Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Danh” của “kẻ sĩ” và nghĩ về triết lý giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉnh Nam Định chủ trương không tuyển sinh viên ngoài công lập làm công chức nhà nước đang vấp phải những phản ứng gay gắt từ xã hội.

 Đó là một quyết định trái luật, mang nội dung tẩy chay (nếu không muốn nói là kỳ thị) trường “ngoài công lập”, đi ngược lại với chủ trương xã hội hóa giáo dục, …
Nhiều độc giả cho rằng tuyển công chức ở Nam Định thể hiện sự phân biệt đối xử giữa các sinh viên Công lập và Dân lập
Ở góc độ khác, chúng ta thấy rằng xã hội thật sự đang thiếu những “tiêu chuẩn” đúng nghĩa để đánh giá chất lượng như tiêu chuẩn của một trường đại học chân chính (không thương mại hóa), tiêu chuẩn đầu ra cho quá trình đào tạo …
Dường như không được như kỳ vọng của những nhà quản lý giáo dục. Nhà nước (và một bộ phận không nhỏ của xã hội) thật sự đang thiếu chuẩn để chọn người thật sự tài giỏi. Chúng ta hoàn toàn có thể đổ lỗi “cuộc khủng hoảng” cho nền giáo dục. Vì giáo dục có trách nhiệm đi trước sự phát triển của xã hội. Nhưng thực tế là nền giáo dục của chúng ta đang thiếu một triết lý dẫn dắt sự phát triển.
Danh và thực
Trước hết, mọi sự phát triển luôn cần một triết lý để định hướng, cách đây vài năm cuộc tranh luận về triết lý giáo dục sôi nổi trên các diễn đàn, chưa ngã ngủ nhưng tranh luận đó ngày càng đi vào quên lãng nhường chỗ cho một loạt các vấn đề thời sự khác của giáo dục.
Bất kỳ một người trong ngành đều nhìn thấy rằng, giáo dục đại học nói riêng và cả nền giáo dục nói chung đang thiếu một sức sống hay nói đúng hơn là đang thiếu một “linh hồn”. Linh hồn mang ý nghĩa là sức mạnh tinh thần vượt lên trên, lên trước hiện thực, định hướng cho hiện thực, lôi kéo hiện thực vượt qua “hoàn cảnh có vấn đề” và hơn hết là giúp con người giải phóng “những năng lực sẵn có” của mình.
Câu chuyện thực tế được bắt đầu từ tiểu học, sau mỗi lần cải cách, phụ huynh học sinh lại sắm cho con mình chiếc cặp … to hơn. Chiếc cặp đó nặng đến nỗi mà các em không thể vác nó mà … kéo lê nó, mỗi buổi đứa trẻ đến trường cứ như sắp lên máy bay sang nước ngoài vậy.
Câu chuyện cũng tương tự đối với trung học. Lên đến đại học, người học như viết tiếp câu chuyện không hồi kết mang tựa đề lý thuyết. Vì thế, học sinh Việt Nam rất giỏi lý thuyết. Cô đồng nghiệp của tôi tên là Jenny L. Cochran – một tình nguyện viên của chương trình Princeton in Asia nói với tôi với vẻ đầy thán phục. Sinh viên Mỹ nếu học theo chương trình và phương pháp dạy học của đại học Việt Nam, chắc chắn rằng sẽ có rất ít sinh viên có thể tốt nghiệp.
Nghe thật buồn cười, cứ như là sinh viên Việt Nam giỏi hơn sinh viên Mỹ vậy. Giỏi hơn! Nhưng tại sao đại học ở Việt Nam không thể có Bill Gate, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg? Và đến bao giờ giáo dục Việt Nam có được những con người như thế?
Theo tác giả mọi tiến bộ của nguồn nhân lực phải xuất phát từ nhà trường, kế đến là sự thẩm định và tôn vinh của xã hội. Chúng ta thiếu cả hai. Nhà trường thiếu phương hướng phát triển, xã hội thiếu tiêu chí đánh giá đúng chất lượng đào tạo. Phải chăng trong xã hội cái “danh” “kẻ sĩ” cứ ám ảnh chúng ta?
Học hàm, học vị gắn và xưng trước tên của một người tạo nên giá trị của họ? Nhưng hỡi ơi! Nhìn ra thế giới, trông lại mình thấy chúng ta thật là … không giống ai vì một bộ phận không nhỏ cái “danh” của “kẻ sĩ” là “hữu danh vô thực”. Trong khi Bill Gate, Steve Jobs và Mark Zuckerberg là những con người thay đổi thế giới và tất cả trong số họ (và nhiều người khác nữa) đều chưa từng … tốt nghiệp đại học.
