Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Dạo chơi những làng chài Ninh Thủy

Tạp Chí Giáo Dục

Có dịp qua Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), tôi lại rẽ vào những làng chài để thong dong chụp hình trong các ngõ nhỏ, vui đùa với trẻ con hay chỉ để thưởng thức món chè táo 5.000 đồng/ly mát lịm.

Ngõ nhỏ ở làng chài Bá Hà – Ảnh: Tiến Thành

Từ bao đời nay, những thế hệ ngư dân ở làng chài cổ này vẫn giữ lối sống quần cư và sự hồn hậu chất phác vốn có.
1. Dấu tích cổ xưa của làng hiện hữu ngay trên những bức tường xù xì được xây bằng một loại gạch đặc biệt: san hô ép vữa. Theo thời gian, nắng gió bào mòn, bức tường trơ trơ lớp san hô màu bạc phếch.
Chẳng thế nên cánh nhiếp ảnh vẫn truyền tai nhau đến đây để chụp hình lưu niệm, sáng tác nghệ thuật với lối kiến trúc “vang bóng một thời”.
Với tôi, ấn tượng với Ninh Thủy hơn cả chính là những cổng làng, thứ dường như rất hiếm gặp ở những làng biển bây giờ khi đi đâu cũng thấy cổng nào cũng giống cổng nào, nghĩa là đều làm bằng những khung sắt với chữ mở đầu “Làng văn hóa”…
Còn ở Ninh Thủy, bạn sẽ bắt gặp những chiếc cổng làng nhỏ nhắn, xinh xinh, được quét vôi hồng, vôi vàng gắn chữ ở hai mặt: mặt trước cổng hướng về biển ghi vỏn vẹn tên làng như “Làng Thủy Đầm”, “Làng Bá Hà”, còn mặt sau đề chữ “Thiên thời địa lợi nhơn hòa”.
Có lẽ không phải giải thích cặn kẽ, bạn cũng đủ thấy dòng chữ ấy đã nói lên suy nghĩ và khát vọng bình dị, vừa đáng yêu của ngư dân nơi đây.

Một góc thanh bình ở biển Ninh Thủy – Ảnh: Tiến Thành

Cuộc sống bình dị của ngư dân Ninh Thủy – Ảnh: Tiến Thành

Mặt sau cổng làng chài Thủy Đầm – Ảnh: Tiến Thành

2.Từng thong dong qua nhiều làng chài ở các tỉnh miền Trung, song có lẽ vùng biển ở Ninh Thủy là đẹp hơn cả bởi màu nước xanh biếc đến khó tin. Khó tin vì tàu thuyền ở đây hàng ngày vẫn đậu tấp nập và mọi sinh hoạt (như tắm giặt, đánh bắt cá… ) của người dân phần lớn đều diễn ra trên biển.
Hỏi ra, mới biết vùng biển Ninh Thủy trước đây vốn dày đặc những “rừng”, “thảm” san hô nên màu nước biển luôn trong vắt và cũng chính san hô đã trở thành thứ vật liệu để tạo nên những bức tường độc đáo.
Ngày nay, nếu có dịp đi về phía đầu hoặc cuối làng, bạn sẽ còn bắt gặp cảnh biển nguyên sơ, màu nước biển xanh và sạch hơn để có thể thảnh thơi cuốc bộ trên bãi cát trắng mịn, hoặc nằm nghe gió vi vu thổi từ những rặng dừa và hàng dương cổ thụ trải dài ven biển.
Đó hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên?

Cổng đình làng Thủy Đầm nhìn từ nhà tiền tế – Ảnh: Tiến Thành

Tường nhà xây dựng bằng san hô ép vữa – nét kiến trúc đặc trưng ở những làng chài Ninh Thủy – Ảnh: Tiến Thành

Trẻ con ở Ninh Thủy chơi ngụp lặn trên biển – Ảnh: Tiến Thành

3. Ninh Thủy có những làng chài rất dễ chiều lòng người. Nếu là tín đồ của ẩm thực, chỉ cần đi vào những ngõ nhỏ bạn có thể thưởng thức những món ăn vặt đặc trưng của miền biển với giá cực kỳ rẻ như chuối nướng, bánh canh chả cá, hay một ly chè táo ở trước đình làng Thủy Đầm…
Điều thú vị, những người bán hàng sẽ thật thà chia sẻ những bí quyết làm những món ăn địa phương mà không hề giấu giếm như chốn thành thị.
Còn nếu là người thích hoạt náo, bạn hãy dạo quanh trong ngõ nhỏ và cùng vui đùa với những đứa trẻ ngồi hát đồng dao hay chơi đủ đủ thứ trò chơi thuở bé như chơi chuyền, ném lon, ô ăn quan, nhảy lò cò, oẳn tù tì…
Những tiếng cười sảng khoái, sự hồn nhiên của của lũ trẻ chắc chắn sẽ khiến bạn nhận ra Ninh Thủy không chỉ một địa chỉ du lịch – văn hóa mà còn là một “tấm vé” tuyệt vời để trở về với tuổi thơ.

Những bức tường sơn những tông màu đặc trưng miền biển – Ảnh: Tiến Thành

Biển Ninh Thủy trong xanh như ngọc – Ảnh: Tiến Thành

Trẻ con ở làng chài Mỹ Lương, Ninh Thủy chơi ô ăn quan – Ảnh: Tiến Thành

Theo địa phương chí, Ninh Thủy trước đây mang tên Cồn Cạn, nằm trong bán đảo Hòn Khói, hình thành trong thế kỷ 18.
Ninh Thủy ngày nay đã là một phường với bốn thôn xưa là Ngân Hà, Bá Hà, Thủy Đầm và Mỹ Lương. Trong đó, làng chài Bá Hà là nơi có lối sinh hoạt và đời sống văn hóa làng biển đậm nét hơn các thôn khác.

TIẾN THÀNH

(TTO)

 

Bình luận (0)