Hội nhậpThế giới 24h

Đánh bom đẫm máu tại Iraq, gần 200 người thương vong

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 20 quả bom đã đồng loạt phát nổ tại nhiều thị trấn và thành phố ở Iraq trong ngày 19/4 khiến gần 200 người thương vong và làm dấy lên lo ngoại về nguy cơ tái bùng phát bạo loạn sắc tộc tại quốc gia Trung Đông đầy bất ổn này.
Các nhân viên an ninh kiểm tra hiện trường một vụ đánh bom xe ở thành phố Kirkuk, cách thủ đô Baghdad 250km.
Các quan chức an ninh cho biết làn sóng đánh bom xảy ra tại 7 tỉnh thành lớn của Iraq, gồm thủ đô Baghdad, thành phố Kirkuk, tỉnh Salaheddin, tỉnh Anbar ở phía Tây và các tỉnh Samarra, Baquba, Mosul, Taji ở miền Bắc.
Thủ đô Baghdad là nơi hứng chịu làn sóng tấn công phối hợp đẫm máu nhất khi có tới 4 xe bom và 2 quả bom cài đường phát nổ gần như đồng thời tại các khu vực có đông người Shi’ite sinh sống làm 15 người thiệt mạng và 61 người bị thương. Trong số này có một xe bom phát nổ nhằm vào đoàn xe của Bộ trưởng Y tế làm 4 nhân viên bảo vệ bị thương nhưng rất may bộ trưởng thoát nạn.
Tại thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk ở miền Bắc, 2 xe bom và 3 quả bom cài đường cũng phát nổ nhằm vào lực lượng cảnh sát và nhóm binh sĩ đi tuần làm 8 người chết và 26 người bị thương.
“Trong khi tôi đang cố gắng dừng các phương tiện qua lại để nhường đường cho toán cảnh sát đi tuần thì bất chợt một xe bom phát nổ. Tôi ngã xuống và sau đó không biết gì nữa”, một nhân viên cảnh sát cho biết trong tình trạng bị thương tích đầy mặt và cổ.
Trong khi đó, tại vùng Samarra thuộc tỉnh Salaheddin cũng xảy ra các vụ đánh bom làm 3 người thiệt mạng.
Các vụ đánh bom càng làm xoáy sâu tình hình căng thẳng giữa các thành viên người Shi’ite, Sunni và người Kurds trong chính phủ liên minh mong manh của Iraq, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái bùng phát bạo loạn sắc tộc có thể đẩy Iraq tới bờ vực nội chiến như cách đây vài năm.
Theo thống kê không chính thức, tình hình bạo lực tại Iraq tuy có ít hơn so với thời điểm xung đột đỉnh cao năm 2006–2007, song các vụ đánh bom và sát hại vẫn diễn ra gần như hàng ngày, chủ yếu nhằm vào các khu vực có đông người Shi’ite sinh sống và lực lượng an ninh chính phủ.
Đặc biệt, bạo lực có xu hướng tăng mạnh sau khi chính phủ do người Shiite chiếm đa số của Tổng thống Nouri al-Maliki cách chức Phó Thủ tướng Saleh al-Mutlaq và phát lệnh bắt giữ Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi hồi tháng 12 năm ngoái. Cả Phó Thủ tướng Mutlaq và Phó Tổng thống Hashemi đều là các chính khách theo dòng Sunni.
Những người chỉ trích cho rằng chính phủ của Thủ tướng Maliki đang tìm cách loại bỏ các quan chức dòng Sunni nhằm từng bước tiến tới việc thâu tóm quyền lực.
Theo Vũ Anh (Dân trí / Reuters, AFP)

 

Bình luận (0)