Hội nhậpThế giới 24h

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ gây bất ổn cho khu vực lân cận

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều đánh giá, đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng 16-7 sẽ khiến tình hình trong khu vực Balkan và Trung Đông càng thêm bất ổn.

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ gây bất ổn cho khu vực lân cận
Cảnh sát Thổ vây quanh một xe tăng của lực lượng quân đội đảo chính. Cho tới 11g sáng 16-7, nhiều binh lính thuộc phe đảo chính đã bị bắt hoặc đầu hàng – Ảnh: REUTERS

Blaize Misztal, giám đốc an ninh tại Trung tâm chính sách lưỡng đảng Mỹ, nhận định: "Từ góc nhìn của Mỹ, kịch bản xấu nhất là khi cuộc đảo chính bất thành, dọn đường đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một thời kỳ xung đột kéo dài".

Gonul Tol, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thổ tại Viện Trung Đông, Washington, Mỹ cho biết dù kết quả cuộc đảo chính ra sao, Mỹ cũng sẽ gặp bất lợi.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bruce Riedel, cựu phân tích của CIA: "Đây là một trong những thử thách quan trọng nhất dưới thời tổng thống Obama. Một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định là tiền đề cho Mỹ tại khu vực Balkan, Capca và Trung Đông. Nền dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ, dù mong manh, là yếu tố cần thiết cho bất kỳ hi vọng cải cách chính thể tại Trung Đông".

Hãng tin BBC dẫn lời Dmitry Peskov, người phát ngôn của điện Kremlin: "Thổ Nhĩ Kỳ là một nước rất quan trọng trong khu vực. Sự ổn định và tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng đến toàn khu vực lân cận. Vì vậy, điều Nga muốn là những gì đang diễn ra tại Thổ phải chấm dứt nhanh theo cách hợp pháp, để nước này trở lại ổn định, trật tự".

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia Hồi giáo duy nhất trong khối NATO, đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ Á – Âu, có lực lượng quân đội lớn thứ nhì trong NATO, sau Mỹ. Đất nước 75 triệu dân này đóng vai trò ổn định tình hình tại Đông Nam Âu và Trung Đông.

Hiện NATO và Mỹ đặt nhiều trạm quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ, đáng kể có sân bay Incirlik – nơi Mỹ dùng để xuất kích các máy bay chiến đấu và không người lái để đánh bom IS tại Syria.

Ngay sau khi xảy ra đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho Ngoại trưởng John Kerry – đang công du tại Nga. Nhà Trắng đưa ra đồng tuyên bố của ông Obama và Kerry: "Mọi đảng phái tại Thổ Nhĩ Kỳ phải ủng hộ chính quyền do bầu cử dân chủ chọn ra, bình tĩnh và tránh bạo lực, đổ máu".

Tương tự, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh việc cần thiết là tránh đổ máu.

Còn người phát ngôn của thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Trật tự dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ phải được tôn trọng và bằng mọi giá không được để chết người".

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi mọi người tại Thổ Nhĩ Kỳ hãy bình tĩnh.

Trang tin Al Jazeera dẫn lời ông Ahmet Davutoglu, cựu thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ: "Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước dân chủ. Tôi không nghĩ cuộc đảo chính sẽ thành công. Không thể để Thổ Nhĩ Kỳ bất ổn. Chúng ta đã thấy quá nhiều xung đột tại Syria và nhiều nơi khác. Đây là lúc để Thổ Nhĩ Kỳ đoàn kết.

Đ.K.L/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)