Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đánh giá cuối năm học sinh tiểu học: Vừa làm vừa lo

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2014-2015 đã bước vào những ngày học cuối cùng. Đây là năm đầu tiên cả nước thực hiện Thông tư 30 quy định về đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học. Mặc dù Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhưng dư âm để lại sau cả quá trình thực hiện vẫn là sự lo lắng. Vì sao?

Học sinh tiểu học đang trải qua những ngày học cuối cùng trước khi bước vào tổng kết năm học 2014 -2015. Ảnh: MAI HẢI

Đối phó hay không đối phó?

Không phải chờ đến cuối năm học mà ngay từ khi Thông tư 30 mới ra đời, rất nhiều ý kiến đã bày tỏ lo lắng về khối lượng công việc khổng lồ mà các giáo viên phải thực hiện. Mặc dù theo hướng dẫn của các sở, ngành, giáo viên không bắt buộc phải ghi nhận xét cho tất cả học sinh trong cùng tiết học nhưng thực tế cho thấy hầu hết giáo viên vẫn tiến hành cho nhận xét tất cả học sinh. Một giáo viên (yêu cầu không nêu tên) của trường tiểu học trên địa bàn quận 6 giải thích: “Dù bị xã hội lên án là “nhân bản vô tính lời phê”, nhưng đó là cách duy nhất chúng tôi có thể làm để tất cả học sinh trong lớp mình quản lý không cảm thấy bị hụt hẫng, vì sao bạn này có mà bạn kia không”. Ngoài ra, quy định mới còn buộc giáo viên phải hoàn thành nhiều loại sổ sách khác như học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, phiếu hoặc sổ liên lạc trao đổi ý kiến của cha mẹ học sinh, giấy chứng nhận, giấy khen, xác nhận thành tích của học sinh…

Mới đây, khi học sinh chuẩn bị bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ 2, dư luận lại một lần nữa “rộ” lên lời than của các giáo viên về yêu cầu ra đề đáp ứng tiêu chí kiểm tra 50% khả năng nhận biết, 30% thông hiểu và 20% khả năng vận dụng của học sinh. Theo tổ trưởng khối 4 một trường tiểu học trên địa bàn quận 4, những năm trước đây, đề kiểm tra do phòng GD-ĐT biên soạn hoặc ban giám hiệu kết hợp với tổ trưởng chuyên môn ra đề. Nhưng kể từ năm học này, mỗi giáo viên từ khối 1 đến khối 4 phải tự ra đề kiểm tra cho lớp mình. Riêng đối với khối 5, mỗi giáo viên sẽ ra một bộ đề kiểm tra, sau đó ban giám hiệu tổng hợp lại để ra đề chung cho toàn khối. “Như vậy ngoài nhiệm vụ tập trung ôn tập cho học sinh hệ thống lại toàn bộ kiến thức, giáo viên còn kiêm luôn trách nhiệm biên soạn đề thi và xây dựng đáp án với các mức thang điểm rõ ràng. Cái cực trong năm chúng tôi còn “thu xếp” được chứ cực lần này không thể làm qua loa vì nó quyết định kết quả đánh giá học sinh cuối năm học”, giáo viên này cho biết.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn văn Trỗi quận Tân Bình (TPHCM) trong ngày học đầu tiên. Ảnh: MAI HẢI

Lo vẫn hoàn lo

Ở góc độ phụ huynh, chị Hồng Mai, phụ huynh có con đang học Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) cho biết, cả năm học thầy cô toàn ghi nhận xét, giờ bài thi kiểm tra cuối năm đánh giá bằng điểm số khiến chị lo con mình không nhận được kết quả tốt vì đã mang tâm lý chỉ cần vượt qua hai mức “đạt” và “chưa đạt” trong suốt năm học. Đó là chưa kể trong trường hợp cả năm các em đều nhận được những lời nhận xét tốt nhưng điểm số bài thi cuối năm thấp hoặc ngược lại, cả năm bị thầy cô đặt bút phê “cần cố gắng” nhưng bài kiểm tra cuối năm đạt điểm 9, 10 thì phụ huynh sẽ dựa vào đâu để đánh giá năng lực thật sự của con em? Từ xa xưa ông cha ta đã có câu “Học tài thi phận”, sức học của một người không thể đánh giá bằng một, hai điểm số nhưng rõ ràng với quy định đổi mới lần này, điều khiến phụ huynh lo lắng không phải chỉ là tính công bằng, sự đúng đắn trong việc quyết định kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh mà nhiều hơn thế còn là sự ảnh hưởng về mặt tinh thần, quyết định tâm lý tự tin hay mặc cảm của các em. Ngoài ra, trước tình trạng “mỗi nơi ra đề thi một kiểu”, làm sao để tránh tình trạng các trường chạy đua theo thành tích, ra đề thi theo kiểu “dĩ hòa vi quý” để đẹp lòng cả người chấm lẫn người được thụ hưởng kết quả bài chấm thi đó? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan lãnh đạo ngành giáo dục.

Ngoài ra đứng ở vai trò quản lý, hiệu trưởng nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP cũng bày tỏ lo ngại về hướng dẫn khen thưởng cuối năm của Sở GD-ĐT, vì  “hướng dẫn mà như không có hướng dẫn gì”. Bởi lẽ khi đã giao hoàn toàn quyền chủ động cho các trường, trong đó có việc tự lên danh sách và đặt ra những tiêu chí khen thưởng học sinh thì vấn đề làm sao “đẹp lòng” tất cả phụ huynh lại là bài toán khó đặt ra cho các đơn vị. Điều này lý giải vì sao thời điểm hiện tại, nhiều trường vẫn đang lúng túng và có biểu hiện “nhìn nhau” trong việc đánh giá, xét khen thưởng học sinh cuối năm. Mặc dù đây đều là những thực tế khó tránh khỏi của giai đoạn “sơ sinh” của một thông tư nhưng về lâu dài, rất cần có thêm nhiều hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể từ các cấp, ngành để các đơn vị không gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện.

Từ thực tế đó đã nảy sinh nhiều chuyện “cười ra nước mắt” như giáo viên đặt mua con dấu in sẵn lời nhận xét, các thầy cô chuyền tay nhau “từ điển lời phê” trên các trang web, mạng xã hội. Cao điểm là vào cuối tháng 1-2015, một cuộc khảo sát nhỏ mang tên “Khảo sát mức độ hài lòng về Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT”, do một trang web điện tử thực hiện cho thấy, có đến hơn 95% ý kiến cho rằng Thông tư 30 khiến khối lượng công việc giáo viên tăng lên, làm giảm thời gian tương tác trên lớp giữa giáo viên và học sinh; 93,8% ý kiến mong muốn cải biên thông tư bằng một thông tư khác phù hợp hơn trong khi chỉ có 1,4% người tham gia khảo sát hài lòng với nội dung thông tư.

MINH QUÂN

(SGGP)

Bình luận (0)