Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đạo diễn cũng cần phải học cách kinh doanh

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay vai trò của đạo diễn không chỉ là dựng vở, mà còn phải biết cách làm kinh tế cho vở diễn

Thực trạng sân khấu sàn diễn hiện đang khủng hoảng khán giả, nhiều ý kiến từ những người trong cuộc cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi suy nghĩ "chỉ diễn thôi là chưa đủ, mà còn phải biết làm kinh tế cho sàn diễn".

Học thêm cách kinh doanh

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, lâu nay sân khấu vẫn quen với cách làm cũ nhà sản xuất mời đạo diễn dựng vở, sau khi tác phẩm ra mắt khán giả thì đạo diễn xem như hết nhiệm vụ. Đạo diễn bây giờ không thể chỉ biết duy nhất việc dựng vở, mà còn phải biết dàn dựng cả một kịch bản giới thiệu, quảng bá vở diễn với khán giả.

Đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng cho biết tại khu vực phía Bắc, vài năm trở lại đây "bầu sữa" ngân sách dành cho các đơn vị sân khấu công lập ngày càng có chiều hướng thu hẹp. Các đơn vị phải chuyển sang cơ chế tự chủ, các đạo diễn phải biết tìm mọi cách để vở diễn "đứng được, sống được", trong đó bắt buộc phải có những kịch bản (hay còn gọi là dự án) thuyết phục được các nhà đầu tư.

Theo những người trong cuộc, nhiều đơn vị sân khấu tại TP HCM hiện nay cũng đã chủ động làm "kinh tế sàn diễn" như chú trọng đầu tư cho hoạt động quảng bá, đưa chương trình, vở diễn tiếp cận số đông công chúng thông qua việc vận hành và cung cấp thông tin vở diễn trên các trang web, mạng xã hội; tận dụng nhiều kênh thông tin khác, ngoài các kênh chính thống, nhằm đầu tư quảng bá, tiếp thị cho chương trình, tác phẩm, vở diễn.

"Đạo diễn bây giờ cần phải học thêm cách kinh doanh, phải trình bày được kịch bản mang tính chiến lược về nguồn vốn, cách sử dụng vốn để tạo ra các kết quả tài chính, hiệu quả với nhà sản xuất, nhà đầu tư. Có như vậy thì mới thoát được nguy cơ khủng hoảng sàn diễn do không có khán giả" – đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng nhấn mạnh.

NSND Trần Ngọc Giàu bổ sung thêm: "Ngoài việc chăm chút cho vở diễn, cần phải kế hoạch "kinh tế sàn diễn" bài bản kết hợp với doanh nghiệp. Chỉ quảng bá thông qua Facebook, TikTok, Fanpage của các nghệ sĩ nổi tiếng là chưa đủ. Kế hoạch "kinh tế sàn diễn" phải tính đến việc tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn, đặc biệt là khán giả trẻ, quen sử dụng công nghệ như đẩy mạnh truyền thông, bán vé qua mạng".

Đạo diễn cũng cần phải học cách kinh doanh - Ảnh 1.

Chương trình “Sắc ấn ngọc phương Nam” – một dự án sân khấu du lịch của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM. Ảnh: Thanh Hiệp

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Hiện nay một số sàn diễn đã tiên phong hoạt động theo mô hình kết hợp, đồng hành với doanh nghiệp. Mới đây, tại Bảo tàng Thế giới cà phê, Trung Nguyên Legend đã ra mắt vở vũ kịch "Chuyện kể 3 nền văn minh cà phê" nâng cà phê thành "văn hóa – nghệ thuật – triết đạo". Vở vũ kịch này được đánh giá là giàu giá trị nhân văn, sản phẩm cà phê được khai thác hấp dẫn qua đời sống văn hóa vùng cao nguyên.

Cách đây không lâu, ca sĩ Cao Minh cũng đã trình làng mô hình Nhạc kịch Cà phê với vở "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" diễn tại một hội quán trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP HCM được dư luận đánh giá cao và thu hút không ít khán giả.

Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên của các đơn vị sân khấu – mạnh dạn "bật đèn xanh" cho các đạo diễn thử sức làm "kinh tế sàn diễn" vẫn chưa đủ để kéo sân khấu thoát khỏi cuộc khủng hoảng. "Không thể phủ nhận, thời gian qua không ít người làm nghệ thuật và cơ quan quản lý đã có những nỗ lực nhất định nhằm đưa sân khấu đến gần hơn với khán giả trẻ, song những chương trình, kịch mục chưa thực sự nhiều và mức độ quan tâm đầu tư cho những dự án này chưa lớn" – NSND Trần Minh Ngọc trăn trở.

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng đã đến lúc các đạo diễn cần được trang bị kiến thức để tiếp cận việc làm kinh doanh. Tùy những dự án kinh doanh cụ thể khác nhau mà đưa ra những phương án chi tiết để mang lại tính khả thi và bảo đảm được tính pháp lý cao nhất cho dự án sân khấu. Bên cạnh đó, cũng cần mở rộng giao lưu quốc tế với các nước trong khu vực có nền sân khấu tiên tiến.

"Các dự án "kinh tế sàn diễn" cần được tập hợp lại, Hội Sân khấu TP HCM sẽ làm cầu nối, mời các doanh nghiệp đến để chào hàng, từng vở diễn gắn kết với doanh nghiệp sẽ tạo đầu ra cho tác phẩm, đồng thời tạo khuynh hướng sáng tác, dàn dựng hiện nay từ đội ngũ tác giả, đạo diễn trẻ" – NSND Trần Minh Ngọc đề xuất.

Để sân khấu Việt thực sự thoát khỏi khủng hoảng và khán giả, nhất là khán giả trẻ, đến với sân khấu nhiều hơn, yêu mến, trân trọng, tự hào và cùng góp phần gìn giữ những tinh hoa nghệ thuật; đặc biệt là nghệ thuật sân khấu truyền thống thì vấn đề "kinh tế sàn diễn" rất cần được quan tâm để thay đổi cách làm nghệ thuật, cách tiếp cận với khán giả trong xã hội đương đại.

NSND Trịnh Thị Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng đầu tư phát triển đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là nội dung mà Ban Chấp hành và đông đảo các hội viên, người làm nghề rất quan tâm, trăn trở. Trong năm 2022, hội sẽ xây dựng đề án phát triển đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu, sẽ có nhiều hội thảo, tọa đàm về phát triển khán giả trẻ cho sân khấu và đạo diễn chính là người tìm chìa khóa sáng tạo để tạo hiệu quả đồng bộ cho một tác phẩm.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)