Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đánh giá cao kết quả 1 năm Chương trình Hòa bình tại TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Mikel Herrington – Giám đốc Quốc gia Chương trình Hòa bình tại Việt Nam cho biết rất ấn tượng với điều kiện chăm sóc, hỗ trợ tình nguyện viên tại các trường THPT ở TP.HCM mà Chương trình Hòa bình làm việc.

Sáng 27-9, đoàn Chương trình Hòa bình đã đến thăm và làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM.

Tại buổi làm việc, ông Mikel Herrington – Giám đốc Quốc gia Chương trình Hòa bình tại Việt Nam cho biết rất ấn tượng với điều kiện chăm sóc, hỗ trợ tình nguyện viên tại các trường THPT ở TP.HCM mà Chương trình Hòa bình làm việc.

Ông Mikel Herrington – Giám đốc Quốc gia Chương trình Hòa bình tại Việt Nam (thứ 3 từ trái sang) và Sở GD-ĐT TP.HCM trong buổi làm việc sáng 26-9

Ông cho biết, so với tất cả các quốc gia khác Chương trình Hòa bình hoạt động thì Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các tình nguyện viên hòa nhập, đảm bảo môi trường an toàn tuyệt đối cho tình nguyện viên. Phòng ở của tình nguyện viên trong trường tại TP.HCM được sắp xếp, bố trí rất tốt, có điều hòa – điều này khác hẳn với các quốc gia khác.

“Điều tôi đánh giá rất cao nữa đó là mối quan hệ giữa giáo viên, nhà trường và các tình nguyện viên luôn trên tinh thần cởi mở, thân thiện, mọi người cùng làm việc với sự chuyên nghiệp và cùng hướng tới mục tiêu giáo dục. Các tình nguyện viên của chúng tôi luôn bày tỏ sự cảm kích sâu sắc với sự hỗ trợ của nhà trường về tạo môi trường giáo dục, sự hòa nhập” – ông Mikel Herrington nói.

Giám đốc Quốc gia Chương trình Hòa bình tại Việt Nam bày tỏ mong muốn Sở GD-ĐT TP.HCM thảo luận với nhà trường để tiếp tục tiếp nhận tình nguyện viên của Chương trình Hòa bình trong kỳ thứ 4 tới đây.

Ông Phạm Quang Tâm – Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, Chương trình Hòa bình sau 1 năm thực hiện tại 9 trường THPT tại TP.HCM đã mang lại nhiều hiệu qủa tích cực. Chương trình tạo cơ hội cho tình nguyện viên, giáo viên, học sinh trao đổi kiến thức, văn hóa, nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh.

Trong thời gian triển khai, Sở GD-ĐT TP.HCM luôn theo sát Chương trình Hòa bình tại các trường THPT được lựa chọn. Từ phía các nhà trường, tổ chuyên môn tiếng Anh đã xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phân công nhiệm vụ giáo viên đồng giảng dạy. Các giáo viên được phân công đồng giảng dạy có sự phối hợp với tình nguyện viên xây dựng kế hoạch bài dạy trước mỗi buổi lên lớp, có góp ý, rút kinh nghiệm sau khi giảng dạy.

Tình nguyện viên luôn nhiệt tình, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao, có nhiều ý tưởng hay để các buổi đồng giảng được thực hiện tốt theo kế hoạch, góp phần nâng cao khả năng học tiếng Anh của học sinh, đặc biệt là kỹ năng nói, nghe hiểu và đọc hiểu.

Ông cho biết, bên cạnh việc đồng giảng dạy, tình nguyện viên dự giờ các tiết học của giáo viên tiếng Anh 1 tiết/tuần và tham gia các hoạt động chung của tổ tiếng Anh và các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Tình nguyện viên Chương trình Hòa bình tham gia đồng giảng dạy tiếng Anh tại Trường THPT Đào Sơn Tây

Trong quá trình đồng giảng dạy, tình nguyện viên và giáo viên trong tổ tiếng Anh cùng nhau trao đổi, thảo luận, thống nhất thực hiện kế hoạch đồng giảng dạy sao cho phù hợp với trình độ từng học sinh của mỗi lớp, giúp học sinh có sự tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Giáo viên, tình nguyện viên áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại như học theo dự án, học qua trải nghiệm thực tế, sử dụng video, bài hát, trò chơi ngôn ngữ…, mang đến tiết học thú vị, giúp học sinh mở rộng vốn từ vựng, nắm ngữ pháp, tự tin…

“Quá trình đồng giảng dạy của tình nguyện viên tạo được không khí vui vẻ, cởi mở với học sinh trong các tiết học, phối hợp nhịp nhàng với các giáo viên trong tổ tiếng Anh mang lại hiệu quả cho việc hỗ trợ kỹ năng nghe, nói cho học sinh. Tình nguyện viên cũng khuyến khích học sinh phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề” – ông Phạm Quang Tâm đánh giá.

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị Chương trình Hòa bình tổ chức tập huấn về phương pháp dạy học đồng giảng cũng như các phương pháp dạy học đổi mới, sáng tạo khác để các tình nguyện viên và giáo viên đồng giảng tham gia, phát huy tối đa hiệu qủa công tác dạy tiếng Anh, nắm vững phương pháp giảng dạy cho học sinh Việt Nam.

Chương trình Hòa bình là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ Mỹ được thành lập từ năm 1961. Việt Nam là quốc gia thứ 143 mà Chương trình Hòa bình hoạt động, kể từ khi hai nước ký kết Hiệp định thực thi vào tháng 7-2020, dựa trên quan hệ hợp tác đối tác giữa Chương trình Hòa bình và Bộ GD-ĐT Việt Nam.

Từ cuối tháng 12-2023, 9 tình nguyện viên Chương trình Hòa bình đã chính thức tuyên thệ để bắt đầu hành trình giảng dạy tiếng Anh tại các trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Nhiệm vụ của nhóm tình nguyện viên là dạy tiếng Anh và tham gia các hoạt động giáo dục khác tại các trường này trong 2 năm.

Các trường THPT hiện đang được các tình nguyện viên hỗ trợ dạy tiếng Anh bao gồm: THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức); THPT Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); THPT Thạnh Lộc (quận 12); THPT Quang Trung, THPT Trung Lập, THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi).

Yến Hoa

Bình luận (0)