Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Danh hiệu cao sẽ thành “sao”: Đừng ảo tưởng!

Tạp Chí Giáo Dục

Ca sĩ Phương Vy hiện vẫn chưa thể trở thành “thần tượng” như tên gọi của cuộc thi Việt Nam ido. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình 2010 đang diễn ra, sẽ tiếp tục “cho ra lò” thêm Én vàng, Én bạc. Tuy nhiên, những “cánh én” này có bay cao, bay xa hay không còn phải chờ thời gian trả lời bởi thực tế, từ rất nhiều cuộc thi hiện nay cho thấy: không phải danh hiệu cao là sẽ thành “sao”…
Không thể kể hết các cuộc thi xuất hiện trên sóng truyền hình HTV, VTV, SCTV… thời gian qua như Việt Nam idol, Sao Mai điểm hẹn, Người dẫn chương trình truyền hình, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Chuông vàng vọng cổ, Video clip của bạn, Tôi làm ngôi sao, Tiếng ca học đường, Album vàng, Bài hát Việt… Các tạp chí, báo điện tử cũng “vào cuộc” với Ngôi sao triển vọng điện ảnh, Khát vọng ngôi sao, Ngôi sao tuổi teen Việt Nam, Ngôi sao Bạch Kim… Cuộc thi nào cũng tìm ra những danh hiệu cao nhất, cũng được tung hô trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng rồi cơ hội bật sáng thì mờ mịt, có danh hiệu còn “lặn mất tăm” khiến cho khán giả không khỏi thắc mắc?
Danh hiệu chỉ là danh hiệu?
Một trong những cuộc thi được giới trẻ cả nước quan tâm nhất hiện nay là Việt Nam idol. Bởi lẽ tất cả mọi đối tượng từ công nhân, người khuyết tật, nông dân, du học sinh… đều có cơ hội được tham gia vào vòng “thử giọng” nhằm tìm kiếm cho mình cơ hội được làm thần tượng. Những danh hiệu cao nhất cuộc thi này như Phương Vy, Quốc Thiên, Thanh Duy, Thảo Trang… hiện chỉ mới dừng lại ở tên gọi là ca sĩ trẻ, được khán giả biết đến chứ chưa thể trở thành “thần tượng âm nhạc” được mặc dù các danh hiệu này đã dùng rất nhiều “chiêu” để đánh bóng tên tuổi của mình. Tương tự, các danh hiệu Ngôi sao tiếng hát truyền hình TP.HCM như Phương Trinh, Vũ Bảo, Đỗ Tùng Lâm, Võ Hạ Trâm, Tiêu Châu Như Quỳnh… cũng thế. Hầu như các danh hiệu này thỉnh thoảng mới xuất hiện trong các chương trình “truyền thống” của nhà đài tổ chức, còn khi bước ra thị trường âm nhạc, họ vẫn không thể “đấu” nổi với một số ca sĩ teen “tay ngang” chưa từng có một giải thưởng nào. Cuộc thi Tiếng ca học đường dành riêng cho đối tượng học sinh THPT cũng đã có nhiều cúp vàng đăng quang như Đinh Mạnh Ninh, Bạch Công Khanh, Lê Thái Sơn… nhưng các tên tuổi này sau “niềm hạnh phúc lớn lao” với giải thưởng đã mất hút, không thấy xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc. Trong khi đó thì Noo Phước Thịnh, Ngô Kiến Huy, Akira Phan… lại “làm mưa làm gió” trên thị trường ca nhạc học đường mặc dù trên vai họ không hề “gánh” giải thưởng lớn nào. Các “Chuông vàng, chuông bạc” Nguyễn Ngọc Đợi, Lê Văn Gàn, Võ Thành Phê sau cuộc thi Chuông vàng vọng cổ đã không thể ngân xa tiếng hát vì họ ít có cơ hội để “tiếp thị” mình khiến khán giả quên mau. Nguyễn Ngọc Quang Nhật – giải nhất Ngôi sao triển vọng điện ảnh 2009 đến nay vẫn “án binh bất động” không thấy xuất hiện trong bất kỳ bộ phim nào…
Phải “tự bơi” là chính
