Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Dành trọn tuổi xuân cho học sinh vùng cổng trời

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu quân lên vùng cao An Toàn, An Lão, Bình Định suốt 10 năm nhưng không “thèm” về đồng bằng. Đã 3 lần hoàn thành thủ tục chuyển về xuôi mà lòng vẫn vấn vương. Tất cả cũng bởi “sống với đám trẻ dân tộc lâu ngày nên quen cái mùi của các em rồi”.

Đó là câu chuyện về cô giáo Mai Xuân, 42 tuổi, người tình nguyện lên truyền con chữ cho người dân tộc ở tận cổng trời trong 10 năm qua.
Chúng tôi cùng hành quân lên vùng cao An Toàn để chấm điểm làng văn hóa, vất vả gian truân trên mỗi thước đường chỉ rõ, “cứ đi là hiểm nguy trước mặt”, trước mắt là hàng trăm cái dốc dựng đứng, mắt nhắm tịt, miệng la hét, tay bám chặt vào hông của chiếc U oát rồi để mặc cho ông tài điều khiển. Xe đi đến đâu tiếng máy nổ không khác gì máy xay đá.
 Cô giáo Mai Xuân luôn là giáo viên giỏi của trường, của huyện. (Ảnh: Hà Khê)
Nhưng rồi cả đoàn cũng đến được tại thôn 3, thăm nom học sinh rồi lại tiếp tục hành trình thêm những chặng đường vất vả mới đến thôn 2, rồi thôn 1 nằm cách nhau chừng 5 cây số nhưng để đến được cũng phải mất cả buổi trời leo núi.
Chúng tôi quyết định chọn trường học là điểm đến trước tiên, ấn tượng và bất ngờ ngay từ những tiếng chào hỏi, nét mặt hăm hở của học sinh bộc lộ khi có khách lạ. Chưa biết là  ai nhưng trên mỗi đôi mắt trẻ thơ đều từ  từ rơi những giọt lệ long lanh khi chúng nhìn thấy cô giáo chúng khóc, chúng tôi cũng khóc theo… Những câu chuyện tích tụ của cô giáo Mai Xuân với “thâm niên” 10 năm bám trụ vùng cao từ từ được đồng nghiệp của cô kể hết cho chúng tôi nghe.
“Cùng đợt lên An Toàn dạy học với Mai Xuân đều lần lượt trở về xuôi khi hết thời gian phân công công tác, người thì 2 năm, có người cố gắng đến 3 năm là hết chịu nổi. Nếu không có tình yêu với các em thì có lẽ Mai Xuân cũng đã về từ lâu chứ không trụ lại được ở cái vùng đất chỉ có núi rừng và sương gió này” – thầy giáo cùng trường Lê Văn Tâm kể về đồng nghiệp.
Theo lời tâm sự của cô giáo Mai Xuân, cách đây 10 năm, khi cùng 10 giáo viên trẻ khác thi công chức để tình nguyện lên vùng cao An Toàn dạy học, cô đã từng bị chồng và gia đình nhà chồng phản đối dữ dội. Cứ tưởng phải đánh đổi hạnh phúc để giữ cho được nghề giáo, nhưng rồi chồng cô cũng phải chịu thua và sống cảnh “gà trống nuôi con” từ đó đến nay.
“Mình tình nguyện ở lại đây cũng có lý do chính đáng, trước hết là vì mình đã quen với môi trường trên đây nên nếu được luân chuyển về xuôi thì ở dưới giáo viên khác phải lên cũng vậy, họ lại bắt đầu với nước mắt như mình trước kia. Vì thế mình quyết định tình nguyện ở lại ít nhất cũng giúp được một đồng nghiệp thay mình”, Mai Xuân chia sẻ.
 Cô Mai Xuân tình nguyện gắn bó với vùng cao An Toàn vì cô yêu đám trẻ nơi đây.
(Ảnh: Hà Khê)
Ông Đinh Văn Lý, Bí thư xã An Toàn nhận xét: “Mai Xuân là một cô giáo đặc biệt, luôn là giáo viên giỏi của trường, của huyện nhưng cô ấy tình nguyện ở lại với vùng cao An Toàn chỉ vì cô yêu đám trẻ vùng cao. Xa chồng, xa con, lên đây một năm cũng chỉ về được vài lần nên sự khát khao tình mẹ cô dành hết hết cho bọn trẻ ở đây. Ai cũng thương cô nên đã bao lần làm xong thủ tục cho cô về xuôi nhưng khi cô bước chân ra đi thì đám trẻ khóc ré lên, cuối cùng chính mấy đứa trẻ ấy đã níu bước được cô giáo đẹp người, đẹp nết Mai Xuân ở lại”.
Sau một đêm ấm cúng nghĩa tình dân bản, chúng tôi phải lên đường về xuôi. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của của Mai Xuân rằng “kỉ niệm của ngày nhà giáo trên tận cổng trời này không có tiệc tùng, không có quà cáp, ở đây chỉ có những bông hoa lan rừng mà đám trẻ ngắt tặng cho thầy cô mà ở dưới xuôi không bao giờ có được”.
Hà Khê/Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)