Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Đạo đức là cái gốc rất quan trọng, nếu thiếu đạo đức, con người sẽ không phải là con người bình thường và cuộc sống xã hội sẽ không phải là cuộc sống xã hội bình thường, ổn định” là vô cùng quan trọng. Sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế nói chung và ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang tác động đa chiều, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh THPT. Nội dung đánh giá vì sự tiến bộ của người học; mục đích của việc đánh giá là xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập. Cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên thông qua đó cũng có sự điều chỉnh hoạt động dạy học cho phù hợp. Chính vì vậy, muốn giáo dục đạo đức cho học sinh tốt hơn cần phải thay đổi phương pháp, kĩ thuật, nội dung của đánh giá kết quả rèn luyện.
TS. Lê Hồng Sơn và TS. Nguyễn Đặng An Long là tác giả cuốn sách “Quản lý hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, hệ thống hóa một số vấn đề cơ bản như: nhân cách, đạo đức, hạnh kiểm; đánh giá, rèn luyện và đánh giá kết quả rèn luyện; quản lí hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh THPT. Đồng thời, chỉ rõ hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện học sinh THPT là bao gồm đối tượng đánh giá, nội dung đánh giá, quy trình và kĩ thuật đánh giá, chủ thể đánh giá. Bên cạnh đó, tác giả đã đưa ra 08 biện pháp cơ bản quản lý hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh THPT. Đổi mới chương trình Giáo dục công dân trong trường THPT gắn với giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống và các hoạt động trải nghiệm thực tế.
Việc quá trình rèn luyện của học sinh THPT được xem là quá trình hình thành phẩm chất đạo đức và mục tiêu cơ bản của nhà trường là vừa trang bị kiến thức vừa giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Vì thế, hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện nhà trường đều chú trọng khâu tổ chức các hoạt động và đánh giá kết quả hoạt động giáo dục đạo đức. Đây được xem là hai khâu thiết yếu góp phần tác động, uốn nắn đạo đức, hình thành nhân cách học sinh theo hướng tích cực.
Sách đã được phát hành trong năm 2022. Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả.
P.V
Bình luận (0)