Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dành trọn tình yêu cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Suốt ba mươi năm, với muôn vàn đổi thay của cuộc sống, cô vẫn đều đặn đến trường trên chiếc xe đạp cũ, những bộ áo quần chỉ một màu đồng phục: áo sơ mi trắng, quần tây xanh. Nhưng đối lập với những điều tưởng chừng đơn điệu ấy, cô luôn dành cho học trò tình yêu thương và sự tận tâm của một người mẹ. Đó là chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Phượng Hải, GV Trường Mầm Non Hoa Ban (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng). 

Dù tóc có ngã màu tiêu muối, đứng trước trẻ, cô giáo Hải vẫn say sưa đầy nhiệt huyết

“Chị ấy là một giáo viên đặc biệt!”. Lời nhận xét của cô Lê Thị Thu Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban đã phần nào lý giải cho chúng tôi về dăm ba lần hẹn thông qua cô mới tìm gặp được cô giáo Hải. Câu chuyện đặc biệt có phần khắc kỷ về cô giáo Hải khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác!

Bình tâm giữa vòng xoáy công nghệ

Cô Hải tiếp chúng tôi sau giờ dạy kết thúc. 54 tuổi, cô Hải đến với nghề giáo đã ngót 30 năm chẵn. Ngần ấy thời gian, cô đều đặn đến trường trên chiếc xe đạp cũ, dù bao nhiêu năm, những đồng nghiệp vài ba lần thay xe máy mới. Không xe máy, không điện thoại di động, muốn tìm cô, chỉ còn cách đến trường. Cô Hải bảo: “Mình thấy cuộc sống của mình đã đủ đầy rồi!”. Nghĩa đủ đầy theo cách lý giải của cô khiến người đối diện thán phục. Nhà cách trường tầm 5 cây số, mỗi ngày, cô thức dậy từ 5 giờ sáng, lọc cọc đạp xe đến trường. Tầm 5 giờ 30 là cô đã có mặt ở lớp học, bắt đầu cất đặt, kê lại những dụng cụ học tập, quét căn phòng, lau dọn sạch sẽ để sẵn sàng đón trẻ. Công việc đâu vào đấy, cô bắt đầu ăn bữa sáng với ổ bánh mì hay vắt xôi mua vội trên đường trước giờ đón trẻ. Cuối chiều, cô cũng là người rời trường muộn nhất, sau khi đã bàn giao đứa trẻ cuối cùng cho phụ huynh, xếp đặt ngăn nắp mọi thứ trong lớp học.

Nhiều đồng nghiệp, phụ huynh và học trò đều quen với hình ảnh một cô giáo tóc ngã màu tiêu muối, luôn trong trang phục quần xanh áo trắng chỉn chu, phẳng nếp là. “Mình yêu trường lớp và thích màu trang phục như vậy. Với mình đó là hình ảnh gần gũi và đứng giữa học trò, mình thấy khoảng cách giữa trò với cô giáo gần lại”, cô Hải trải lòng. Công nghệ mới với người giáo viên 30 năm đứng lớp này, có lẽ là những đồ dùng học tập do cô tự mày mò làm ra cho trẻ. “Lớp học của cô Hải luôn tỏa sáng với những trang trí bắt mắt. Căn nhà của cô cũng vậy, ngoài chiếc giường ngủ đơn giản, phần lớn không gian đều dành cho những nguyên vật liệu và những đồ dùng học tập cho các con do cô tự làm”, cô Lan cho biết thêm.  

Trường là nhà, trẻ là con

Xem mọi thứ chỉ là phương tiện để phục vụ công việc, cuộc sống của cô Hải dành phần lớn tình yêu cho mái trường nơi cô công tác. Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, đông chị em. Tốt nghiệp THPT, cô Hải vào lớp Trung cấp Mẫu giáo. Năm 1989, cô về dạy học ở Trường Mầm non Hoa Ban. Vừa dạy học, vừa nâng cao nghiệp vụ thông qua các lớp tập huấn. Tuổi trẻ, mãi mê với nghề, cộng thêm cuộc sống khó nghèo, 46 tuổi, cô mới tìm thấy người bạn đời tri kỷ. Hạnh phúc muộn mằn gõ cửa! Nhưng niềm vui không đến thêm lần nữa khi tổ ấm của vợ chồng cô thiếu tiếng cười con trẻ. Thế là bao nhiêu khát khao, yêu thương cô dồn hết cho các cháu mầm non ở lớp học.

Ngoài giờ lên lớp, cô giáo Hải còn dạy cho các em cách chăm sóc cây xanh
Hỏi cô Hải về bí quyết chăm trẻ, cô cười hiền: “Trẻ con, mình yêu thương thật lòng thì sẽ được các em yêu thương lại. Còn với sự vâng lời thì mình phải gần gũi, nắm bắt tâm lý các con và tìm ra phương pháp đối với tính cách mỗi đứa chứ không khuôn mẫu, ép buộc hay la mắng”.

Dù đã qua thời tuổi trẻ, nhưng ở trường, cô Hải luôn được học trò yêu mến. Những tiết học luôn hào hứng và rộn rã tiếng cười vui khi cô và trò, một mái tóc tiêu muối và nhiều mái tóc non tơ hòa làm một, khiến ai một lần chứng kiến cũng thèm cảm giác trở lại ấu thơ. Cô Lan kể, ngày trước nhìn thấy vẻ đơn giản của cô Hải, có phụ huynh xin chuyển con sang lớp khác. Thế nhưng một tuần sau lời đề nghị của cô hiệu trưởng, để trẻ có thêm thời gian làm quen, chính phụ huynh ấy là không xin chuyển lớp nữa bởi con rất thích cô Hải. Trong câu chuyện về cô Hải, có một điều thật đặc biệt, dù luôn khắc kỷ với mình nhưng cô Hải lại hào phóng với trẻ. Cô sẵn sàng trích vài triệu đồng tiền lương để mua sắm vật dụng làm đồ dùng học tập cho các em. Với người quen, đồng nghiệp mỗi lúc khó khăn, cô Hải đều sẵn lòng giúp đỡ… Hỏi cô Hải về bí quyết chăm trẻ, cô cười hiền: “Trẻ con, mình yêu thương thật lòng thì sẽ được các em yêu thương lại. Còn với sự vâng lời thì mình phải gần gũi, nắm bắt tâm lý các con và tìm ra phương pháp đối với tính cách mỗi đứa chứ không khuôn mẫu, ép buộc hay la mắng”.

Trò chuyện với cô, ngắm nhìn những động tác múa hát say sưa với trò, nhận ra một tình yêu trẻ vô điều kiện ở cô Hải. Còn nhớ, năm 2003, cô được tín nhiệm bầu làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Hai năm sau, dù hoàn thành nhiệm vụ tốt nhưng cô vẫn một mực đề đạt nguyện vọng xin trở lại làm giáo viên đứng lớp. “Làm quản lý mình không gặp khó khăn, nhưng mình nhớ trẻ quá, muốn trở lại để gần gũi các con hơn. Thế là xin lại làm giáo viên”, cô Hải nói.

30 năm gắn bó Trường Mầm non Hoa Ban, gần 15 năm cô Hải vinh dự là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần được công nhận là giáo viên giỏi cấp thành phố. Năm 2014 là giáo viên giỏi quốc gia, được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen; 2 lần đạt giải A, B tại Hội thi làm đồ dùng dạy học cấp quận cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác… Cô Hải bảo rằng, niềm vui lớn nhất của cô chính là được học trò yêu mến.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)