Tòa soạnThư đi – tin lại

“Đạo chích” nhắm vào sinh viên và công nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà trọ không rào chắn, chủ nhân thường không cảnh giác tạo điều kiện cho đạo chích hoành hành. (Ảnh chụp tại một nhà trọ trưa ngày 6-1 trên đường Bùi Cẩm Hổ, quận Tân Phú)

Sáng 5-1, bạn Trần Phước L. (ở trọ số nhà 28/15 đường Bùi Cẩm Hổ, quận Tân Phú, TP.HCM), sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng dậy sớm, chuẩn bị cho buổi học sáng. Như thường lệ, L. dắt chiếc xe đạp ra dựng trước cửa phòng sau đó mới quay vô… đóng cửa để thay đồ, lấy cặp vở. Mọi việc diễn ra chưa đầy 10 phút, nhưng khi mở cửa phòng, L. đứng như trời trồng bởi chiếc xe đã “bốc hơi”…
“Chiếc xe là cả gia tài của em, bố mẹ ngoài quê tích cóp mãi mới mua được nó. Tính Tết này em mang nó về để trùng tu, vậy mà…” – L. nói như mếu. Không chỉ riêng L., ngay nhà trọ này, chưa đầy một tháng trước, anh Sang, 37 tuổi, nhân viên ngành điện lực cũng bị “đạo chích” cạy cửa viếng thăm giữa ban ngày, lấy đi một máy tính để bàn cùng nhiều đồ vật có giá trị khác. Bạn Nguyễn Minh Nguyện, sinh viên năm 3 Trường Đại học Văn Lang, ở trọ đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh cho hay: “Biết “đạo chích” có mặt khắp nơi nên mọi người trong khu nhà trọ em ở rất cẩn thận. Thế nhưng, cứ vài ba bữa thì nghe người này người kia kêu mất… dép, mất giỏ rác, áo quần và cả điện thoại do sạc pin gần cửa sổ”. Nguyện kể vui, hầu hết phòng trọ nơi Nguyện ở đều có cửa sổ khá cao so với mặt đất, song nhiều sáng thức dậy cả nhà trọ… hết hồn khi thấy nguyên hiện trường là chiếc bàn gỗ do kẻ trộm mượn tạm của quán nước ngoài đường kê ngay cửa sổ của mình. Điều đó chứng tỏ đạo chích có ghé thăm nhưng chưa làm ăn gì được! Trong khi đó, khu vực nhà trọ sinh viên thuộc địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức với nhiều dãy nhà tạm bợ, xuống cấp, tình trạng sinh viên bị mất trộm tài sản diễn ra ngày càng nhiều.
Đến hẹn lại lên, tình hình trộm cắp luôn gia tăng và lộng hành vào những tháng cuối năm. Nhất là các khu nhà trọ dành cho sinh viên, công nhân không được đảm bảo an ninh, nhà cửa xập xệ, lỏng lẻo và không có rào chắn. Thống kê mới đây của Công an TP.HCM cho thấy, trong năm vừa qua, con số tội phạm trộm cắp chiếm đa số trên tổng các vụ việc phạm pháp hình sự bằng những thủ đoạn mới rất tinh vi. Đối tượng trộm cắp thường ăn mặc lịch sự đến các khu nhà trọ để giả vờ hỏi đường hay tìm bạn. Tranh thủ sơ hở của chủ nhà, chúng ra tay thực hiện hành vi trộm cắp hoặc nếu có trở ngại, chúng coi đó là “bước thăm dò đầu tiên” để nắm rõ ngõ ngách, lịch sinh hoạt của mọi người trong khu trọ. Thậm chí, “đạo chích” còn sử dụng cả bình hơi cay để thuận tiện hành nghề.
Tình trạng “đạo chích” lộng hành khiến các nạn nhân là sinh viên, công nhân phải điêu đứng. Thế nhưng, khi được hỏi: “Có báo với công an việc bị mất cắp chưa?”, rất nhiều nạn nhân bị mất trộm từ áo quần, điện thoại đến laptop, xe gắn máy đều… chậc lưỡi. Tất cả thường chung một quan điểm, tài sản bị trộm hầu như ít có giá trị nên việc trình báo chỉ thêm… rườm rà. Chính ý nghĩ chủ quan này càng khiến “đạo chích” càng có cơ hội để ra tay.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Ngoài việc nâng cao ý thức phòng chống tội phạm bằng cách tự bảo vệ tài sản cá nhân, luôn cảnh giác và không chủ quan tạo điều kiện cho trộm cắp hoạt động thì trong trường hợp bị mất cắp, nạn nhân cần phải trình báo ngay với lực lượng bảo vệ khu phố để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

 

Bình luận (0)