- 1 Danh hiệu có bằng “thương hiệu”?
“Thương hiệu” được tính cho những nghệ sĩ có thực lực, danh tiếng, được đông đảo khán giả yêu mến. Nhưng, những nghệ sĩ này nếu không chịu làm hồ sơ “xin xét tặng” hoặc không tham gia các mùa liên hoan, hội diễn… để có đủ huy chương vàng, bạc sẽ không thể có được danh hiệu NSƯT – NSND…

Khi danh hiệu nể “thương hiệu”
Hôm ra mắt bộ phim “Kén cá chọn chồng”, NSƯT Bảo Quốc dù không có tham gia phim nhưng vẫn đến rất sớm để chúc mừng NSƯT Ngọc Huyền là chủ đầu tư.
Trong lúc ê-kíp phim “Kén cá chọn chồng” đang ngồi trên bàn chủ tọa, chia sẻ thông tin cùng với báo đài thì NSND Thanh Điền đến. Được biết, NSND Thanh Điền có tham gia một vai trong phim này, anh đến trễ vì phải đi tái khám bệnh định kỳ. Thay vì đến trễ thì anh sẽ ngồi ngay vào bàn chủ tọa cùng ê-kíp, nhưng ngước nhìn thấy có vợ chồng NSƯT Bảo Quốc ngồi ở phía dưới khán phòng, NSND Thanh Điền đã nhanh chóng đi thẳng xuống cúi đầu chào vợ chồng NSƯT Bảo Quốc, đồng thời bắt tay bày tỏ sự vui mừng xong anh mới lên bàn chủ tọa ngồi.
Hành động rất nhỏ đó của NSND Thanh Điền khiến nhiều người có mặt vô cùng nể phục. Sau bữa ra mắt, nhắc lại chuyện này, có người đùa với NSND Thanh Điền là “NSND đến chào NSƯT”. NSND Thanh Điền trả lời liền: “Dù tôi là NSND nhưng anh Bảo Quốc là đàn anh đi trước, từng nổi danh trước tôi, anh Bảo Quốc là một danh hài cây đa cây đề có thương hiệu nên tôi phải luôn tôn trọng bậc tiền bối trong nghề. Thật lòng mà nói, “danh hiệu” có đôi khi làm sao bằng “thương hiệu” được?”
Từ câu chuyện này khiến người viết nhớ lại cách ứng xử của cố NSƯT Vũ Linh lúc sinh thời. Hồi ấy, Vũ Linh đang là một ngôi sao sáng, khi tham gia một chương trình đại nhạc hội, người làm poster đã sắp xếp thứ tự tên là Vũ Linh, Lệ Thủy, Út Bạch Lan, Phương Hồng Thủy… Nhưng Vũ Linh nhất quyết không chấp nhận như vậy. Anh đòi họ phải sửa poster lại theo thứ tự : Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Vũ Linh, Phương Hồng Thủy… thì mới chịu diễn. Vũ Linh bảo, tên ai bán vé cũng được, nhưng phải tôn trọng bậc tiền bối thì mình mới tỏa sáng lâu dài được! Không mắc bệnh ngôi sao mới đúng là ngôi sao!
NSND Lệ Thủy từng kể: “Vũ Linh dù rất nổi tiếng nhưng luôn biết kính trên nhường dưới. Trong một lần đi lưu diễn, tôi, Minh Vương và Vũ Linh cùng ở một khách sạn. Thay vì tới giờ là đi diễn luôn, Vũ Linh đến gặp tôi và Minh Vương trước để chào hỏi rồi mới đi…”.
Hôm đến dự buổi ra mắt một đoàn làm phim, nữ MC M. vừa được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT đã trân trọng giới thiệu “Xin mọi người dành một tràng vỗ tay cho NSƯT Tú Trinh” với lòng yêu mến và ngưỡng mộ. Ngay sau đó, NS Tú Trinh đã đính chính: “Xin thưa với mọi người, hiện nay tôi vẫn chưa phải là NSƯT, tôi nói lại cho rõ vì không muốn bị hiểu lầm… Cứ gọi tôi là NS Tú Trinh là tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi…”.

