Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang: Mong nghệ sĩ dám khoe cái mới

Tạp Chí Giáo Dục

Sau năm năm im ắng, từ cuối tháng 9 đến hết tháng 12-2009, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc sẽ khởi động trở lại. Trước thềm hội diễn, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã có cuộc trao đổi với chúng tôi:

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang -Ảnh: T.T.D.

* Là một đạo diễn tả xung hữu đột ở khắp các lĩnh vực kịch nói, cải lương, chèo, tuồng, bằng những quan sát của mình ông có thể cho chúng tôi biết bức tranh sân khấu VN trong năm năm qua như thế nào?

– Theo tôi, trong năm năm qua sân khấu VN không có gì đột biến, mặc dù hội đã liên tục tổ chức những liên hoan, hội diễn dành cho các sân khấu xã hội hóa, sân khấu thử nghiệm, các cuộc thi diễn viên, hội trại sáng tác… Ngay bản thân tôi cũng vậy, năm năm qua tôi cũng chưa có được những suy tư nào đột biến khiến mình sung sướng hoặc thảng thốt cả. Trong hội diễn sắp tới, nếu không cẩn thận có thể chúng ta lại tiếp tục bằng lòng những vở diễn lành lành, hiền hiền thôi.

* Vậy hội diễn sắp tới sẽ là một cuộc đua thật sự hay lại là một cuộc gặp lành hiền và "vui cả làng"?

– Nếu là một liên hoan vui vẻ với nhau thì chắc ai cũng thanh thản rồi! Nhưng vì là hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, nơi các đơn vị sân khấu công tư cả nước đến để phân tranh cao thấp nên chắc chắn đây sẽ là một cuộc thi căng thẳng. Huy chương lần này không có nhiều để phát đại trà cho vui nữa đâu. Vì vậy áp lực huy chương cũng khá nặng nề đấy!

* Chúng ta nên chờ đợi gì ở hội diễn sắp tới, thưa đạo diễn Doãn Hoàng Giang?

– Ðối với sân khấu VN, vấn đề chính nằm ở cách nhìn. Tôi đi họp với các cấp quản lý và nhận thấy họ rất sợ những gì khác thường, mặc dù ngoài miệng luôn khuyến khích: "Các anh cứ sáng tạo đi!".

Luôn có người cầm còi đứng giữa ngã tư, dù trong nghệ thuật đôi khi chính những lối đi trái chiều, lấn tuyến, vượt đèn đỏ lại là những ngã rẽ tuyệt vời (miễn là cách đi đó không tông ai, không xô ngã nhà người nào)!

Không chỉ trong quan niệm của cấp trên, ngay cả trong đầu của mỗi người nghệ sĩ cũng đã tự tồn tại sẵn một "cái còi", sẵn sàng thổi những suy tư bất ngờ.

Tôi tha thiết mong hội diễn sắp tới sẽ là nơi để các nghệ sĩ dám khoe những gì họ mới nghĩ ra, chứ không chỉ là vuốt ve những cái khóa an toàn đã cũ.

Dù có thể cái mới thường xuyên xuất hiện trong dáng vẻ điên rồ và khó chấp nhận, nhưng có những nền sân khấu trên thế giới chỉ cần 1-2 năm là người ta đã có đột biến giúp tạo nên những bước nhảy vọt sang một trạng thái khác.

* Lần này hội diễn kịch nói và cải lương sẽ được tổ chức tại TP.HCM, trong những rạp hát đầy ắp khán giả. Liệu giữa khán giả miền Nam và hội đồng nghệ thuật miền Bắc có sự lệch pha trong thẩm định?

– Ðây là điều khó tránh khỏi trong những cuộc thảo luận, đánh giá sau vở diễn. Có thể giám khảo miền Bắc bảo: "Ối giời, sân khấu miền Nam sao mà vô vị và hời hợt thế!", trong khi đó có thể khán giả miền Nam lại bảo: "Sao kịch miền Bắc khô khan, cứng nhắc và khó bán vé thế!"…

Ðó là sự khác nhau của vùng miền trong gu thưởng thức và thẩm định. Ở nước ngoài cũng vậy, cho nên họ mới có những nhà hát với những phong cách khác nhau và diễn viên được đào tạo ở nhà hát này thì không thể diễn nổi trong một nhà hát khác. Vì thế khi có sự lệch pha, chúng tôi sẽ cố gắng đi tìm những tiêu chí chung để có được sự đồng thuận cao nhất.

* Xin hỏi thẳng đạo diễn, hội diễn lần này ông tham gia mấy vở? Ông có nằm trong hội đồng giám khảo không?

