Các cuộc thi ngày càng nhiều, các thí sinh đoạt giải được trao danh hiệu quán quân, á quân cũng tỷ lệ thuận theo. Nhiều bạn cho rằng đoạt các danh hiệu này sẽ nhanh chóng trở thành ngôi sao. Nhưng sự thật không phải như vậy… Một câu hỏi được đặt ra là các danh hiệu này đang về đâu?
Cuộc thi “Sao nối ngôi” trên Đài truyền hình Vĩnh Long
Thực tế nhìn thấy
Thời gian qua, trên sóng Đài Phát thanh, truyền hình như VOH, HTV, VTV, Vĩnh Long, Đồng Tháp, SCTV, HTVC, Bà Rịa – Vũng Tàu… liên tục xuất hiện các cuộc thi Sao Mai, Én vàng, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Chuông vàng vọng cổ, Việt Nam ldol, Giọng hát Việt nhí, Đường đến danh ca vọng cổ, Bông lúa vàng, Tài tử miệt vườn, Solo cùng Bolero, Người hát tình ca, Nhạc hội song ca, Thần tượng Bolero, Người dẫn chương trình truyền hình… Tiêu chí của các cuộc thi này là tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trong các lĩnh vực nghệ thuật, nhưng thực tế, sau những cuộc thi, các danh hiệu vẫn phải tự tìm chỗ đứng cho mình, có danh hiệu còn “lặn mất tăm” khiến cho khán giả không khỏi thắc mắc?
Cuộc thi Sao Mai điểm hẹn những năm trước được khán giả chú ý, theo dõi. Có rất nhiều ca sĩ bước ra từ cuộc thi này nhưng thành công trong làng âm nhạc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một số ca sĩ nhanh nhạy, nắm bắt được cơ hội thì còn xuất hiện được trong một số chương trình ca nhạc lớn, còn không thì cũng an phận với những show diễn lèo tèo để trang trãi cuộc sống. Cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình (tiền thân của cuộc thi MC truyền hình TP.HCM) cũng “cho ra lò” khá nhiều én vàng, én bạc nhưng những cánh én ấy sau cuộc thi vẫn phải “tự bơi”, đến nay thì nhiều cánh én đã chuyển sang làm nghề khác, dần dần bị khán giả lãng quên. Đó quả là một thiệt thòi cho các danh hiệu được xem là “đãi cát tìm vàng”.
Năm 2006, Võ Minh Lâm đăng quang danh hiệu cao nhất của cuộc thi “Ngôi sao vọng cổ” (tiền thân của “Chuông vàng vọng cổ” hiện nay)
Hay như các ca sĩ từng “rinh” được danh hiệu cao nhất của cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình TP.HCM nhưng khi bước ra thị trường âm nhạc, họ vẫn không thể “đấu” nổi với một số ca sĩ… chưa từng có một giải thưởng nào. Thỉnh thoảng các gương mặt này mới xuất hiện trong một vài chương trình ca nhạc của đài, còn hầu hết là tự chạy vạy tìm điểm diễn cho mình.
Là quán quân Việt Nam Idol 2012, Ya Suy không phát huy hết những năng khiếu, sở trường của mình sau khi rời cuộc thi. Liên tiếp vướng vào những scandal, gương mặt Ya Suy dần mờ nhạt trong lòng khán giả. Những cái tên như Giang Hồng Ngọc – quán quân The X-Factor – Nhân tố bí ẩn kiêm quán quân The remix – Hòa âm và ánh sáng, Nhật Thủy – quán quân Vietnam Idol, Tia Hải Châu, Lan Anh – quán quân The winner is – Tôi là người chiến thắng, Minh Trang Lyly – giải nhất Ngôi sao Tiếng hát truyền hình… vẫn chưa có một dấu ấn đậm nét nào trong lòng khán giả sau khi rời cuộc thi.
Với các giải Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, dù hết sức trân trọng nỗ lực của những người thực hiện để duy trì những cuộc thi và lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống. Nhưng người làm nghề vẫn không khỏi chạnh lòng bởi trăn trở hoài: Rồi những cuộc thi như thế này, những giọng ca hay hiếm hoi sẽ đi về đâu?”.
