Đánh giá hoạt động dạy học không chỉ đánh giá qua thành tích, điểm số học tập của học sinh mà còn bao gồm đánh giá quá trình đứng lớp nhằm cải tiến quá trình dạy học của người thầy.
Trên cơ sở đó, giáo viên phải luôn chú trọng kiểm tra – đánh giá các hành động, tình cảm của học sinh và năng lực vận dụng vào thực tiễn của các em, được thể hiện rõ nhất là qua cách ứng xử giao tiếp. Muốn làm được điều đó giáo viên cần phải bồi dưỡng những phương pháp, kỹ thuật lấy thông tin phản hồi của học sinh để đánh giá chính xác quá trình dạy học.
Đánh giá thành tích học tập của học sinh không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà còn chú ý cả quá trình học tập trong suốt thời gian dài của các em. Tuy nhiên, giáo viên không tập trung vào khả năng tái hiện tri thức, học để nhớ mà cần phải chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp. Đây mới là yêu cầu cao mà trước nay giáo viên còn ít quan tâm. Đặc biệt, giáo viên cần căn cứ vào đặc điểm từng môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi cấp học để có quy trình đánh giá bằng điểm số kết hợp với nhận xét cụ thể, chi tiết cho từng môn học, từng hoạt động giáo dục. Nên lưu ý, nội dung đánh giá có thể hơi cao so với trình độ học sinh vì đòi hỏi nhiều về tư duy, suy luận nhưng lại không được quá khó để kích thích sự tìm tòi, sáng tạo và hứng thú của các em. Giới hạn kiến thức cần rõ ràng và phù hợp với đối tượng. Hệ thống câu hỏi kiểm tra – đánh giá không thể cào bằng mà cần thể hiện sự phân hóa, với tỷ lệ đảm bảo 70% câu hỏi, bài tập đó được mức độ đạt chuẩn – mặt bằng về nội dung học vấn dành cho mọi học sinh và 30% còn lại phản ánh mức độ nâng cao – dành cho học sinh có năng lực trí tuệ và thực hành cao hơn.
HS lớp 5 trong tiết học môn toán. Ảnh: N.TRINH |
Nên hiểu đổi mới kiểm tra – đánh giá bao gồm cả đổi mới hình thức đánh giá, phương thức đánh giá, tiêu chí đánh giá, thiết kế đề kiểm tra để đánh giá học sinh… Cụ thể: Đổi mới hình thức đánh giá là sử dụng phối hợp linh hoạt các hình thức, phương pháp kiểm tra – đánh giá khác nhau, kết hợp giữa trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan. Đổi mới phương thức đánh giá là tăng cường đánh giá trong giờ và ngoài giờ, chính thức và không chính thức; đánh giá qua quan sát trao đổi – thảo luận, qua tự học, khâu chuẩn bị, khâu tự tìm tư liệu, sáng tạo đồ dùng học tập. Nói cách khác là ở nhiều góc độ và yêu cầu khác nhau. Tạo sự kết hợp linh hoạt giữa kiểm tra, lượng giá và đánh giá, định tính và định lượng. Chú trọng hướng dẫn học sinh phát triển khả năng và thói quen tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau. Kết hợp với đánh giá của thầy với đánh giá của trò. Có như vậy mới tự điều chỉnh được cách dạy và cách học.
Trong khi đó đổi mới phương tiện đánh giá là tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để giúp đánh giá khách quan, chính xác, kịp thời. Với sự giúp đỡ này thì kiểm tra – đánh giá sẽ không còn là công việc nặng nhọc đối với giáo viên mà còn cho nhiều thông tin kịp thời để điều chỉnh hoạt động dạy, chỉ đạo hoạt động học. Còn đổi mới các tiêu chí đánh giá là phải đánh giá được toàn diện các mặt của giáo dục cho học sinh; đảm bảo sự tin cậy, chính xác, công bằng, khách quan, phản ánh chất lượng thực; đảm bảo khả thi, phù hợp với điều kiện của học sinh, cơ sở giáo dục, mục tiêu từng môn học; đảm bảo yêu cầu phân hóa; đảm bảo giá trị và hiệu quả cao. Đổi mới thiết kế đề kiểm tra để đánh giá học sinh là vừa kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan. Thiết kế đề phải xác định được mục đích, yêu cầu của đề; xác định mục tiêu dạy học; thiết lập ma trận hai chiều và thiết lập đáp án, biểu điểm…
ThS. Lê Cẩm Linh
(chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Bình luận (0)