Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Đánh gục” thoát vị bẹn

Tạp Chí Giáo Dục

Thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp ở nhiều người bất kể trẻ em hay người lớn, đặc biệt là nam giới. BS Lê Hoàng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Gò Vấp, TP.HCM khẳng định, có thể chữa dứt điểm thoát vị bẹn nếu được phát hiện sớm. 

BS Lê Hoàng Hà và bệnh nhân sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn thành công

Do thường xuyên đau tức ở vùng bẹn anh Lê Viết H. – ngụ ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai mới phát hiện có một khối phồng chạy dọc theo chiều của ống bẹn từ trước ra sau. Theo lời kể của người đàn ông 40 tuổi, kích thước của khối phồng thay đổi theo tư thế lúc anh đứng hay ngồi, càng ngày càng lớn.

Bệnh “ưu tiên” cho đàn ông

Do đi lại và khiêng vác nhiều sau một thời gian thì khối phồng đó càng lớn hơn. Đặc biệt mỗi lần ho hoặc cố rặn thì vùng bẹn lại càng đau đớn và khó chịu hơn. Tại BV Đa khoa Đồng Nai, bằng biện pháp sờ và siêu âm ổ bụng các BS đã chẩn đoán anh H. bị thoát vị bẹn gián tiếp. BS Nguyễn Anh Cường – BV Nhân dân Gia Định cho biết, thoát vị bẹn là tình trạng các tạng bên trong ổ phúc mạc đi ra ngoài qua điểm yếu ở thành sau của ống bẹn. Thoát vị bẹn là căn bệnh chiếm tỷ lệ cao gần 80% trong tổng số bệnh thoát vị nói chung.

Đó cũng là căn bệnh của cháu Đặng Huy N. SN 2009 ngụ ở Q.9, TP.HCM khi anh C. bố cháu phát hiện ra khối sưng ở vùng bẹn do đứa con trai lớn thường xuyên kêu đau nhức. Năm 2015, các BS BV Nhi đồng 2 TP.HCM thăm khám đã phát hiện bệnh thoát vị bẹn cho cháu N. BS Cường cho biết, thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp gây đau nhức và khó chịu cho người bệnh nên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hơn nữa bất kỳ ai dù ở lứa tuổi nào nam hay nữ cũng đều có thể mắc phải. Tuy nhiên, có một câu hỏi mà y học chưa trả lời được là chỉ có một số người bị thoát vị bẹn. Trong thoát vị bẹn gián tiếp do lỗ bẹn sâu vì có áp lực mạnh chức năng ngăn cản không cho tạng chui xuống bị yếu đi hoặc mất hẳn mới xảy ra tình trạng thoát vị bẹn. Hầu hết trẻ em bị thoát vị bẹn là do bẩm sinh, lúc đó tạng chui ra qua hố bẹn ngoài vào ống phúc tinh mạc để xuống bìu. Khi túi thoát vị nằm trong bao xơ thừng tinh thì được gọi là thoát vị bẹn chéo ngoài. Ngược lại, tạng chui ra ở hố bẹn bên trong thì được gọi là thoát vị bẹn chéo trong nhưng trường hợp này rất hi hữu.

Hầu hết thoát vị bẹn được điều trị ngoại khoa theo đúng nguyên tắc bệnh. Vì thế anh H. đã được các BS giải phẫu thoát vị bẹn để khắc phục tình trạng tạng “rơi” xuống ổ bìu. Tuy nhiên, đối với trẻ em việc can thiệp ngoại khoa còn phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ thoát vị bẹn nói chung là tình trạng toàn thân. Một số trẻ sinh ra có bệnh lý thoát vị bẹn phải được theo dõi kỹ cho đến khi được 12 tháng tuổi mới có thể phẫu thuật. Cũng có trường hợp sau 1 tuổi bé tự khỏi hoàn toàn do cơ thể đang tự hoàn thiện lại. Vì đã lớn nên cháu N. được mổ thắt cao túi thoát vị mà không cần tái tạo thành bụng như người trưởng thành. Đeo bằng bìu là giải pháp cần thiết cho các bệnh nhân thoát vị bẹn nhằm nâng đỡ tạng trở về vị trí cũ nhưng hầu hết chỉ áp dụng cho những người già yếu không có chỉ định phẫu thuật do bệnh lý nội khoa đã nặng.

Dùng ngoại khoa can thiệp 

BS Hoàng Hà cho biết, phẫu thuật thoát vị bẹn với mục đích khâu cổ túi và cắt bỏ túi thoát vị nhằm ngăn chặn hiện tượng thoát vị tiếp tục xảy ra. Tái tạo thành bụng cũng là “đích đến” của các BS trong khi phẫu thuật căn bệnh khó chịu này. Do lớn tuổi và có thể trạng tốt nên anh H. đã được áp dụng can thiệp ngoại khoa. Do mổ kịp thời nên anh chưa phải đặt tấm lưới nhân tạo như một vài bệnh nhân khác. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa thoát vị bẹn và xoắn tinh hoàn vì có những biểu hiện giống nhau nhưng thể trạng lại hoàn toàn khác biệt. Hầu hết những người đàn ông xoắn tinh hoàn thì trước đó không bị “vướng” vào thoát vị bẹn. Nếu da bìu đỏ và một bên treo lên cao mới là biểu hiện của xoắn tinh hoàn.

Anh H. chia sẻ: “Một lần đi tắm nhìn thấy lằn bẹn và bìu sưng bất thường tôi cứ tưởng là hạch nên lúc đầu không để ý. Một tháng sau sờ thấy to hơn nhưng tôi cũng chủ quan và ngại vì không nói chuyện với ai. Cho đến khi có triệu chứng đau nhức nhẹ tôi mới hỏi người nhà là BS. Cũng may là tôi đi khám kịp thời nếu không để lâu thì rất khó chữa”. Theo anh H. sau khi phẫu thuật, tình trạng sức khỏe đã được khôi phục và 3 năm nay đã làm việc, đi đứng bình thường dù khiêng vác nặng cũng không còn đau như trước. Nghe theo lời khuyên BS không làm việc nặng và hạn chế quan hệ vợ chồng trong 3 tháng sau khi mổ, uống nhiều nước, ăn thức ăn có chất xơ nên tôi đã chóng bình phục, bệnh không còn cơ hội tái phát” – anh H. cho biết.

Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)