Theo ôngVõ Anh Kiệt – Giám đốc Công ty Anh Kiệt – đơn vị tổ chức cuộc thi Tôi làm ngôi sao cho biết:Tiêu chí của cuộc thi này nhằm phát hiện ra những bạn trẻ có niềm đam mê ca hát, chất giọng tốt, có tâm với nghề. Thật ra, tên gọi Tôi làm ngôi sao không có gì lớn lao bởi bất kỳ ai cũng có quyền mơ ước mình trở thành “ngôi sao” trong lòng công chúng, hay nhẹ nhàng hơn chỉ là “ngôi sao” trong lòng bạn bè, gia đình, “ngôi sao” của chính bản thân mình. Những thí sinh đoạt giải cao trong cuộc thi này sẽ được ưu tiên tham gia vào các chương trình do công ty chúng tôi tổ chức như Giai điệu hot, Hát cùng sao hay các chương trình giao lưu văn nghệ vùng sâu – vùng xa… Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ giúp các em định hình phong cách biểu diễn và dạy vũ đạo trên sân khấu một cách chuyên nghiệp… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là sự hỗ trợ bước đầu, còn về lâu về dài, các em có trở thành “ngôi sao” thật sự hay không còn phải do chính thực lực, sự phấn đấu và cả sự may mắn nữa”. Ca sĩ Đức Tuấn đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình xong cũng im ắng trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, khi anh tự làm mới mình với những ca khúc nhạc xưa và cổ điển thì bỗng nhiên “sống lại”. Hai năm qua, Đức Tuấn đã khẳng định được vị trí của mình trong làng âm nhạc với tần số xuất hiện dày đặc trên truyền hình. Tuy không đoạt những giải cao nhất trong cuộc thi MC truyền hình nhưng MC Anh Quân, Quốc Bình, Xuân Hiếu, Anh Thơ… đã nhanh nhạy tự tìm cho mình những hướng đi riêng. May mắn đã mỉm cười với những hướng đi đúng ấy. Bằng chứng là hiện nay, sự xuất hiện của họ trong những chương trình lớn còn nhiều hơn cả các danh hiệu Én vàng. Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm may mắn được tham gia nhiều chương trình nghệ thuật lớn, anh nhanh chóng “bắt cặp” cùng Quế Trân trong nhiều vở tuồng nên “tiếng chuông” của anh vẫn ngân được trong lòng khán giả. Nhạc sĩ Kiều Tấn – Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM chia sẻ: “Thông qua cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, đã có một số gương mặt bật sáng, còn những gương mặt khác thì tùy thuộc vào thực lực, khả năng và sự cố gắng của từng bạn. Sau cuộc thi, Ban tổ chức cũng có xuất kinh phí đào tạo giúp các bạn nâng cao tay nghề, nhưng để vững vàng, bật sáng thì nhờ “nghề dạy nghề” là chính. Như trường hợp của Võ Thành Phê, Lê Văn Gàn, tần số xuất hiện của các bạn trong các vở cải lương của đài ít là vì các bạn này chỉ là những giọng ca salon, phù hợp với các bài bản vọng cổ hơn. Cũng có em thi xong, đoạt giải cao như Nguyễn Ngọc Đợi, Nhơn Hậu còn phải gắn bó, đi lưu diễn với các đoàn địa phương của mình, không có điều kiện về TP.HCM nên mất cơ hội thường xuyên xuất hiện chứ biên tập không hề có sự phân biệt nào…”.
Đặng Tiền Giang

Các bạn trẻ đừng quá ảo tưởng vào các cuộc thi, đừng nghĩ khi đoạt một giải thưởng cao nào đó thì sẽ đường hoàng trở thành một “ngôi sao”. Sự tiếp sức của Ban tổ chức hậu các cuộc thi chỉ bó hẹp trong một phạm vi nào đó mà thôi. Còn lại, ai có khả năng, có bản lĩnh, cơ hội khác thì tự nắm bắt mà đi lên. Không thì danh hiệu vẫn chỉ là danh hiệu.

 

Bình luận (0)