Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Đánh vật” với kiểu học chỉ nghe và chép

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một trong những lý do khiến sinh viên (SV) yếu ngoại ngữ là do ý thức của… SV. Nghe có vẻ lạ nhưng thực chất là vậy. Hiện nay phần đông SV học theo lối thụ động, không có sự sáng tạo, học chủ yếu là để cho qua các kỳ thi khảo sát ở trường hoặc kiếm được cái chứng chỉ để được tốt nghiệp… nên họ học hoài cũng không thể tiến triển lên được. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại một cách khách quan là phương pháp giảng dạy ngoại ngữ ở các trường đại học hiện nay đã có sự đổi mới chưa hay vẫn tồn tại cách dạy “nghe và chép” khiến cho SV học nhiều nhưng không giao tiếp được.
Sách “gối đầu giường” của SV trường tôi học vẫn là Life LineStreamline, vì thế mỗi buổi học chúng tôi đều được ghi và chép rất nhiều cấu trúc ngữ pháp trong cuốn sách này. Quanh đi quẩn lại bốn năm học đại học, chúng tôi chỉ học các cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh như các thì hiện tại, thì quá khứ, thì tương lai; các mệnh đề chính, mệnh đề phụ; câu điều kiện loại một, điều kiện loại hai… Mà các cấu trúc này cũng đã được dạy ở bậc phổ thông nhưng khi ứng dụng vào các câu trong từng ngữ cảnh cụ thể chúng tôi chịu thua, không thể ứng dụng được. Có lẽ, do chương trình quá rộng nên giảng viên buộc phải nhồi nhét lý thuyết nhiều trong một buổi học, trong khi thời gian ứng dụng thì lại quá ít nên khi làm bài tập chúng tôi cũng rất rập khuôn. Mỗi buổi học chúng tôi được giáo viên cho chép ít nhất là 4 bài về các cấu trúc ngữ pháp và làm các ví dụ trong sách, học hết 4 bài đó, coi như cũng đã mất hết 2/3 thời gian rồi thì còn bao nhiêu thời gian nữa để học nghe và nói.
Sau khi giảng hết ngữ pháp, còn chút ít thời gian giảng viên mới mở băng cho chúng tôi học nghe. Phần này, SV thường được nghe ở cuốn băng của giáo trình Life Line, có khi ngẫu hứng giảng viên lại cho nghe một bài hát bằng tiếng Anh và điền từ còn thiếu trong đoạn băng nghe được. Khi giảng viên yêu cầu ghi đúng 10 từ nghe được thì họa hoằn lắm mới có vài bạn nghe được dăm bảy từ. Phần nghe là rất quan trọng vì có nghe được SV mới biết được người ta nói cái gì để giao tiếp nhưng vì thời gian hạn hẹp nên phần này chỉ được học chừng… 30 phút. Mỗi tuần lên lớp học nghe như thế, tôi nghĩ có học 10 năm cũng không thể giỏi hơn.
Đó là phần nghe, còn phần nói thì có lẽ hài hước hơn nhiều. Hiện không còn tình trạng quá tải ở mỗi lớp (khoảng vài trăm SV) như những năm về trước nhưng với số lượng khoảng 50 SV/lớp mà chỉ có một giảng viên dạy thì cũng khó có thể hoàn thành bài giảng. Bởi vì một giảng viên không thể kèm từng SV để đàm thoại nên đã phân chia ra thành từng nhóm và đưa ra chủ đề để mọi người cùng thảo luận. Một trong những chủ đề chúng tôi thường được thảo luận là giới thiệu về bản thân, gia đình, nghề nghiệp, quê hương… Yêu cầu khi thảo luận phải dùng tiếng Anh nhưng cuối cùng SV lại dùng tiếng Việt thảo luận là chủ yếu. Khi giảng viên đến bàn nào thì bàn đó xì xào vài câu tiếng Anh cho có lệ, giảng viên vừa đi là mọi người lại nói tiếng Việt. Một số SV giỏi cũng muốn nói tiếng Anh nhưng thấy các bạn ậm ừ hoài cũng ngán, vậy là đành quay lại cùng thảo luận tiếng Việt. Cuối cùng, học đi học lại nhiều lần nhưng rất nhiều SV lớp tôi đã không thể tự giới thiệu về bản thân mình với một người nước ngoài được.
Mỗi tuần chúng tôi được dạy một buổi tiếng Anh, mỗi buổi dạy bao gồm đầy đủ cả 4 phần nghe – nói – đọc – viết nhưng cách dạy và học như thế liệu chúng tôi có thể có được năng lực ngoại ngữ như các nhà tuyển dụng mong muốn không hay chỉ là cưỡi ngựa xem hoa?
Hà Xuyên (ĐH KHXH-NV TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)