Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đánh giá lại sự lãng phí trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành giáo dục nên đánh giá, nhìn nhận lại sự lãng phí về tài sản công trước khi đề nghị tăng học phí, đồng thời Bộ GĐ&ĐT phải cam kết học sinh sẽ không phải đóng thêm các khoản ngoài học phí.

Đó là ý kiến phát biểu thảo luận ở tổ về đề án đổi mới tài chính trong GD&ĐT ngày 3/6 của một số đại biểu quốc hội.
Ngành giáo dục nên đánh giá, nhìn nhận lại sự lãng phí về tài sản công trước khi đề nghị tăng học phí. Ảnh: Hồng Vĩnh
Tăng học phí, có tăng chất lượng?
Băn khoăn về đề án đổi mới tài chính trong GD&ĐT giai đoạn 2009-2014 (Đề án), TS Trần Du Lịch (phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM) cho rằng, đây là quyết định khó khăn do ảnh hưởng khá lớn đến chi tiêu của các gia đình.
“Đối với những hộ dân mà họ chỉ dành 20 phần trăm thu nhập là đủ cho nhu cầu ăn uống thì tăng học phí không vấn đề gì. Nhưng với những hộ mà họ phải chi đến 60 phần trăm thu nhập cho cái ăn thì việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ở TPHCM, nếu theo cơ cấu chi tiêu ấy thì sẽ có khoảng 60 phần trăm đối tượng bị ảnh hưởng”-Ông Lịch nói.
TS Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (TPHCM)
Theo TS Trần Du Lịch, không ngành nào trong nước (và cả trên thế giới) có mức đầu tư tăng cao như đầu tư cho giáo dục Việt Nam. Chỉ trong 20 năm qua, đầu tư cho giáo dục tăng 40 lần và đạt mức 4,7 tỷ USD trong năm 2008.
Tuy nhiên vấn đề mà xã hội quan tâm là, mức đầu tư tăng 40 lần nhưng chất lượng có tăng không. “Nếu Bộ trưởng GD&ĐT cam kết rằng tăng thêm chừng này thì sẽ không phải đóng thêm khoản phí nào nữa thì tôi nghĩ xã hội sẽ đồng tình”- Đại biểu Lịch đặt vấn đề.
Theo ông, một chiến lược về giáo dục mà chưa có nhưng đã thông qua cơ chế chính sách về tài chính là bất cập. Đề nghị Bộ GD&ĐT công khai giám sát các khoản thu ngoài học phí. Cũng cần sớm chấm dứt tình trạng đưa thị trường vào giáo dục dưới hình thức lập công ty để chia cổ tức.
Xem xét lại
Theo đại biểu Tất Thành Cang (TPHCM), nhiều gia đình có con học mẫu giáo với mức học phí khoảng 300.000 nghìn đồng/tháng nhưng, ngoài khoản này, các em còn phải đóng thêm nhiều khoản khác nữa.
Ông Cang cho rằng, nếu ngành giáo dục tính toán lại việc quản lý chi phí, quản lý tài sản công thì có thể tiết kiệm được nhiều và vì vậy có thể không phải tăng học phí.
Các trường ở nông thôn thì không nói nhưng những trường ở  thành phố thì ngoài tám tiếng trong giờ học đều tranh thủ cơ sở trường lớp để hợp tác, khai thác mở lớp đào tạo ngoại ngữ, đào tạo quản trị.
Đây là một nguồn thu ngoài và khá lớn, nhưng việc quản lý tài sản công ở các trường đã chặt chẽ chưa? “Nếu hợp lý hóa công tác quản lý thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều và không cần đến việc tăng nguồn thu. Ngành giáo dục phải đánh giá lại”- Đại biểu Cang lập luận.
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) bày tỏ sự băn khoăn về việc làm thế nào để xác định đó là gia đình thuộc hộ nghèo để giảm học phí. Đề án tác động đến cả xã hội nhưng việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, các nhà giáo dục dường như rất ít. Bổ sung thêm hiện trạng bất cập trong đào tạo hiện nay, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, cần đầu tư hơn nữa để phát triển trường công lập.
Hiện số người học đại học tại chức quá nhiều, trong khi người tốt nghiệp đại học chính quy thì ít. Ai cũng có thể học, làm thạc sĩ. Nhà nước cần có cơ chế, giải pháp cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển giáo dục.
“Tôi cho rằng địa phương cũng ỷ lại trung ương rất lớn. Năm nào trung ương cũng đầu tư ngân sách rất lớn, nhưng địa phương lại chưa có nhiều sự đầu tư chủ động cho giáo dục. Ngân sách giáo dục giao cho địa phương quản lý và sử dụng thì đề nghị Bộ Tài chính phối hợp giám sát”- Ông Cư đề nghị.
Đại biểu này cũng cho rằng mức học phí đề xuất trong đề án là quá cao. Việt Nam vừa thoát nghèo và đại bộ phận người đi học là con em nông dân. Vì vậy cần cân nhắc học phí chỉ ở mức dưới 5 phần trăm thu nhập bình quân của hộ gia đình.
Trước những băn khoăn về việc tăng học phí thì chất lượng giáo dục có được nâng lên, ông Luận thẳng thắn thừa nhận, chất lượng không thể nâng lên được ngay trong ngày một ngày hai mà cần cả quá trình phấn đấu lâu dài.
“Chúng tôi không dám hứa vì hứa mà không thực hiện được thì lại bảo chúng tôi nói dối. Tuy nhiên việc thay đổi sẽ có sự đánh giá. Ví dụ đối với bậc đại học sẽ có một ban, cơ quan kiểm định, gắn việc tăng học phí với từng bước thay đổi chất lượng giáo dục”- Thứ trưởng Luận nói.
Về quản lý chặt tài sản công trong giáo dục, Bộ GD&ĐT đang làm quy hoạch mạng lưới các trường để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc đẻ ra các trường thì rất dễ nhưng xóa đi là rất khó. Trong thời gian tới Bộ sẽ đưa ra bảng tính mức đóng học phí ở các địa phương và sẽ công bố trên website của Bộ để dân và các cơ quan có thể đóng góp ý kiến.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Phạm Tuyên (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)