NS Tú Trinh được mệnh danh là “Giọng nói vàng” trong làng lồng tiếng của Việt Nam. Bà cũng đã khẳng định tên tuổi, vị trí của mình trên sân khấu kịch nghệ, cải lương… Vai Thúy Liễu của bà trong vở cải lương “Lan và Điệp” không ai có thể thay thế được. Chính vì thế mà việc bà chưa được trao danh hiệu NSƯT khiến nữ MC M. rất bất ngờ. Nữ MC M. chia sẻ: “Dù chị Tú Trinh chưa được trao danh hiệu NSƯT nhưng trong lòng tôi chị đã là bậc tiền bối, là NSƯT trong lòng tôi và khán giả từ lâu rồi!
Tương tự NS Tú Trinh là NS Ái Như. Tài năng, tên tuổi có thừa nhưng chị cũng chưa được trao danh hiệu NSƯT. Nhưng NS Ái Như không bao giờ buồn vì điều đó. Chị luôn hãnh diện với “thương hiệu Ái Như” của mình trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Có lần, một nhà báo vì quá quý mến tài năng của chị, khi viết bài đã ghi chị là “NSƯT Ái Như”, chị đã gọi điện nhờ đính chính giùm. Đó cũng chính là lòng tự trọng của một nghệ sĩ đỉnh cao!
Có thể nói, những câu chuyện trên là một bài học không bao giờ cũ cho thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ trẻ hiện nay về cái tâm làm nghề, cách đối nhân xử thế của một thế hệ nghệ sĩ thật sự tài năng không màng danh hiệu.
Mong sự công tâm trong việc phong tặng danh hiệu
Có thể thấy, nghệ sĩ có “thương hiệu” chưa chắc đã được xét tặng danh hiệu và ngược lại, nghệ sĩ có danh hiệu NSƯT, NSND – chưa chắc đã có thương hiệu cá nhân trong ngành.
“Thương hiệu” được tính cho những nghệ sĩ có thực lực, danh tiếng, được đông đảo khán giả yêu mến. Nhưng, những nghệ sĩ này nếu không chịu làm hồ sơ “xin xét tặng” hoặc không tham gia các liên hoan, hội diễn… để có đủ huy chương vàng, bạc sẽ không thể có được danh hiệu.
Tài năng, đỉnh cao và sự cống hiến của các nghệ sĩ tài danh xem ra không bằng cái huy chương. Khán giả lại chỉ biết quy tội, đổ thừa cho tấm huy chương vô tri vô giác và tội nghiệp kia.
Tấm huy chương là gì nếu tài năng, tên tuổi và vai diễn của người nghệ sĩ không được khán giả yêu mến, công nhận? Tấm huy chương là gì để mỗi mùa liên hoan, hội diễn sân khấu lại phát sinh nhiều hệ lụy cho nghệ sĩ bắt nguồn từ tấm huy chương. “Mưa huy chương” cứ rơi và khán giả cứ thở dài ngao ngán…?
NSND Kim Cương cho rằng: “Danh hiệu NSƯT – NSND chỉ nên dành cho các nghệ sĩ có những thành tích xuất sắc và đóng góp to lớn cho sự nghiệp nghệ thuật, có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng lớn lao. Không thể cứ tính số lượng huy chương để xét tặng những danh hiệu cao quý này…”.
Một thực tế là nghệ sĩ hoạt động ở miền Bắc hầu hết đều thuộc quân số của các nhà hát, tức là, thuộc quản lý của các cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, nghệ sĩ phía Nam chủ yếu hoạt động tự do. Nghệ sĩ ở cơ quan Nhà nước sẽ có điều kiện tham gia liên hoan, hội diễn để có đủ huy chương, nhưng nghệ sĩ hoạt động tự do sẽ rất khó để đạt đủ chỉ tiêu này”.
Chưa kể, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sau khi về hưu – dù tiếp tục cống hiến, có vai diễn để đời – vẫn không nằm trong danh sách xét tặng, vì không còn tham gia hội diễn, không có giải thưởng cá nhân, không làm hồ sơ xin xét tặng.
Danh hiệu cho tất cả các ngành nghề nghệ thuật, nhà giáo, bác sĩ… là điều rất cần thiết để ghi nhận một quá trình cống hiến cũng như sức ảnh hưởng của họ cho lĩnh vực mà họ hoạt động. Nhưng danh hiệu chỉ có giá trị khi nó được đặt đúng với vị trí tên tuổi của người được nhận. Còn nếu không, nó sẽ hoàn toàn vô nghĩa…!
Anh Khôi
Bình luận (0)