, “thà cô ướt chứ không để sách của học trò ướt””.


Giáo viên Trường THCS Lữ Gia (Q.11) trao điện thoại đến học sinh trong khu phong toả

Đầu tháng 9, 4 giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh) được chia thành 4 mũi, rong ruổi các ngả đường giao SGK cho học sinh. Hành trình đưa SGK trong những ngày giãn cách, theo cô Hứa Thị Diễm Trâm (Hiệu trưởng nhà trường) là “vất vả vô cùng”.

“Mỗi giáo viên đi một hướng nên phải tự tìm đường, tự liên hệ, có khi do chở SGK không quen, xe nghiêng ngả ngã, dựng xe lên lại đi tiếp, một ngày chở từ sáng đến sẩm tối. Lúc đó, đến với học trò chỉ bằng tình yêu thương, bảo bọc…”.

Thậm chí, nhà trường phải ngược xuôi “truy tìm” vài ngày mới gặp được học sinh khó khăn để trao tặng điện thoại thông minh, SGK giúp các em học trực tuyến. Nhiều học sinh gia đình ở trọ nên địa chỉ lưu trú thay đổi liên tục, thầy cô rất khó khăn khi tiếp cận.

“Nhất là những học sinh đầu cấp mới chuyển từ bậc tiểu học lên, giáo viên phải liên hệ ngược lại với trường tiểu học, với GVCN cũ để tìm hiểu, xác minh, xin địa chỉ nhà trọ mới. Chỉ khi trao tặng điện thoại, SGK đến tận tay các em thầy cô mới thở phào nhẹ nhõm, như vừa cởi bỏ được nỗi băn khoăn đè nặng lồng ngực”, cô Trâm nhớ lại.

Các quyết sách chưa từng có

Giữa tháng 9, một buổi họp phụ huynh “đặc biệt” đã được Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) tổ chức theo hình thức trực tuyến cho phụ huynh toàn trường. Buổi họp không thông tin về các khoản thu mà chỉ để lắng nghe những tâm tình, giãi bày của phụ huynh và cùng ngồi xuống tháo gỡ.

Toàn trường có 5 học sinh mồ côi do dịch COVID, 11 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay sau buổi họp, kế hoạch chăm lo cho các em đã được trường xây dựng, hàng loạt các quyết sách “chưa từng có” đã được đưa ra, đồng hành với học sinh cho đến khi tốt nghiệp.

Với học sinh mồ côi, trường thực hiện miễn 100% học phí chính khóa, 100% phí mô hình trường tiên tiến hội nhập; Thực hiện chương trình học bổng 6-1 (6 phụ huynh cùng lo cho 1 học sinh với 500.000 ngàn đồng/phụ huynh/tháng); Hỗ trợ chương trình ngoại khóa; Tặng cặp, sách, tập cho học sinh. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường miễn 100% học phí; Tùy vào hoàn cảnh được xem xét giảm phí mô hình từ 25%- 100%; Vận động quỹ khuyến học tặng học bổng cho học sinh.

Cùng với các quyết sách nhân văn, những chuyến xe chở nhu yếu phẩm, thuốc F0 của trường cũng đã “lăn bánh” đến với từng gia đình học sinh khó khăn, học sinh F0 trong những ngày giãn cách.

“Đây là các quyết sách chưa từng có, nhưng nhận được sự ủng hộ, chung tay của tất cả giáo viên, phụ huynh nhà trường. Các quyết sách đưa ra không chỉ nhằm chia khó với học sinh, phụ huynh mà còn là sự động viên, xoa dịu kịp thời những mất mát của các em và gia đình, để các em tiếp tục nỗ lực cố gắng, tin yêu vào cuộc sống”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trường nhà trường) bày tỏ.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)