Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đánh thức những giá trị văn hóa dân gian

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THPT Bùi Thị Xuân tham quan các gian hàng

Vừa qua, học sinh (HS) Trường THPT Bùi Thị Xuân đã có một ngày “Tết sớm” với nhiều hoạt động cực kỳ thú vị và ý nghĩa trong buổi ngoại khóa văn học dân gian có chủ đề “Đánh thức giấc mơ cổ tích”.
Mới, lạ, hấp dẫn
Đúng như tên gọi… Tết sớm. Sân trường THPT Bùi Thị Xuân hôm đó không còn trầm lắng, căng thẳng vốn có trong các giờ học mà thay vào đó là sự nhộn nhịp, tràn ngập sắc màu của những tà áo dài, áo tứ thân, áo bà ba truyền thống của giáo viên và học sinh. Khuôn viên trường cũng mất đi sự gọn gàng bởi các khoảng trống đều được tận dụng tối đa để bày hàng quán, trò chơi dân gian… Với chủ đề chính là văn học dân gian, ngày hội đã tập trung khai thác nhiều khía cạnh truyền thống văn hóa qua các tác phẩm văn học dường như đã bị các “cậu ấm cô chiêu” bỏ quên trước lối sống hiện đại. Không ít HS đã tỏ ra ngạc nhiên khi lần đầu tiên được nghe bạn mình hát những làn điệu dân ca như lý kéo chài, lý đất giồng, ví dặm… hay đến thế. Các em không ngần ngại thể hiện những động tác minh họa tươi vui, dí dỏm làm nổi bật vần điệu cũng như phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của các vùng miền.
Sau những giây phút được thăng hoa trong những làn điệu trong trẻo, mượt mà, các em HS có dịp ôn lại những tác phẩm văn học dân gian đã được học ở lớp dưới. Đó là câu chuyện về nàng Tấm hiền lành, chịu thương chịu khó trong truyện cổ tích Tấm Cám, là chàng trai Đam San dũng cảm trong trích đoạn Chiến thắng Mtao Mxay của sử thi Đam San… Cũng là cốt truyện cũ, nhưng với sự sáng tạo cùng lối diễn xuất dí dỏm, các tác phẩm như được thổi thêm làn gió mới, phù hợp với “xì-tai” hiện đại của tuổi học trò. Đặc biệt, sau vở diễn xướng Tấm Cám truyền thống của lớp 10A12, cả sân trường lại rộn lên những tràng cười không ngớt khi xem vở diễn xướng Tấm Cám hiện đại của lớp 12A6. Nàng Tấm của thời hiện đại đã biết sử dụng Iphone, laptop; ông Bụt râu tóc bạc phơ cũng được thay thế bằng yahoo chat, google… với những câu hỏi kiểu “Làm thế nào để đi dự tiệc?”, “Nơi đâu có hoàng tử”… Không chỉ thế, sân khấu dưới bàn tay biến hóa nhanh nhạy của các cô cậu học trò trong phút chốc biến thành… trường thi dưới triều Nguyễn qua phần “lai kinh ứng thí” của lớp 11A1. Với các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, các “sĩ tử” đã khắc họa màu sắc trang trọng trong khoa cử ngày xưa qua hình ảnh không khí trường thi, cảnh kẻ khóc người cười khi nhận kết quả hay cảnh vinh quy bái tổ về làng của những người đỗ đạt cao, được làm quan trong triều đình. Bên cạnh đó, các “sĩ tử” còn khéo léo lồng ghép những hiện tượng tiêu cực tồn tại từ xưa tới nay trong thi cử như nhắc bài, “rò rỉ” đề thi, cảnh nhốn nháo ở chốn trường thi…
Đậm đà bản sắc dân tộc
Không chỉ được cảm nhận nét truyền thống văn hóa qua những bài văn học dân gian, các em HS còn được thể hiện sự khéo léo của mình trong những phần thi như gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả, viết câu đối Tết. Nhìn hình ảnh các “thầy đồ” gò lưng cho chữ, các thợ làm bánh toát mồ hôi để cho ra những chiếc bánh… muôn hình vạn trạng mới hiểu công việc này không hề đơn giản chút nào với những cậu ấm, cô chiêu vốn được bảo bọc trong sự chăm sóc quá chu đáo của gia đình. “Mỗi lớp chỉ có 5 người gói nhưng các bạn tranh luận mỗi người một ý làm cho không khí ồn ào hẳn lên. Dù đã được chia đều các nguyên liệu làm bánh nhưng hầu như các lớp đều xảy ra tình trạng thiếu, thừa do lần đầu gói bánh. Em nghĩ các bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn sau lần thử thách này, thậm chí nhiều bạn Tết này đã có thể chung tay cùng gia đình chuẩn bị Tết”, Diệp Gia Uyên – bí thư Đoàn trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ. Cô Trần Thị Thanh Thủy – Tổ trưởng Tổ văn – cho rằng qua ngày hội văn hóa dân gian sẽ giúp các em HS hiểu rõ hơn về phong tục tập quán, yêu đất nước mình hơn. “Tôi nhìn thấy sự yêu thích, nguồn cảm hứng hiện ra trong từng ánh mắt các em. Nhiều em như đang “say” khi xem những tiết mục do bạn mình thể hiện. Để phát huy tối đa tính hiệu quả của ngày hội, chúng tôi còn một số trò chơi dân gian vui nhộn khác như bịt mắt bắt vịt, ô ăn quan, nhảy sạp, ném còn, cho các em chuyển thể truyện cổ tích dân gian sang thể loại truyện tranh…”, cô Thanh Thủy cho biết.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Buổi ngoại khóa văn học dân gian là một hoạt động chuyên môn bổ ích, lý thú và có tính khả thi. Những hoạt động trong buổi ngoại khóa sẽ đánh thức trong các em những giá trị văn hóa truyền thống bấy lâu nay bị lãng quên. Đây cũng là một trong những hoạt động góp phần xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong trường học hiện nay”, ông Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)