Điểm trúng tuyển NV2 vào các trường ĐH- CĐ năm 2009 đang được các phương tiện truyền thông lần lượt công bố. Nếu cuộc đua vào NV1 là một cuộc thi, mà ở đó, ai tài giỏi sẽ được chọn lựa, thì cuộc tìm kiếm một cơ hội ở NV2 để vào giảng đường ĐH lại khác khi có tài chưa chắc đã có chiến thắng.
Làm sao để trúng tuyển NV2? Đó không chỉ là câu hỏi, mà là nỗi hoang mang của hàng ngàn thí sinh trước ma trận của các quy tắc tưởng chừng đơn giản mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong việc xét tuyển nguyện vọng. Câu chuyện tuyển sinh hàng năm, 27 điểm vẫn rớt ĐH ở NV2, vẫn còn nguyên tính thời sự.
Sau nhiều năm áp dụng “3 chung”, ai quan tâm đến tuyển sinh ĐH đều hiểu rõ một điều, việc xét tuyển nguyện vọng vào ĐH không theo bất kỳ một quy luật nào để thí sinh có thể tính toán được. Vì chẳng thí sinh nào có thể biết được lượng hồ sơ NV2 nộp vào các trường ĐH, mà điểm chuẩn NV2 biến động nhiều hay ít lại tùy thuộc hoàn toàn vào số lượng hồ sơ xin xét tuyển.
Cụ thể, ngành Sinh học của Trường ĐH KHTN (ĐHQG HCM) vốn có điểm chuẩn nhiều năm chỉ ngang ngửa điểm sàn (khoảng 15, 16 điểm), bỗng mùa tuyển sinh năm nay, lượng hồ sơ tăng đột biến, điểm chuẩn trúng tuyển NV2 “vọt” lên 20 điểm. Các trường như ĐH Cần Thơ, ĐH KHTN, Học viện Báo chí tuyên truyền…, cũng có điểm trúng tuyển NV2 của nhiều ngành tăng từ 4 đến 5,5 điểm. Hàng ngàn thí sinh điểm cao, sau một tháng chờ đợi với bao cảm xúc hồi hộp và âu lo, bỗng vỡ òa trong tiếng khóc tức tưởi vì sự khắc nghiệt của cuộc chơi.
Dù nhiều chuyên gia tư vấn cảnh báo rằng, các thí sinh nên đăng ký vào những ngành có điểm xét tuyển thấp hơn điểm thi 2-3 điểm. Nhưng các thí sinh có điểm thi cao hơn 4 hay 5 điểm so với điểm sàn gọi tuyển cũng không thể xem đó là một ưu thế cạnh tranh, vì để vượt qua “ải môn quan” lần này, tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố may rủi. Và như thế, việc Bộ GD-ĐT tuyển sinh ĐH theo phương án “3 chung” với mong muốn đáp ứng nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu không để thí sinh đạt điểm cao phải rớt ĐH đã không thực hiện được trong nhiều năm qua. Vậy, đến bao giờ việc tuyển sinh vào ĐH không còn là một cuộc đánh cược đối với thí sinh?
TIÊU HÀ (SGGP)
Bình luận (0)