Trong vai trò là tổng đạo diễn, tiến sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn luôn là bảo chứng cho sự thành công trong các chương trình sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch lớn. Đặc biệt trong lĩnh vực sân khấu, đạo diễn Hoàng Duẩn còn ghi đậm dấu ấn với khán giả qua các tác phẩm sân khấu về những nhân vật lịch sử Việt Nam, đạt được nhiều giải thưởng danh giá…
Tiến sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn nhận giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc” vở “Câu hò đất mẹ” trong Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021
Thương hiệu của các lễ hội lớn
Dành hết cả thanh xuân cho nghệ thuật, tiến sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn (giảng viên – Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa – nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) là tên tuổi quen thuộc trong các chương trình sự kiện, lễ hội phía Nam.
Anh đã chứng tỏ được độ “phủ sóng” rộng khắp khi liên tiếp được mời làm tổng đạo diễn của nhiều lễ hội lớn như: Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ 8; Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5 năm 2022; Lễ khai mạc và bế mạc Tuần văn hóa – du lịch tỉnh Long An 2022; Lễ khai mạc và bế mạc Ngày hội văn hóa – du lịch Bạc Liêu; Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022… Mới đây nhất, Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 do anh đạo diễn đã để lại dấu ấn đặc sắc trong lòng công chúng.
Hoàng Duẩn từng là đồng tổng đạo diễn bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (2019) và làm tổng đạo diễn Lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam (các năm: 2014, 2015, 2016), khai mạc Lễ hội Techdemo Gia Lai (2019), Lễ hội Nguyễn Trung Trực (2019), Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất, Chương trình nghệ thuật “Mùa thu lịch sử” (Quảng Ngãi)…
Đạo diễn Hoàng Duẩn và ông Trần Minh Lý – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng trong Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng 2023
Đối với đạo diễn Hoàng Duẩn, khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ một sự kiện nào, bản thân anh cùng ê-kíp luôn nghiên cứu thật kỹ, tìm tòi và phát triển những cái mới. Theo anh, người đạo diễn không chỉ giỏi về dàn dựng, nghệ thuật mà còn phải có kiến thức, sự am hiểu về văn hóa, con người bản địa, đặc biệt, không thể có sai lệch về văn hóa.
Khi “cầm trịch” bất kỳ sự kiện nào, anh luôn biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để tạo nên một chương trình đặc sắc, mang dấu ấn về nét đẹp truyền thống mà vẫn trẻ trung và mới lạ.
Với cách làm việc chuyên nghiệp ấy đã tạo nên một thương hiệu đạo diễn Hoàng Duẩn rất riêng với ngọn lửa làm nghề luôn cháy rực trong người, là sống hết mình để cống hiến cho nghệ thuật.
Ghi dấu ấn với những vở diễn lịch sử
Trong lĩnh vực sân khấu, Hoàng Duẩn cũng tạo được những dấu ấn sâu đậm với khán giả trong vai trò đạo diễn các tác phẩm kịch nói, cải lương về các nhân vật lịch sử như: Tả quân Lê Văn Duyệt trong vở cải lương “Án tử” (đoạt huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2020) thể loại chương trình sân khấu. Vở cải lương đã khắc họa rõ nét về cuộc đời và sự hy sinh của Tả quân Lê Văn Duyệt, người hai lần nhận nhiệm vụ Tổng trấn Gia Định thành, một trong những người có công lớn mở mang bờ cõi, ổn định phát triển vùng Nam bộ.
Hay, trước đó, vở “Đường mòn trên biển” (về tình cảm của những người lính biển đối với Tổ quốc) đã nhận huy chương bạc trong Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2011.
Cảnh trong vở cải lương lịch sử “Huyền thoại anh hùng” do Hoàng Duẩn làm đạo diễn
Gần đây, với những góc nhìn mới, trẻ trung qua vở kịch “Câu hò đất mẹ”, tái hiện hình tượng lịch sử – nhân vật Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Duẩn đã nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 (giải thưởng duy nhất dành cho đạo diễn).
Hiện nay, dù bận rộn với việc giảng dạy, sáng tác và đạo diễn cho HTV, nhưng mỗi khi có sự kiện, lễ hội về văn hóa, du lịch hay có đơn vị sân khấu mời anh tham gia dựng kịch lịch sử, Hoàng Duẩn đều cố gắng sắp xếp để tham gia. Sắp tới, vở kịch lịch sử “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt” do anh làm đạo diễn cho Sân khấu IDECAF sẽ mang đến những ấn tượng trong năm 2024. |
Toàn bộ vở diễn tái hiện về cuộc đời và tình yêu thật đẹp giữa hai con người Cộng sản chân chính là vợ chồng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, sự nhung nhớ vì chưa làm tròn bổn phận người con với bậc sinh thành, tình mẫu tử khi phải rời xa đứa con nhỏ để làm cách mạng, nhớ đến những người cộng sự đã ngã xuống vì lý tưởng cách mạng… Tất cả vì tình yêu quê hương, đất nước luôn một lòng vì Tổ quốc.
Tháng 11-2023, vở cải lương nói về người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mang tên “Huyền thoại anh hùng” do Hoàng Duẩn làm đạo diễn cũng đã xuất sắc nhận được huy chương vàng của Hội thi tiểu phẩm tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (Liên hoan cải lương Hương sắc Cửu Long) và 4 giải thưởng khác dành cho các cá nhân…
Sự say mê trong nghệ thuật, yêu văn hóa lịch sử đất nước và bản lĩnh của Hoàng Duẩn đã “chắp cánh” cho các tác phẩm mang tính lịch sử để lại những góc nhìn mới, giúp vở diễn cách mạng trở nên hấp dẫn, vừa cô đọng lại được nội dung mà tác phẩm muốn truyền đạt mà vẫn mang yếu tố giải trí.
“Với đề tài lịch sử, cách mạng thì bản thân tôi phải đọc, nghiên cứu, tham khảo nhiều tài liệu, trải nghiệm thực tiễn tại các địa điểm lịch sử. Tôi đã 3 lần đến thăm di tích Ngã Ba Giồng, di tích Nhà thương Giếng nước khi dựng “Câu hò đất mẹ”, nhiều lần đến lăng Ông Bà Chiểu khi dựng cải lương “Án tử”, dâng hương Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực khi dựng “Huyền thoại anh hùng””, Hoàng Duẩn cho biết.
Đối với đạo diễn Hoàng Duẩn, khi tiếp cận khán giả, nhất là khán giả trẻ, việc làm “mềm” và giảm đi sự rập khuôn trong các vở diễn mang tính lịch sử cách mạng sẽ giúp cho họ đón nhận dễ dàng hơn. Vì vậy anh luôn muốn dựng các vở diễn cách mạng thật trẻ và đời để chính các bạn trẻ có thể cảm nhận một cách gần gũi về những tấm gương của thế hệ đi trước, từ đó sẽ là động lực thôi thúc bản thân trong học tập, làm việc và cống hiến.
Anh Khôi
Bình luận (0)