Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Đánh thức” Hải Vân quan

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tháng 5-2017, hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP.Đà Nẵng cùng đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia Hải Vân quan. Những cái siết chặt tay của lãnh đạo đầu ngành văn hóa của hai tỉnh thành nơi di tích được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” này mở ra một trang mới cho Hải Vân quan.

Lãnh đạo hai địa phương đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia Hải Vân quan

“Đệ nhất hùng quan” có một không hai

Bao nhiêu năm chìm trong hoang phế, Hải Vân quan đã được chung tay đánh thức, bảo tồn, trùng tu. Nhưng để trở thành điểm đến hấp dẫn trên tuyến tour du lịch miền Trung cần nhiều hơn những sự chung tay bền chặt như thế!

Hải Vân nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển, giữa ranh giới hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng, Hải Vân quan được biết đến với phong cảnh sơn thủy hữu tình với một bên là đèo cao quanh năm mây phủ và một bên là nước biển trong vắt. Thư tịch cổ ghi lại rằng, đầu thế kỉ XIX, Phú Xuân – Huế trở thành thủ đô của cả nước, Hải Vân quan càng trở nên quan trọng, là cửa ngõ đi vào kinh kỳ, cần phải tăng cường phòng ngự. Với địa thế đó, tháng 2-1826 (năm Bính Tuất), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân, cửa vòm phía Nam ghi chữ “Hải Vân quan”, vòm cửa Bắc ghi chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Công trình do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân xây dựng. Sau đó, triều đình phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến đây trấn thủ đóng giữ.

Tại buổi trao bằng công nhận di tích Hải Vân quan, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng đã yêu cầu hai địa phương khẩn trương đẩy mạnh công tác giới thiệu, tuyên truyền giá trị các mặt của di tích, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong cộng đồng để di tích trở thành điểm đến hấp dẫn cũng như tiếp tục nghiên cứu giá trị di tích và từng bước triển khai Dự án tu bổ, tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch của địa phương…

Năm 1837, khi nhà Nguyễn đúc Cửu Đỉnh – một biểu tượng về sự trường tồn và thống nhất – Hải Vân quan được khắc vào Dụ Đỉnh. Ngày đó, Hải Vân quan là một cụm kiến trúc độc đáo gồm hai cửa vòm, nhà trú sở, hệ thống thành lũy… Một thời khi chưa có hầm Hải Vân xuyên qua lòng núi, đệ nhất hùng quan trở thành điểm dừng chân cho bao du khách mỗi khi vượt đèo vô Nam, ra Bắc trên chặng hành trình dài ngót 20 cây số cheo leo, hiểm trở.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, Hải Vân quan dường như chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của những người ham mê vượt đèo, ngày một xuống cấp trở thành phế tích. Công bằng mà nói, dù bị quên lãng chuyện trùng tu, gìn giữ nhưng Hải Vân quan vẫn sống trong tâm thức của những người mê phong cảnh nơi miền mây trắng này. Sau khi hầm Hải Vân thông tuyến, một thời gian dài cung đèo qua Hải Vân quan trở thành nỗi ám ảnh của bao người đi đường bởi nạn cướp giật. Nhưng điều đó diễn ra không lâu, khi ngành chức năng hai bên vào cuộc, những số điện thoại đường dây nóng được ghi khắp các bức tường qua đèo. Nhiều thanh niên, du khách nước ngoài, thậm chí cả những đôi trẻ nên duyên chồng vợ đều chọn đỉnh đèo này làm điểm dừng chân thưởng ngoạn, chụp ảnh cưới ghi dấu ấn cuộc đời.

Tôi cũng gặp ở đó một gã thơ Lại Thanh Hà suốt mấy chục năm sống cùng Hải Vân quan, thủy chung và thầm lặng trồng từng gốc cây, xếp từng viên đá để di tích bớt hao mòn do mưa nắng. Và còn rất nhiều người khác nữa, những cư dân “nhảy dù” cắm lại với đỉnh đèo để mưu sinh bằng nghề thay nước mui cho xe tải, bán hàng lưu niệm, nước giải khát…

Cần cái nắm tay bền chặt

Bước ngoặt của Hải Vân quan là vào năm 2014, sau khi phát hiện một dự án du lịch nghỉ dưỡng của nhà đầu tư nước ngoài được tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép xây dựng ngay trên đèo Hải Vân, lãnh đạo TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế mới nhận ra những điều quý báu đang dần mất đi. Dự án sau đó bị dừng. Tỉnh Thừa Thiên – Huế chịu mọi chi phí đền bù cho chủ đầu tư. Sự “giật mình” ấy của hai tỉnh cận kề sở hữu Hải Vân quan kéo theo nhiều cuộc bàn luận, bắt tay tu bổ, gìn giữ di tích có một không hai trên hành trình thiên lý Bắc – Nam này.

Di tích quốc gia Hải Vân quan

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, giữ gìn, trùng tu di tích là việc phải làm ngay, không thể chậm trễ hơn. “Để tôn tạo lại di tích Hải Vân quan, chúng ta cần phải có khảo cổ di tích, cần phải có các nhà khoa học để đánh giá”, ông Dung nhìn nhận. Còn phía Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP cho rằng, cần khẩn trương để bảo vệ di tích Hải Vân quan, cần thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay bảo vệ di sản chung. Và việc mà hai tỉnh thành này đã thực hiện đó là ký kết bản ghi nhớ về phối hợp để quản lý di tích với sáu nội dung, trong đó nhấn mạnh việc lãnh đạo hai địa phương phối hợp chỉ đạo xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hải Vân quan; phối hợp chỉ đạo việc lập hồ sơ quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân quan gắn với phát triển du lịch bền vững…

Hải Vân quan những ngày sau khi được cắm biển khoanh vùng di tích, lòng người dân hai địa phương lại rộn ràng hi vọng. Tin rằng những cái bắt tay ấy bền chặt dài lâu và có nhiều hơn những động thái trùng tu, tôn tạo để Hải Vân xứng với vị thế thiên hạ đệ nhất hùng quan từng được mệnh danh!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)