Xu hướng cắt giảm lao động đang diễn ra ở một số ngành được xem là thế mạnh năm 2008 như tài chính, Nbất động sản, công nghệ thông tin…
Năm 2009, thị trường lao động sẽ có sự đảo chiều của những ngành nghề vốn trước đây được coi là thời thượng, khan hiếm. Điều này khiến cho thị trường lao động càng thêm “nóng-lạnh”, và đối diện tình trạng thiếu – thừa bất thường và mất cân đối. Đó là nhận định của các công ty tư vấn nguồn nhân lực về thị trường lao động thời gian gần đây.
Tài chính, bất động sản: Cắt giảm lao động
Sự đổ vỡ hàng loạt ngân hàng lớn trên thế giới vừa qua đã khiến cho lĩnh vực tài chính vốn “hút” lao động những năm qua trở nên thừa nhân lực. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động không nhỏ đến thị trường nhân lực tài chính tại Việt Nam. Nếu như năm 2008, tài chính là ngành có mức tăng lương cao với 31,6% (từ khảo sát lương của Navigos) và nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán giành giật nhân lực lẫn nhau thì dự báo trong năm tới, các doanh nghiệp phải xem lại chất lượng lao động ở lĩnh vực này.
Theo Bộ Tài chính, đến năm 2010, ngành này cần đến 13.500 lao động (trong đó gồm 5.000 trong người lĩnh vực chứng khoán, 5.000 kiểm toán, 3.000 người bảo hiểm và 500 người thẩm định giá). Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, tài chính và bất động sản có chiều hướng đi xuống dẫn đến cầu nhân lực trong hai ngành này giảm mạnh.
Sẽ có 10%-15% nhân viên IT thất nghiệp
Một ngành mũi nhọn gắn liền với sự phát triển của TPHCM nhiều năm qua là công nghệ thông tin (IT) cũng đang đứng trước nguy cơ cắt giảm lao động. Theo bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talennet Corporation, lĩnh vực công nghệ cao vốn có mức tăng trưởng cao những năm trước thì năm nay lại trở thành ngành có mức tăng lương thấp nhất với 12,1%.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Saigon Postel Corporation, cho biết: “Theo thông tin mà chúng tôi có được, đến năm 2010, số lượng nhân lực tại các công ty vừa và lớn sẽ giảm khoảng 30% so với năm 2005. Có khoảng 10% đến 15% nhân viên IT sẽ thất nghiệp bởi đến năm 2010, nhu cầu nhân lực IT sẽ không tập trung vào các chuyên gia công nghệ. Hầu hết các công việc liên quan đến lập trình và hỗ trợ dịch vụ đều được thuê bên ngoài.
Xây dựng, du lịch, dịch vụ khó phát triển
Ngoài lao động trong ngành tài chính, sắp tới, số việc làm bị cắt giảm sẽ rơi vào các lĩnh vực như xây dựng, công nghiệp ô tô, du lịch, dịch vụ và bất động sản. Bởi các ngành này đang chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính.
Tại Công ty TNHH TM-XD Thiên Thanh, cách đây vài tháng còn ráo riết tuyển nhân lực chuẩn bị cho những dự án mới thì nay cũng tạm ngưng. Ông Phạm Công Danh, chủ tịch HĐQT công ty, cho biết: “Trong tình hình khó khăn như hiện nay, chúng tôi cần tính toán kỹ mọi chi phí để điều chỉnh chiến lược đầu tư nguồn nhân lực”. Cũng lâm vào tình cảnh khó khăn tương tự, giám đốc một công ty chuyên kinh doanh du lịch lữ hành tại quận 1- TPHCM than thở: “Khi kinh tế khó khăn, người ta cũng ít nghĩ đến chuyện du lịch, giải trí. Tình hình này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty cũng như thu nhập của người lao động”.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu Navigos Group: Cắt giảm nhân sự là “liều thuốc” cần thiết Với tình hình kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn khi tuyển dụng cũng như đưa ra các giải pháp ổn định nhân sự. Hiện, nhiều nhà tuyển dụng bắt đầu dành nhiều thời gian để xác định đúng ứng viên cần tuyển hơn là chấp nhận những người chỉ đạt 70% yêu cầu. Cắt giảm nhân sự ở một số khâu và một số ngành nghề là “liều thuốc” cần thiết bởi một số ngành đã phát triển quá nóng những năm qua. |
Huỳnh Nga (nld)
Bình luận (0)