Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đánh giá tiểu học vẫn còn luẩn quẩn?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau thời gian lấy ý kiến một cách vội vã, gấp gáp, Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học của Bộ GD-ĐT đã được ban hành. Thông tư 22 lại tiếp tục đưa giáo viên (GV), HS và cả phụ huynh vào vòng luẩn quẩn vì cái sửa đổi, bổ sung phần lớn là cái cũ còn cái mới thì chưa hay.

Giáo viên tiểu học ghi rất nhiều lời nhận xét vào sổ liên lạc. Ảnh: B.Vân

Theo Thông tư 22, việc đánh giá định kì về học tập của HS sẽ được đánh giá thêm 2 lần là vào giữa học kì I và giữa học kì II, như vậy là giống như trước khi có Thông tư 30. Điều khác ở đây là chỉ có lớp 4 và lớp 5 làm bài kiểm tra toán và tiếng Việt để lấy điểm kiểm tra định kì. Phải chăng chỉ có lớp 4 và 5 là quan trọng trong quá trình học tập ở tiểu học? Thông tư 22 lại được thực hiện từ ngày 6-11-2016 nên việc thực hiện đánh giá định kì giữa học kì I không thể thực hiện kịp. Từ đầu năm học đến hết tháng 10-2016, cách đánh giá HS, hồ sơ sổ sách của GV vẫn phải làm theo Thông tư 30 và sau đó thì làm theo Thông tư 22. Một sự chắp vá khó coi trong sổ sách bởi cùng một năm học.

Đề kiểm tra định kì theo Thông tư 22 cũng được bổ sung. Theo Thông tư 30, đề kiểm tra định kì các môn lấy điểm chỉ có 3 mức độ là nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Thông tư 22 lại yêu cầu có thêm mức độ thứ 4 là “Vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt” và được gọi tắt là vận dụng phản hồi. Trong các buổi tập huấn về Thông tư 22, câu hỏi dùng minh họa cho mức độ 4 – vận dụng phản hồi là những câu hỏi đòi hỏi tư duy, suy luận cao. Ở tiểu học, nhất là ở môn toán, HS dù giỏi đến đâu, thông minh thế nào nhưng nếu chưa được làm bài đó lần nào thì các em không thể giải chính xác hay trình bày hợp lý được. Trong khi đó, chương trình giảng dạy hiện nay yêu cầu giảm tải, không được cho bài nâng cao. HS chưa từng học những bài như trong đề kiểm tra thì các em không thể làm được. Vì vậy, sau khi được tập huấn về Thông tư 22, GV buộc phải dạy bài nâng cao. Các em mệt mỏi vì từ mấy năm qua chưa làm các bài khó như vậy, còn phụ huynh thì thắc mắc sao thầy cô cho bài khó thế… Kì kiểm tra định kì nhẹ nhàng, thoải mái như yêu cầu của ngành khó mà thực hiện được.

Việc khen thưởng HS theo Thông tư 30 đã gây nhiều ý kiến không hay. Vì thế, Thông tư 22 lại thực hiện giống như trước khi có Thông tư 30 là khen thưởng HS xuất sắc và cũng với các yêu cầu không khác trước đây là “Kết quả đánh giá các môn học đạt hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học đạt 9 điểm trở lên”. Việc xét HS xuất sắc trước đây đã lộ rõ nhược điểm là không phải em nào cũng giỏi tất cả các môn, nếu xét như Thông tư 22 điều ấy được lặp lại. Chẳng hạn, một HS học tốt các môn nhưng em không có năng khiếu hát nhạc hay mỹ thuật; kết quả môn hát nhạc hay mỹ thuật của em ấy chỉ được đánh giá “hoàn thành”, em ấy sẽ không đạt HS xuất sắc. Thật đáng tiếc và phi lý!

Hiện nay, HS lớp 4 và 5 đã có hai học bạ: một học bạ theo cách đánh giá cũ và một học bạ theo Thông tư 30. Giờ đây theo Thông tư 22, học bạ theo Thông tư 30 cũng không còn phù hợp, GV phải kẻ thêm cột và viết chữ: “Mức đạt được” trong học bạ ở các mục “Môn học và hoạt động giáo dục”, “Các năng lực”, “Các phẩm chất”. Ngoài ra, GV cũng phải gạch bỏ các chữ “Yêu gia đình, bạn bè và những người khác”, rồi ghi vào dòng chữ “Đoàn kết, yêu thương” ở cột “Phẩm chất”. Ở sổ liên lạc, GV cũng phải thực hiện y như thế. Có thể nói GV chẳng những đã phải làm cực nhọc mà nhìn “sổ sách vá víu thảm thương” cũng chướng mắt.

Bao giờ GV, HS và cả phụ huynh ở bậc tiểu học thoát được vòng luẩn quẩn bởi những thông tư vội vã, gấp gáp?

Lê Phương Trí

Bình luận (0)