Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đánh giá học sinh tiểu học – Cần tăng tính hiệu quả và lâu bền

Tạp Chí Giáo Dục

Quy định đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành đã thực hiện được hơn một học kỳ. Bước đầu, sự thay đổi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các địa phương. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập. Làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn đó?
Giáo viên phải chủ động hơn
Báo cáo tổng kết việc triển khai và thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới của Thông tư 30 sau khi kết thúc học kỳ 1, năm học 2014 – 2015 tại TPHCM cho thấy, giáo viên đã bước đầu phát huy vai trò của học sinh trong việc tham gia đánh giá kết quả học tập của bạn cùng lớp và tự đánh giá kết quả học tập của chính mình thông qua việc kiểm tra chéo. Nhìn chung, các em đã giảm được nhiều áp lực về mặt điểm số, tăng sự hứng thú trong học tập nhờ những nhận xét, đánh giá mang tính động viên, khuyến khích, tuyên dương những thay đổi tích cực, tiến bộ của từng em.
Tuy nhiên, đối với riêng khối lớp 1, đa phần học sinh chưa biết đọc chữ nên không thể đọc nhận xét của giáo viên. Do đó, thay vì ghi nhận xét vào vở, nhiều giáo viên phải chọn hình thức nhận xét bằng miệng, lặp đi lặp lại nhiều lần trên lớp trước khi ra về để học sinh ghi nhớ. Ngoài ra, thầy cô còn phải tìm nhiều cách phối hợp với phụ huynh như gọi điện thoại, viết thư tay, e-mail để lời nhận xét đạt được hiệu quả. Điều này vô hình trung đã tăng thêm khối lượng công việc cho giáo viên.
Đó là chưa kể đối với các khối lớp lớn hơn, một giáo viên bộ môn phải dạy cùng lúc nhiều lớp nên yêu cầu nhớ rõ đặc điểm của từng học sinh để có thể ghi nhận xét chính xác ở cả ba mặt học tập, năng lực và phẩm chất theo đặc thù của từng bộ môn khiến nhiều người gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu không có sự chủ động tìm tòi phương pháp tổng hợp thông tin một cách khoa học, giáo viên khó lòng đáp ứng nổi yêu cầu này.

Việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá đã góp phần làm giảm áp lực học tập, tăng hứng thú của học sinh.

Ở góc độ phụ huynh, chị L.M.T., phụ huynh có con đang học lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh TPHCM) cho biết: “Khi mới áp dụng Thông tư 30, tôi đã không cho con đi học thêm vì nghĩ áp lực điểm số đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, sau một học kỳ thực hiện, tôi đã cho cháu trở lại lớp cô giáo dạy kèm vì phát hiện con mình bắt đầu có biểu hiện làm biếng, không còn thói quen xem lại bài học khi về nhà. Chính sự cào bằng trong kết quả đánh giá cuối học kỳ 1 với hơn 90% học sinh lớp cháu xếp loại đạt đã khiến cháu mất dần động lực học tập”.

Học sinh lớp 4 lo một thì các gia đình có con học lớp 5 lo mười. Anh Q.T., phụ huynh có con đang học lớp 5, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) bày tỏ: “Không thể phủ nhận những cố gắng của nhà trường trong việc triển khai đánh giá học sinh theo quy định mới. Tuy nhiên, điều khiến tôi và nhiều phụ huynh ở lớp cháu lo lắng là năm sau chuyển cấp lên lớp 6, các cháu phải quay về phương pháp kiểm tra, đánh giá bằng điểm số. Đang từ tâm lý học hành thoải mái, áp lực bài vở gần như không, nên nếu bị đặt trở lại vào cuộc đua điểm số, phải gánh chịu áp lực không nhỏ từ việc tự học ở nhà, tôi sợ con mình hụt hẫng”.
Cần sự đổi mới toàn diện
Thời gian qua đã có rất nhiều phản ảnh của giáo viên về những khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 30. Tuy nhiên, đáp lại tất cả băn khoăn đó, Bộ GD-ĐT cho biết ngoài việc sẽ giảm gánh nặng sổ sách cho giáo viên, sẽ không có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến việc triển khai Thông tư 30 ở học kỳ 2. Điều này theo đánh giá của một trưởng phòng GD-ĐT ở TPHCM là thể hiện sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo trong việc triển khai một phương pháp đổi mới.
Tuy nhiên, “về lâu dài nên có thêm những buổi tập huấn (không phải chỉ dành cho những người chưa biết mà là tập huấn cho cả những người đã biết rồi nhưng còn gặp khó khăn trong thực hiện), tạo thêm các kênh thông tin cho giáo viên phản ảnh ý kiến trực tiếp về Bộ GD-ĐT. Chỉ khi làm được như thế mới giảm bớt áp lực cho giáo viên, thoát khỏi tình trạng trống đánh xuôi, kèn chưa tỏ hiện nay”, vị này nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, theo đề xuất của Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, những quy định tại Thông tư 30 cũng đồng thời kéo theo sự thay đổi nội dung của một số quy định trong các thông tư khác như Thông tư 59/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 28-12-2012 về “Quy định tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia” và Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23-11-2012 về “Ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên”. Từ thực tế đó, địa phương kiến nghị Bộ GD-ĐT nên có sự nghiên cứu, điều chỉnh lại nội dung các thông tư nói trên cho phù hợp với chuẩn đánh giá mới của Thông tư 30.

Ngoài ra, cũng theo phản ảnh của các địa phương, nhìn chung phụ huynh chưa có thói quen hợp tác với giáo viên trong việc đánh giá học sinh. Một bộ phận nhỏ phụ huynh là lao động nghèo, trình độ nhận thức còn hạn chế, các phụ huynh là người Hoa không rành tiếng Việt hoặc phụ huynh có tư tưởng bảo thủ, vẫn muốn con em mình được đánh giá bằng điểm số nên chưa thực sự ủng hộ cách đánh giá mới theo Thông tư 30. Điều này dẫn đến việc nhận xét của giáo viên trên vở học sinh chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Do đó, song song với việc tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh, các sở, ngành cũng kêu gọi sự chủ động nhiều hơn từ phía giáo viên trong việc kết nối thông tin liên lạc giữa nhà trường với gia đình.

Đồng thời, các vấn đề như giảm áp lực sĩ số, tăng cường các chính sách đãi ngộ cho giáo viên, hỗ trợ thêm cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm giúp giáo viên yên tâm công tác, có thêm nhiều động lực cống hiến với nghề cũng là một trong những cách tăng cường hiệu quả của Thông tư 30, giúp cho việc đổi mới mang tính chất toàn diện và lâu bền.

MINH QUÂN

(SGGP)

Bình luận (0)