Việc bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét đòi hỏi GV phải đầu tư nhiều hơn để có lời nhận xét phù hợp và ý nghĩa. Ảnh: N.Trinh
|
Con gái tôi đang học lớp 1, mỗi ngày đón con ở trường về, tôi hay hỏi: “Con hôm nay có được mấy mặt cười?”. Mặt cười đó là ký hiệu đánh giá của giáo viên (GV) trường con tôi học. Nhưng thường thì trong tuần, cô chỉ “đóng dấu” có một lần…
1. Mỗi lần giở tập hay sách bài tập của con, nhìn dấu mặt cười tôi thấy cũng hay hay: Mặt cười thẳng thể hiện sự hài lòng có mức độ, cần cố gắng hơn; mặt cười toe toét là biểu hiện rất đáng khen. Con tôi bảo có bạn được cô giáo đóng dấu “mặt nhăn”, vì bạn đó viết chữ xấu hoặc đọc chưa trôi chữ… Con tôi thường xuyên nhận được mặt cười thẳng, hàm ý phải chú ý rèn luyện thêm. Tôi phần nào hiểu ý tứ của GV, không để cho trẻ chủ quan mà phải luôn cố gắng hơn. Tuy nhiên, lớp có 50 học sinh (HS) mà phải nhận xét tất cả mỗi ngày nên cũng vất vả, thành ra mỗi tuần con tôi chỉ được nhận xét một lần, khi thì ở vở bài tập toán, lúc ở vở tập viết, lúc ở sách tập đọc… Như vậy thì sự đánh giá không được thường xuyên lắm, xen giữa các lần đánh giá đó thì HS có thể không rõ sự thể hiện của mình có tốt không, cần phải rèn thêm ở chỗ nào nữa.
Qua tìm hiểu, tôi được biết ở một số nơi, GV không dùng mặt cười mà dùng các bông hoa (nhiều hoặc ít, thể hiện sự khen ngợi hoặc đề nghị rèn luyện nhiều hơn) hoặc các lời nhận xét khắc sẵn (như “rất tốt”, “ngoan”, “chăm chỉ”, “có tiến bộ”, “cần cố gắng nhiều hơn”…). Dù bằng cách nào thì với cách đánh giá mới này cũng buộc GV làm việc nhiều hơn, thận trọng hơn và vì thế cũng vất vả hơn.
2. Có thể thấy rằng cách thức đánh giá mới có nhiều tính động viên, khích lệ, hạn chế đến mức thấp nhất các hình thức đánh giá có tính “nặng lời” với trẻ (như cho điểm dưới 5, hoặc phê, nhận xét bằng những lời nặng nề, thể hiện sự phê phán nghiêm khắc…). Nhưng từ đây cũng phát sinh một số vấn đề đáng lưu ý. Đó là vì phải nhận xét quá nhiều, có thể GV lựa chọn giải pháp “an toàn” là nhận xét một cách giông giống nhau giữa các trường hợp hoặc lựa chọn những lời lẽ trung tính nên tác dụng thúc đẩy sự phấn đấu, rèn luyện của HS không cao. Đó là khi nhận xét thiên về khen ngợi, ít phê phán có thể khiến HS và cả phụ huynh chủ quan vì cho rằng không nhất thiết phải nỗ lực hơn nữa. Đó là có thể hình thành tâm lý xuê xoa trong một số GV khi khó tìm được từ để nhận xét cho thật xác đáng mà không gây phản ứng hoặc bị “bắt lỗi”, cũng như tâm lý thích khen ngợi của HS khi các em thường xuyên tiếp nhận những lời khen thay vì có cả lời phê bình.