– Tiếc là tôi không thể trả lời thẳng câu hỏi của bạn được. Quy định của ban tổ chức là mỗi tác giả, đạo diễn chỉ tham gia sáng tạo không quá ba tác phẩm trong một đợt hội diễn. Tuy nhiên nói nôm na thế này, nếu hàng phở đó đắt khách thì không thể cấm người ta chỉ bán mỗi ngày ba bát được!

Tôi cũng đang cân nhắc lời mời tham gia hội đồng giám khảo của hội diễn. Tuy nhiên, nếu tham gia chắc chắn tôi sẽ không được phép chấm vở của mình đâu, yên tâm nhé!

* Nếu vậy ông có cảm thấy ngán ngẩm không khi năm năm rồi mà đi hội diễn, ông vẫn tiếp tục gặp lại những người bạn vong niên của mình như NSND Lê Hùng, NSƯT Trần Ngọc Giàu…- mỗi người ôm theo vài vở?

– Thú thật là tôi cảm thấy buồn khi năm năm qua vẫn cứ… đắt sô, làm không kịp thở. Tôi cũng tin rằng Lê Hùng hay Trần Ngọc Giàu cũng không sung sướng gì lắm đâu.

Cũng có lúc chúng tôi cảm thấy oai, thấy mình đã lên hàng ông mà người ta vẫn tin tưởng, trọng dụng. Nhưng nhìn ra xa hơn thì vẫn là một nỗi cô đơn lớn. Ðường đua hiu hắt chỉ có một mình thì còn gì hứng thú nữa. Tôi được biết hội diễn lần này cũng sẽ có nhiều gương mặt trẻ tham gia, nên cứ hi vọng!

* Có ý kiến cho rằng hội diễn lần này nên là… lần cuối để khỏi tốn tiền, tốn công mà sân khấu vẫn không có gì thay đổi đáng kể…

– Tôi không nghĩ vậy, dù gần đây sau nhiều liên hoan, hội diễn, mọi người phờ phạc nhìn nhau mà chẳng rút ra được điều gì. Tôi nghĩ tương lai sẽ có sự thay đổi trong cách tổ chức. Có thể chúng ta sẽ chọn những vở diễn điển hình, vở đang gây sốt vé, vở đang gây phản ứng, thậm chí vở đang bị cấm chẳng hạn… để ngồi xem với nhau, rồi thảo luận xem vở đó có đáng được hay bị như vậy không, tìm ra giá trị thật của tác phẩm để khuyến khích hoặc cảnh báo… Tôi nghĩ đó cũng là một cách làm hiệu quả mà ít tốn kém, ít đi lại, không có áp lực huy chương…

Kịch nói: 27 vở diễn tranh tài

Năm nay hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lĩnh vực kịch nói được tổ chức tại TP.HCM – nơi có đời sống sân khấu kịch năng động nhất cả nước. Ðiều này tạo nên không khí hào hứng cho các đơn vị tham gia hội diễn, nhất là các đoàn xã hội hóa phía Nam vì không phải vất vả di chuyển xa, đóng cửa nhà hát đem quân đi ra Bắc thi như những lần trước.

Theo danh sách từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, hiện nay có 19 đơn vị trong cả nước với 27 vở diễn sẽ tham gia tranh tài từ 26-9 đến 7-10-2009. Trong đó, các vở kịch nổi bật của sân khấu TP.HCM trong thời gian qua như: Ngàn năm tình sử (Idecaf), Nỏ thần (kịch Hồng Vân), Cánh đồng bất tận (5B), Người thi hành án tử (Nhà hát Kịch TP.HCM)… đều có tên trong danh sách dự thi. Các nhà hát phía Bắc sẽ ra mắt khán giả miền Nam những vở diễn: Ai sợ ai (Nhà hát Tuổi Trẻ), Trên cả trời xanh (Nhà hát Kịch VN), Linh hồn Việt cộng (Ðoàn kịch nói Hải Phòng), Mắt phố (Nhà hát Kịch Hà Nội)… Những đơn vị tại TP.HCM sẽ được diễn dự thi tại rạp hát của mình trong những suất diễn bán vé bình thường. Những đơn vị ở xa sẽ được sắp xếp diễn dự thi tại Nhà hát TP.HCM.

Trong tháng 11 và 12-2009, hội diễn tiếp tục với các thể loại cải lương (TP.HCM), chèo (tại Quảng Ninh) và tuồng – dân ca kịch (tại Ðà Nẵng).

HOÀNG OANH (Theo TTO)

Bình luận (0)