Sau cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, các chuông vàng, chuông bạc mất hút. Nhiều bạn thì rong ruổi đi biểu diễn ở các tỉnh thành xa xôi, một vài lần được mời về TP.HCM tham gia Vầng trăng cổ nhạc hoặc Ngân mãi chuông vàng. Sự xuất hiện quá ít ỏi của họ ở TP.HCM khiến khán giả quên mau thì khó giúp họ trở thành một ngôi sao cải lương được.
Ước mơ trở thành người nổi tiếng là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, việc tìm đến các cuộc thi nghệ thuật giống như con dao hai lưỡi, nếu không thận trọng sẽ dễ bị “đứt tay”. Bản chất của những cuộc thi nghệ thuật không xấu, nhưng các bạn trẻ chỉ nên tham gia vì mục đích giải trí. Không nên coi đó là yếu tố hàng đầu quyết định tương lai, cuộc đời mình mà bỏ bê việc học hành vì bất cứ nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi kiến thức, trình độ văn hóa cao. |
Hiếm hoi lắm mới có một ngôi sao thật thụ như nghệ sĩ Võ Minh Lâm. Năm 2006, Võ Minh Lâm đăng quang danh hiệu cao nhất của cuộc thi “Ngôi sao vọng cổ” tiền thân của “Chuông vàng vọng cổ” hiện nay khi mới 17 tuổi. Năm ấy, NSND Diệp Lang, NSƯT Thanh Điền là hai trong những giám khảo cuộc thi đã dành cho Lâm nhiều lời khen ngợi cũng như “dự đoán” Lâm sẽ là ngôi sao tài năng của tương lai… Nhưng lúc đó, nhiều người vẫn còn hoài nghi… Đẹp trai, hát hay, diễn giỏi và thành công khi tuổi đời còn quá sớm, ai cũng lo sợ Lâm sẽ nhanh chóng “mắc bệnh ngôi sao” rồi sẽ đánh mất chính mình… Nhưng rồi suốt quãng thời gian qua, nỗi lo ấy đã bị dập tắt… Dù Lâm có xuất hiện tràn ngập trên các game show truyền hình, nhưng Lâm không bao giờ “bỏ bê” sân khấu cải lương, nơi đã đưa tên tuổi của Lâm đến gần với khán giả… Lâm bắt nhịp công nghệ, thực hiện kênh Youtube với những sản phẩm được đầu tư kỹ càng để gửi đến khán giả trẻ như một cách “giữ lửa” cho cải lương.
Đừng quá ảo tưởng!
Đoạt giải thưởng cao trong một cuộc thi nghệ thuật nào đó, nhiều bạn trẻ cứ ngỡ mình sẽ được “đổi đời”. Bởi lẽ, có được “tấm giấy thông hành” này thì sẽ nhanh chóng trở thành “sao”, không phải trải qua những giai đoạn thử thách khác. Nhưng thực tế không đơn giản như thế. Tài năng là một chuyện nhưng nếu không có cơ hội và sự may mắn thì “giấc mộng thành sao” mãi mãi sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Thế mới biết, các bạn trẻ đừng quá ảo tưởng vào các cuộc thi, đừng tưởng khi đoạt một danh hiệu cao nào đó thì sẽ đàng hoàng trở thành một ngôi sao. Sự tiếp sức của ban tổ chức sau các cuộc thi chỉ bó hẹp trong một phạm vi nào đó mà thôi. Còn lại, ai có khả năng, có bản lĩnh, cơ hội khác thì tự nắm bắt mà đi lên. Không thì danh hiệu vẫn chỉ là một danh hiệu!
Sân khấu ca nhạc, sàn diễn kịch, cải lương hiện tại khá đìu hiu nên dù có đoạt danh hiệu cao thì cơ hội làm nghề cho các thí sinh cũng quá ít ỏi. Vì thế, để các danh hiệu ấy thật sự tỏa sáng thì cần lắm sự hậu thuẫn của ban tổ chức sau các cuộc thi, đúng như tiêu chí đưa ra là “bồi dưỡng các tài năng”. Chứ nếu thi chỉ để trao danh hiệu xong rồi “ai về nhà nấy” thì quả thật rất đáng tiếc…!
Anh Khôi
Bình luận (0)