Trong Hồi ký, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) có kể một câu chuyện thực của ông: Một bữa khi chấm bài, thầy giáo ngẩng mặt lên và nói với cả lớp (bằng tiếng Pháp): “Trò Lê đi giật lùi”. Bị bạn bè chế giễu, ông xấu hổ, nhớ hoài câu đó, quyết tâm sửa tính. Từ đó trở đi, ông luôn đứng nhất nhì trong lớp. Có thể lắm, nếu như không có câu phê bình này, năm đó và những năm sau, Nguyễn Hiến Lê vẫn còn chơi bời, lêu lổng (bởi khi ấy bố ông đã mất, mẹ và bà ngoại vất vả mưu sinh không thể quan tâm, coi sóc việc học của anh em ông), và chúng ta không thể có một học giả danh tiếng như đã từng có. Một lời phê bình đôi lúc cũng có giá trị không ngờ.
3. Với cách đánh giá HS tiểu học mới, về mục tiêu và cách thức cơ bản là tiến bộ, mang tính giáo dục cao. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đánh giá bằng lời nói, chữ viết hay biểu tượng, cũng rất khó đánh giá một cách chính xác. Bởi hình thức nhận xét này ít nhiều có ý định tính, cảm tính mà ít định lượng (như cách cho điểm), mà định tính, cảm tính thì thường chủ quan và khó rạch ròi, công bằng giữa các HS cùng lớp với nhau, giữa HS lớp này với lớp khác, giữa HS trường này với trường khác… Chẳng hạn, sẽ rất khó đánh giá sự tiến bộ của một HS yếu và sự nỗ lực vượt bậc của một HS giỏi, nếu chỉ bằng các biểu tượng hoặc bằng những lời nhận xét có tính khuôn mẫu. Khi đó, ý nghĩa của phương thức đánh giá này trở nên không phù hợp.
Do đó, xem cải tiến việc đánh giá là một sự đổi mới thì xin đừng đổi mới nửa vời. Trong việc này, cần thiết có những chuẩn đánh giá mang tính thống nhất và làm “khung” để với biểu hiện của một HS thì các GV khác nhau cũng sẽ đánh giá cơ bản giống nhau, để các GV khác nhau khi đánh giá các HS khác nhau cũng không có nhiều sự khác biệt… Đồng thời, đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn của GV để lựa chọn cách thức và lời lẽ nhận xét cho phù hợp, có ý nghĩa thiết thực.
Nguyễn Minh Tâm (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
LTS: Sau khi Giáo dục TP.HCM đăng bài Bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét: Áp lực học sinh giảm, giáo viên tăng (ngày 8-12), tòa soạn đã nhận được ý kiến của một phụ huynh bàn luận về vấn đề này. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc. |
“Đau đầu” với việc nhận xét
Một cô bạn của tôi là GV tiểu học cho biết, việc đánh giá của GV chủ nhiệm và GV bộ môn là riêng biệt nhau (với các môn tiếng Anh, tin học…) và thực hiện mỗi tháng về kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất… ở trường của cô hiện chưa có “sáng kiến” đánh giá bằng biểu tượng mà đều phải dùng lời, nói trước lớp hoặc ghi vào sổ. Cô là GV bộ môn nên “đau đầu” với việc nhận xét sao cho phù hợp với cả 15 lớp cô dạy (trên dưới 500 HS). Đã vậy, khi đánh giá tuyệt đối không được dùng những từ mang ý giỏi, khá, trung bình, yếu. Trên thực tế, những em ở hai cực của lớp về mặt tiếp thu, cố gắng thì dễ đánh giá, còn những em khác ngang ngang ở giữa lớp hơi khó dùng từ cho phù hợp. Chẳng hạn, với môn tin học, nhận xét thường là: Nắm vững kiến thức, biết phối hợp công cụ, thao tác nhanh, vẽ đẹp, có sáng tạo; tích cực, tự giác, ý thức, ham học hỏi, hòa đồng, giúp đỡ bạn, ngoan. Đó là khi viết vào vở còn có thời gian suy nghĩ, lựa chọn từ ngữ, thỉnh thoảng còn nhận xét bằng lời khi kiểm tra bài cũ, những em tham gia phát biểu hoặc khi thảo luận… Yêu cầu là nhận xét sao cho nhẹ nhàng tránh làm cho HS tự ti, mặc cảm với bạn.
|
Bình luận (0)