Ông Phạm Tấn Hạ – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – giải đáp thắc mắc cho học sinh
|
Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Tại đây, nhiều câu hỏi “nóng” đã được học sinh đặt ra như: Chọn hai môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được không? đối tượng nào được tuyển thẳng vào ĐH?…
Nên dự thi bên cạnh nộp hồ sơ tuyển thẳng
Mở đầu chương trình, một học sinh lớp 12 chuyên Anh 1, hỏi: “Em đạt giải 3 quốc gia môn tiếng Anh. Em muốn nộp hồ sơ tuyển thẳng vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM thì phải đạt những điều kiện gì?”. TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, em là đối tượng thuộc diện được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà em đã đoạt giải. Tuy nhiên, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM dành không quá 5% chỉ tiêu cho các đối tượng thuộc diện tuyển thẳng ĐH nên trường sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký theo diện này và xét từ trên xuống dưới cho đến khi đủ số lượng”. Cũng hỏi về diện tuyển thẳng, em Phan Quang Minh (học lớp 12 chuyên lý 1) băn khoăn: “Em đoạt giải 3 hội thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia với đề tài thuộc lĩnh vực vật lý – thiên văn học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề tài em có sử dụng nhiều kiến thức về lập trình phần mềm. Như vậy em sẽ được tuyển thẳng vào ngành khoa học máy tính hay chỉ được tuyển thẳng vào ngành liên quan đến vật lý, thiên văn học?”. Vấn đề này được TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, trả lời: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh đoạt giải 3 trở lên tại hội thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được xem xét tuyển thẳng vào ngành đúng hoặc ngành gần với môn thi đoạt giải. Với đối tượng tuyển thẳng này, trường sẽ căn cứ trên tên gọi và nội dung đề tài để xem xét. Vì vậy, em nên nộp hồ sơ tuyển thẳng vào ngành liên quan đến vật lý và thiên văn học. Thực tế, các trường sẽ có hội đồng đánh giá cụ thể từng trường hợp tuyển thẳng. Nhiều trường như ĐH Bách khoa TP.HCM, mỗi ngành chỉ tiêu dành cho tuyển thẳng tối đa 5%, trong đó bao gồm nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy, để có cơ hội trúng tuyển cao, em vẫn nên dự thi bên cạnh nộp hồ sơ tuyển thẳng vào các trường”.
Ngành kỹ thuật chỉnh răng không thi năng khiếu
Một học sinh lớp chuyên lý 2 thắc mắc: “Em nghe nói sau khi đậu vào ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì khoa này sẽ mở một đợt xét tuyển lần 2. Điều này có đúng không? Nếu có thì cách xét tuyển như thế nào?”. Trả lời vấn đề này, ThS. Nguyễn Dũng Tuấn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khẳng định: “Về cơ bản, nhà trường không có đợt xét tuyển lần 2 cho bất cứ ngành học nào tại trường. Tuy nhiên, trong ngành bác sĩ đa khoa của trường có Khoa Y Việt Đức, là hình thức đào tạo liên kết giữa trường và Cộng hòa liên bang Đức. Những sinh viên học ngành này sẽ nhận bằng ĐH do Bộ GD-ĐT cấp, nhưng có cơ hội được học sau ĐH tại các trường ĐH của Đức nên các sinh viên muốn tham gia chương trình học này sẽ phải thông qua đợt xét tuyển”.
Trước yêu cầu của một học sinh lớp chuyên hóa 2 muốn biết về môn thi năng khiếu của ngành kỹ thuật chỉnh răng Trường ĐH Y dược TP.HCM, PGS.TS Đặng Văn Tịnh, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho hay: “Theo dự thảo tuyển sinh trước đây được đưa ra thì trường dự kiến sẽ xét tuyển thí sinh dựa vào tổ hợp điểm kỳ thi THPT quốc gia thi khối B (chiếm 60%) và điểm môn thi năng khiếu là môn điêu khắc hoặc nặn tượng (chiếm 40%). Nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, trường quyết định không áp dụng đề án tuyển sinh này vì chưa phù hợp với kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, đề án này rất có thể sẽ được nhà trường áp dụng cho mùa tuyển sinh 2016 và những năm tiếp theo.
Không thể chọn môn ngoại ngữ khác nếu đã đăng ký thi môn tiếng Anh
Em Vũ Ngọc Phương Anh (học lớp 12 song ngữ) hỏi: “Trong kỳ thi THPT quốc gia, ngoài 3 môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ thì em có được chọn thêm một môn ngoại ngữ khác để thi không?”. Giải đáp băn khoăn này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Trong quy chế thi của Bộ GD-ĐT không đề cập tới vấn đề này. Ngoài 3 môn bắt buộc, em sẽ phải tự chọn 1 môn trong các môn lý, hóa, sinh, sử, địa để tham dự kỳ thi. Về nguyên tắc, em có thể chọn một môn ngoại ngữ khác để thay thế môn tiếng Anh. Tuy nhiên nguyện vọng của em rất khó thực hiện vì có thể các môn ngoại ngữ sẽ cùng thi vào một thời gian, nên nếu em muốn chọn môn ngoại ngữ khác để thi thì cũng sẽ không thi được”.
Tương tự, một học sinh hỏi về việc rút hồ sơ khi đăng ký nguyện vọng vào một trường cho khối thi A1 và D1 nếu đăng ký thi 4 môn: Toán, lý, hóa và tiếng Anh. TS. Nguyễn Đức Nghĩa khuyên: “Không cần phải rút hồ sơ vì em có thể đăng ký cả 2 khối thi vào cùng một ngành trong cùng một giấy đăng ký nguyện vọng. Nhưng em phải lưu ý là khối thi nào có điểm thi cao nhất phải được ưu tiên hàng đầu. Trường hợp em rút hồ sơ để đăng ký lại vẫn được trường chấp nhận, nhưng em phải đóng 30.000 đồng cho một lần nộp giấy xét tuyển nguyện vọng vào trường theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ngành nào xét tuyển khối D3 (toán, văn, tiếng Pháp)? (nhiều học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hỏi)
– ThS. Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: Trường ĐH Hoa Sen có nhiều ngành tuyển sinh khối D3 như: Kế toán, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành…
– TS. Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin Trường ĐH Văn Lang, cho hay: Trường ĐH Văn Lang có ngành du lịch tuyển sinh khối D3. Sinh viên có thể học 4 năm tại trường và 1 năm tại Pháp để được lấy bằng thạc sĩ về du lịch.
Linh Vy (ghi)
|
Bình luận (0)