Tất nhiên tôi nói như vậy không phải nhằm ý là khuyên các bạn trẻ bây giờ không học đại học. Các bạn vẫn phải nhớ con đường học là một con đường dài mà chúng ta cần phải học tập suốt đời và thực sự nghiêm túc…
Vay và trả
Nhìn ở vẻ bên ngoài, chúng ta thấy ai ai cũng đi học, từ trẻ đến già, từ người lao động đến công chức nhà nước, … điều đó thật là đáng mừng, như là Việt Nam đang hình thành một xã hội học tập. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng một xã hội học tập đúng nghĩa thì  không đồng nghĩa với xã hội bằng cấp. Một nền giáo dục đích thực giúp người học trả lời câu hỏi làm được gì? Chứ không phải học được gì?
Tác giả băn khoăn rằng, đến bao giờ xã hội hình thành được quan niệm coi trọng những đóng góp của người học hơn bằng cấp của họ. Đến bao giờ Nhà nước (và cả xã hội) tuyển nhân sự bằng những các tiêu chí phát minh, sáng tạo, sáng kiến và đề án của cuộc đời họ; các tiêu chí bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận chỉ mang tính chất … tham khảo? Đến bao giờ sinh viên đăng ký học (hoặc dự thi) vào trường đại học X vì trường đang có giảng viên là chủ nhân của học thuyết A, đề án B, …
Hình thành được quan niệm đó, tôi tin rằng đại học Việt Nam có người nhận giải Nobel trong tương lai không xa và tiêu chí trường công hay tư trong suy nghĩ của mọi người không còn ý nghĩa.
Cuộc  đời luôn có sự hài hòa giữa cho và nhận, tạo nên sự cân bằng của mỗi người và sự bền vững của xã hội, người chỉ biết nhận mà không hề cho là ích kỷ. Nền giáo dục của chúng ta, dĩ nhiên, không hề muốn đào tạo nên con người như vậy. Nhưng thực tế là cách thức và nội dung đào tạo của chúng ta đang có xu hướng đó – đào tạo nên những con người ích kỷ mà chúng ta đã không nhận ra.
Hãy nhìn quá trình học tập là sự vay mượn và vay mượn thì cần phải trả. Trong suốt quá trình học tập, sinh viên đã lĩnh hội một số lượng khổng lồ tri thức của nhân loại. Đó chính là mượn. Khi sinh viên vận dụng tri thức của mình học được vào thực tiễn nhằm phát triển tri thức đó để góp phần làm giàu cho tri thức nhân loại. Đây là hoạt động đòi hỏi có sự sáng tạo – đó chính là trả.
Vay và trả vừa tạo nên sự cân bằng vừa là động lực giúp giáo dục phát triển. Nhìn lại đại học Việt Nam, hiện tại chúng ta đào tạo nên những con người chỉ biết giỏi lý thuyết – những người chỉ biết vay nhưng không hề biết trả. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai trong sự nghiệp “trồng người” – những con người có trách nhiệm đối với khoa học cũng như các quan hệ xã hội khác?
Trước hết, thuộc về giảng viên, khi giảng viên không còn là – “cái máy dạy” mà là “máy sáng tạo”, kế đến là nhà trường, khi nhà trường không thuần túy là nơi cung cấp kiến thức và cả bằng cấp nữa, mà là trung tâm văn hóa của xã hội, trường là nơi giải quyết mọi vấn đề xã hội không thể có lời đáp. Khi đó, chúng ta mới có thể nghĩ đến việc đào tạo nên những con người biết vay – biết trả.
Chúng ta có truyền thống hiếu học và đang sở hữu một thế hệ tuổi trẻ ham học hỏi, đam mê sáng tạo, khát vọng cống hiến và biết ngưỡng mộ những tài năng, song song với một xã hội mang tư duy trọng bằng cấp, cùng với đó là trọng hình thức, tôn sùng địa vị và có cả lối sống ích kỷ, vụ lợi. Đó là 2 mặt của hiện thực. Nếu nền giáo dục biết phát huy trí tuệ của tuổi trẻ thì đó cũng là cứu cánh của nền giáo dục nước nhà. Không những thế, đó còn là câu chuyện về sự hưng thịnh hay suy vong của một dân tộc trong thời đại ngày nay.
Trần Thanh Nhựt (Sóc Trăng)
Theo (GDVN)

Bình luận (0)