Áp dụng các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của doanh nghiệp đã trở thành phổ biến. Đến nay cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp, tổ chức được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001, gần 500 doanh nghiệp đã áp dụng và được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO/IES 2200, HACCP.
Còn theo thống kê gần đây của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), trong năm 2008, tính riêng tiêu chuẩn ISO 9001 thì trên thế giới đã có gần 1 triệu tổ chức được đánh giá và chấp nhận. Để cấp và duy trì số lượng giấy chứng nhận hàng năm, ước tính có hàng triệu ngày công được sử dụng cho các hoạt động đánh giá. Tuy nhiên theo thạc sĩ Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Trung tâm chứng nhận phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng), các hoạt động đánh giá này đem lại giá trị rất lớn cho các bên liên quan, gồm doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận và tổ chức chứng nhận.
Thường, một số doanh nghiệp sử dụng ISO 9000 như cơ sở nền tảng cho việc xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng có khả năng hợp nhất với cách thức mà doanh nghiệp triển khai hoạt động kinh doanh của mình. Khi đó, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 đã góp phần giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh có tính chiến lược và doanh nghiệp có thể tự tin khẳng định việc áp dụng hệ thống này đã mang lại các giá trị gia tăng.
Tuy nhiên theo ông Hải, giá trị gia tăng thu được qua hoạt động đánh giá về cơ bản phải được xác định trên khả năng đợt đánh giá đem lại cho cơ hội doanh nghiệp cải tiến hoạt động. Theo đuổi mục tiêu này, rõ ràng là các tổ chức chứng nhận phải triển khai được một phương thức đánh giá không chỉ giới hạn ở mối quan tâm doanh nghiệp đã xây dựng các quy trình, thủ tục gì để có thể đáp ứng yêu cầu chứng nhận, mà phải thực sự gắn với mong muốn: “Bằng cách nào doanh nghiệp có thể sử dụng hệ thống quản lý chất lượng để cải tiến được hiệu quả kinh doanh?”. Cần lưu ý, đối với các tổ chức chứng nhận, một đợt đánh giá phải đảm bảo được tính tin cậy của quá trình chứng nhận độc lập. Đối với các doanh nghiệp, mối quan tâm với hoạt động đánh giá phụ thuộc vào mức độ phát triển của văn hóa chất lượng trong doanh nghiệp và mức độ hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng mà doanh nghiệp triển khai. Văn hóa chất lượng ở đây là nhận thức, cam kết, thái độ và quan điểm chung của tổ chức liên quan đến chất lượng.
Chính vì thế thạc sĩ Nguyễn Nam Hải cho rằng, có thể thấy giá trị mà cuộc đánh giá đem lại cho tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển, hoàn cảnh và mong đợi của doanh nghiệp. Do đó có thể thống nhất những nguyên tắc: Chú trọng tìm hiểu “nguyên nhân” thay vì chỉ đưa ra “vấn đề”, tức là doanh nghiệp cần biết vì sao làm tốt hoặc chưa tốt; tiến hành cuộc đánh giá một cách cởi mở; xem xét các vấn đề trong bối cảnh và chỉ ra được mức độ của vấn đề kèm với các đối tượng đi kèm; đảm bảo cung cấp kịp thời các báo cáo và thông tin đánh giá… khi đó sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu về hoạt động đánh giá mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý
KIM THANH (Theo SGGP)
Bình luận (0)